Vụ án Đinh Xuân Hảo, Đinh Xuân Hải “Chống người thi hành công vụ” xảy ra ở xã Hương Mạc (Từ Sơn, Bắc Ninh) do hành vi chống đối lại việc cưỡng chế sai trái của chính quyền. Việc gia đình ông Đoàn Văn Vươn ở Hải Phòng được tuyên hủy các quyết định sai trái và khôi phục quyền lợi khiến các bị cáo Hảo, Hải và gia đình họ hy vọng vụ án sẽ được TANDTC minh xét.
Chính quyền “xử” thay Tòa
Nguồn cơn sâu xa khiến Đinh Xuân Hảo, Đinh Xuân Hải phải lãnh án tù về tội “Chống người thi hành công vụ” là do tranh chấp đất đai giữa cụ Mai và ông Hoàn (là bà nội và bố đẻ của Hảo, Hải).
Năm 1991, cụ Mai tặng cho ông Hoàn hơn 400m2 đất và ông Hoàn đã sang tên sổ đỏ. Năm 2004, cụ Mai lại khiếu nại lên UBND Thị xã (TX) Từ Sơn đòi ông Hoàn trả lại 200m2. Cùng thời điểm, tháng 7/2004, UBND TX Từ Sơn ra Quyết định hủy "sổ đỏ" đã cấp cho 98 hộ (trong đó có hộ ông Hoàn) vì đất liên quan đến hành lang giao thông và chia tách hộ.
Việc đòi đất giữa cụ Mai và ông Hoàn lẽ ra phải được giải quyết theo thủ tục dân sự tại Tòa án, thì UBND TX Từ Sơn lại ra Quyết định số 1139 giao xã Hương Mạc và Phòng Giao thông đô thị xây dựng - Địa chính Từ Sơn làm thủ tục cấp "sổ đỏ" cho cụ Mai. Chính vì quyết định sai thẩm quyền này mà năm 2005, 200/401m2 đất của ông Hoàn đã "biến" thành đất của cụ Mai.
Không đồng ý, ông Hoàn khiếu nại và tháng 5/2006, UBND huyện Từ Sơn ra Quyết định số 352 thu hồi “sổ đỏ” đã cấp cho cụ Mai nhưng vẫn giữ nguyên nội dung của Quyết định số 1139. Sự việc này buộc ông Hoàn khởi kiện hành chính ra TAND tỉnh Bắc Ninh yêu cầu hủy bỏ Quyết định 352 và Quyết định 1139 với lý do các quyết định trái pháp luật, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Bản án số 01/2007/HC-ST ngày 28/6/2007 của TAND tỉnh Bắc Ninh nhận định: Thửa đất tranh chấp trên chưa có "sổ đỏ". Quyết định số 1139 chưa phải là quyết định cấp "sổ đỏ" cho hộ cụ Mai hay ông Hoàn. Bản án chỉ rõ: Tranh chấp đất giữa cụ Mai và ông Hoàn thuộc thẩm quyền của Tòa án chứ không phải thẩm quyền của UBND nên các quyết định của chính quyền là không đúng thẩm quyền.
Nhưng thay vì hủy quyết định trái pháp luật đó thì Tòa án lại đình chỉ xét xử, trả lại đơn kiện cho người khởi kiện và hướng dẫn ông Hoàn khiếu nại lên UBND tỉnh Bắc Ninh. Ông Hoàn khiếu nại lên tỉnh, đồng thời khiếu nại đến TANDTC xét lại phán quyết của TAND tỉnh Bắc Ninh.
Vào tù vì chống lại cái sai của chính quyền
Trong khi TANDTC đang tiếp nhận giải quyết khiếu nại của ông Hoàn thì ngày 31/12/2010, UBND xã Hương Mạc cùng các cơ quan chức năng TX Từ Sơn tổ chức cưỡng chế tháo dỡ công trình nhà xưởng trên diện tích 200m2 đất của ông Hoàn để giao cho cụ Mai. Cần nói rõ, gia đình ông Hoàn không hề nhận được quyết định cưỡng chế, hồ sơ vụ án cũng không thể hiện có bản quyết định cưỡng chế.
Vì vậy, Hải và Hảo đã có hành vi chống đối lực lượng cưỡng chế nên bị TAND tỉnh Bắc Ninh khép vào tội “Chống người thi hành công vụ” với mức án mỗi người 1 năm tù giam.
Hiện bị cáo Hảo, Hải và gia đình vẫn liên tục gửi đơn khiếu nại vạch ra sai phạm của chính quyền và đề nghị xét lại cả vụ án hành chính lẫn vụ án “Chống người thi hành công vụ” theo thủ tục giám đốc thẩm.
Luật sư Trần Anh Tú (Đoàn Luật sư Hà Nội): Tòa án Nhân dân tối cao cần khẩn trương vào cuộc! * Xin ông cho biết liệu có căn cứ pháp lý để xem xét đề nghị giám đốc thẩm vụ án hành chính và vụ án “Chống người thi hành công vụ” của gia đình bị cáo Hảo và Hải không? - Tại vụ án hành chính, TAND tỉnh Bắc Ninh đã chỉ rõ cái sai của UBND TX Từ Sơn là “xử” tranh chấp dân sự thay Tòa án, nhưng thay vì phải hủy quyết định sai trái đó thì Tòa lại trả đơn cho ông Hoàn, đình chỉ vụ án là sai lầm nghiêm trọng. Thiết nghĩ, cần phải kháng nghị giám đốc thẩm vụ án hành chính để xử lại theo hướng Tòa án phải tuyên hủy các quyết định trái pháp luật của UBND TX Từ Sơn, khôi phục lại quyền lợi cho gia đình ông Hoàn. Trong vụ án “Chống người thi hành công vụ”, nếu xét căn nguyên sự việc một cách công tâm, có tình có lý thì thấy rằng hành vi của Hảo và Hải chưa đến mức phạm tội mà đó là hành vi phòng vệ chính đáng, bảo vệ tài sản hợp pháp của gia đình họ. Vì vậy, tôi cho rằng có cơ sở để xét lại vụ án “Chống người thi hành công vụ” theo thủ tục giám đốc thẩm. * Có thể xem vụ án Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng như một tiền lệ để so sánh, đối chiếu vào vụ án này không, thưa Luật sư? - Đặt ra vấn đề này chưa thực sự phù hợp vì pháp luật Việt Nam không thừa nhận tiền lệ án. Tuy nhiên, phải thừa nhận công lý và sự thật thì chỉ có một; và hai vụ án có tính chất tương đồng thì không thể có hai cách giải quyết, ứng xử “tréo ngoe” nhau. Tôi cho rằng, rất cần sự vào cuộc khẩn trương và trách nhiệm của TANDTC, đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho người dân. |
Trần Nguyên