Chính sách mới có hiệu lực từ giữa tháng 5

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Quy định về tiêu chí phân loại phim và thực hiện hiển thị mức phân loại phim, cảnh báo; giáo viên tiểu học, THCS hạng I không cần có bằng thạc sĩ … là những chính sách có hiệu lực từ giữa tháng 5. 

Quy định tiêu chí phân loại phim và thực hiện hiển thị mức phân loại phim, cảnh báo

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Thông tư số 05/2023/TT-BVHTTDL quy định tiêu chí phân loại phim và thực hiện hiển thị mức phân loại phim, cảnh báo. Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/5/2023.

Thông tư gồm 6 điều, quy định tiêu chí phân loại và thực hiện hiển thị mức phân loại phim, cảnh báo phim áp dụng chung cho các hình thức phổ biến phim. Thông tư này áp dụng đối với cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động phổ biến phim.

Mức phân loại phim theo tiêu chí phân loại được xếp từ thấp đến cao như sau: Loại P: Phim được phép phổ biến đến người xem ở mọi độ tuổi; loại K: Phim được phổ biến đến người xem dưới 13 tuổi với điều kiện xem cùng cha, mẹ hoặc người giám hộ; loại T13 (13+): Phim được phổ biến đến người xem từ đủ 13 tuổi trở lên; loại T16 (16+): Phim được phổ biến đến người xem từ đủ 16 tuổi trở lên; loại T18 (18+): Phim được phổ biến đến người xem từ đủ 18 tuổi trở lên; loại C: Phim không được phép phổ biến.

Tiêu chí phân loại phim bao gồm: Tiêu chí về chủ đề, nội dung; về bạo lực; về khỏa thân, tình dục; về ma túy, chất kích thích, chất gây nghiện; về kinh dị; về ngôn ngữ thô tục; về hành vi nguy hiểm, dễ bắt chước.

Ngoài ra, Thông tư còn bao gồm các nội dung về: Nguyên tắc phân loại phim; nguyên tắc thực hiện hiển thị mức phân loại phim; nguyên tắc thực hiện cảnh báo; nội dung hiển thị mức phân loại phim, cảnh báo…

Từ 30/5, giáo viên tiểu học, THCS hạng I không cần có bằng thạc sĩ

Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư 08/2023 sửa đổi 4 thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập gồm 04 Thông tư: Thông tư 01/2021 về giáo viên mầm non, Thông tư 02/2021 về giáo viên tiểu học, Thông tư 03/2021 về giáo viên THCS và Thông tư 04/2021 về giáo viên THPT.

Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu giáo viên tiểu học hạng I, giáo viên trung học cơ sở hạng I phải có bằng thạc sĩ trở lên thuộc chuyên ngành giảng dạy hoặc chuyên ngành phù hợp với môn học giảng dạy hoặc ngành quản lý giáo dục và chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp hạng I.

Tuy nhiên, theo Thông tư mới, giáo viên không bắt buộc có bằng thạc sĩ mà chỉ cần bằng cử nhân trở lên thuộc chuyên ngành giảng dạy hoặc bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm.

Ngoài ra, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ quy định một loại chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, tiểu học, THCS, THPT; thay vì theo các hạng 1, hạng 2, hạng 3 hoặc hạng 4 như hiện nay.

Cụ thể, giáo viên mầm non sử dụng chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non. Giáo viên tiểu học sử dụng chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học. Giáo viên THCS sử dụng chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên THCS. Giáo viên THPT sử dụng chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên THPT.

Trường hợp giáo viên mầm non đã có một trong các chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non hạng II, hạng III, hạng IV; giáo viên tiểu học đã có một trong các chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng II, hạng III, hạng IV; giáo viên THCS đã có một trong các chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên THCS hạng I, hạng II, hạng III; giáo viên THPT đã có một trong các chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên THPT hạng I, hạng II, hạng III theo quy định của pháp luật trước ngày 30/6/2022 được xác định là đáp ứng yêu cầu về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên tương ứng với từng cấp học, được sử dụng khi tham dự kỳ thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp và không phải học chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên tương ứng với từng cấp học quy định tại Thông tư 08.

Thông tư 08 có hiệu lực từ ngày 30/5/2023.

Quy định mới chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tài chính

Ngày 20/4/2023, Chính phủ ban hành Nghị định 14/2023/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính. Nghị định có hiệu lực từ ngày 15/5/2023.

Theo Nghị định, Bộ Tài chính là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về: tài chính - ngân sách, hải quan; kế toán; kiểm toán độc lập; giá; chứng khoán; bảo hiểm; hoạt động dịch vụ tài chính và dịch vụ khác thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của Bộ; thực hiện đại diện chủ sở hữu phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp thuộc bộ theo quy định của pháp luật.

Cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính gồm 28 đơn vị thay vì có 29 đơn vị như quy định cũ. Vụ Chính sách thuế tiếp tục thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo các quy định pháp luật hiện hành cho đến khi Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí./.

Đọc thêm

Quy định mới nhất về việc tổ chức học thêm, dạy thêm

Ảnh minh họa
(PLVN) - Thông tư 29/2024 quy định rõ, giáo viên đang dạy học tại các nhà trường không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh đối với học sinh mà giáo viên đó đang được nhà trường phân công dạy học theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.

Không giải thích rõ ràng cho bên mua về quyền lợi bảo hiểm bị phạt tới 100 triệu đồng

Ảnh minh hoạ.
(PLVN) - Theo quy định tại  Nghị định số 174/2024/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm vừa được Chính phủ ban hành, hành vi không giải thích rõ ràng, đầy đủ cho bên mua bảo hiểm về quyền lợi bảo hiểm, điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm bị phạt tới 100 triệu đồng.