Chính quyền phải công khai, minh bạch
Báo cáo tại cuộc họp cho biết, sau 3 năm triển khai thực hiện Kết luận số 120-KL/TW ngày 7/1/2016 của Bộ Chính trị khóa XI “Về tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở”, việc thực hiện quy chế dân chủ ở từng loại hình cơ sở có nhiều tiến bộ, đi vào chiều sâu. Dân chủ đại diện được phát huy, dân chủ trực tiếp được mở rộng; phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” được cụ thể hóa trên nhiều lĩnh vực ở cơ sở. Cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” tiếp tục được thực hiện đồng bộ, cụ thể hơn, đạt hiệu quả.
Góp ý vào Báo cáo thực hiện Kết luận số 120-KL/TW, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó Trưởng ban Chỉ đạo cho rằng, thời gian qua, nhiều vụ việc tham nhũng bị xử lý đã có tác động lớn tới suy nghĩ, nhận thức, hành động của cán bộ, chính quyền các cấp đối với thái độ, hành vi ứng xử hàng ngày. Mặt khác người dân cũng có lòng tin để tiếp tục góp ý, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị cần đánh giá sâu sắc hơn công tác dân vận chính quyền. Trước hết các cấp chính quyền phải công khai, minh bạch trong các hoạt động để người dân biết, tham gia. Hiện, nhiều địa phương làm chưa tốt việc này; chưa kể các cơ quan báo chí chưa được cơ quan nhà nước cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời để tuyên truyền, thông tin đến người dân. Thời gian qua, thực hiện dân chủ cơ sở ở xã, phường, thị trấn, trong các đơn vị sự nghiệp đã bắt đầu thay đổi tích cực nhưng trong khu vực hành chính, doanh nghiệp thì không được như vậy. Nhiều nơi cũng công khai, nhưng những thứ không cần lắm thì công khai nhiều, còn những thứ người dân cần thì lại không đầy đủ, cụ thể.
Phó Thủ tướng cũng lưu ý về vấn đề cải cách hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến để hạn chế tiếp xúc trực tiếp giữa người dân và công chức, viên chức, nhất là trong những lĩnh vực nhạy cảm, dễ nhũng nhiễu người dân.
Chính quyền phải lắng nghe nhiều hơn, thay đổi nhiều hơn
Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo, báo chí được cung cấp thông tin đầy đủ sẽ là kênh phản biện hữu hiệu đối với các thông tin sai lệch, góp phần định hướng dư luận xã hội. Đặc biệt, trong thời đại công nghệ thông tin ngày càng phát triển cũng cần có cơ chế để sử dụng mạng xã hội như một kênh cung cấp thông tin, tạo diễn đàn, định hướng dư luận xã hội.
Ghi nhận những ý kiến đóng góp của các thành viên Ban Chỉ đạo, bà Trương Thị Mai, Trưởng ban Dân vận Trung ương, Trưởng ban Chỉ đạo cho rằng, việc đổi mới công tác thông tin, tuyên truyền qua báo chí và mạng xã hội sẽ góp phần giúp người dân có thể bày tỏ định hướng tốt hơn, tạo sự đồng thuận cao hơn trong việc ban hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Tuy nhiên, cần có định hướng và tăng cường quản lý để việc tuyên truyền đạt hiệu quả cao hơn.
Trưởng ban Dân vận Trung ương đề nghị, báo cáo cần chỉ rõ việc đổi mới phương thức hoạt động trong Đảng, chính quyền đã góp phần thực hiện quy chế dân chủ vì “đổi mới trong Đảng là đấu tranh trực diện với phòng chống tham nhũng, công khai, minh bạch trong xử lý cán bộ vi phạm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ”.
Cũng theo Trưởng ban Chỉ đạo, người dân quan tâm tới sự thay đổi của chính quyền theo hướng công khai, minh bạch, phục vụ tốt hơn cho quyền, lợi ích của người dân. Chính quyền phải lắng nghe nhiều hơn, thay đổi nhiều hơn, tiếp thu ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của người dân liên quan đến vấn đề phát triển đất nước, chủ quyền quốc gia, vị trí của Việt Nam đối với khu vực và thế giới… Cùng với đó, báo cáo cần khái quát, làm rõ hơn những vấn đề bức xúc được dư luận quan tâm, bởi đây là giải pháp quan trọng để Đảng, chính quyền thực hiện quy chế dân chủ gắn bó thực sự với nhân dân./.