Bà cụ đứng giữa cầu đối mặt lực lượng đòi cưỡng chế đập phá, tuyên bố: “Cầu tôi xây hợp pháp, xin giữ lại cho dân đi, tôi không đòi hỏi gì... Cây cầu vô tội, muốn đập cầu phải cán qua xác tôi. Ai tiến thêm một bước, tôi cắn lưỡi tự sát”.
Xây cầu vì dân, bị… phạt 5 triệu
Cụ Lê Thị Phương Mai (SN 1942, chủ Doanh nghiệp Tư nhân Thuận An 2, từng ngụ ấp Tân Cang, xã Phước Tân, TP Biên Hòa, Đồng Nai) vẫn nhớ như in những chuyện từ hơn 40 năm trước khi mới về khai phá lập nghiệp vùng Tân Cang.
Ám ảnh nhất là chuyện đi lại qua dòng sông Buông. Mùa khô, con sông nước lấp xấp chỉ như con suối. Nhưng mùa mưa, lũ ập về có khi nước dâng tới 3-4m. Bao người đã bị lũ cuốn mất mạng. Mỗi lần vượt sông là một lần đánh cược sinh mạng.
Sau này đầu tư kinh doanh có tiền, lập dự án khu du lịch sinh thái, cụ thực hiện tâm niệm bắc cây cầu cho mọi người qua lại. Cây cầu ban đầu là cầu treo, người địa phương gọi nôm na cầu Dây, rồi có tên cầu Mỏ Đất, sau đổi tên cầu Thuận An 2.
Dự án khu du lịch sinh thái bị địa phương từ chối cấp phép, cụ chuyển sang xin cấp phép khai thác mỏ đá. Được chỉ đạo phải xây cầu khác kiên cố hơn, cụ vui vẻ chấp hành, ngày 18/12/2001 làm “Đơn xin làm cầu” gửi xã huyện, nêu rõ “kính xin quý cơ quan cho phép tôi được xây dựng cây cầu bắc ngang chỗ cầu Dây cũ”, dốc vốn xây chiếc cầu bê tông kiên cố tải trọng 30 tấn.
Theo hồ sơ thiết kế kỹ thuật – thi công do Công ty tư vấn Xây dựng Công trình Giao thông 7 (Cục Đường bộ Việt Nam, Bộ Giao thông Vận tải) lập tháng 8/2002, cầu được xây dựng trên chính tuyến đường vào mỏ đá, tại vị trí ổn định, thiết kế theo tiêu chuẩn cấp V=40.
Tháng 7/2006, cụ Mai làm đơn báo cáo: “Chúng tôi đã thực hiện xong quy định của tỉnh về việc thực hiện đóng góp làm đường giao thông và cầu qua sông Buông mặc dù doanh nghiệp chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn về vốn”.
Cụ Mai nói: "Cầu tôi xây vì dân chứ không phải vì ý chí cá nhân của ông cán bộ, doanh nghiệp nào ". |
Ngày 23/8/2006 UBND huyện Long Thành (khi đó Phước Tân chưa sáp nhập về Biên Hòa – NV) xác nhận: “Trong quá trình thực hiện dự án đầu tư tại địa phương, Thuận An 2 đã chấp hành tốt việc đóng góp làm đường giao thông nông thôn và làm cầu qua sông Buông, phục vụ việc đi lại của nhân dân trong khu vực và các đơn vị kinh tế… đã được nghiệm thu đưa vào sử dụng và bàn giao lại cho UBND huyện Long Thành quản lý”.
Bà Huỳnh Thị Ngọc Anh (SN 1960, con gái cụ Mai) nhớ lại: “Dù đã làm đơn xin đầy đủ, được chính quyền chấp thuận, nhưng việc xây cầu vẫn bị cơ quan chức năng gây khó dễ, “tiền hậu bất nhất”. Thậm chí khi chúng tôi chở đất từ nhà ra đổ làm đường dẫn lên cầu, còn bị… phạt 5 triệu đồng”.
Bất ngờ nhất, cầu vừa xây xong đã bị Sở Giao thông Vận tải đòi… đập bỏ, dù huyện đã xác nhận sự việc xây cầu hợp pháp, hợp tình như trên.
Nỗi oan ức bị đổ tội “xây cầu thu phí”
Những quan điểm của các cơ quan chức năng Đồng Nai về cây cầu Thuận An 2 quả thật rất “tiền hậu bất nhất” khi nhìn lại những văn bản chỉ đạo sự việc. Văn bản số 995/UBT của UBND Đồng Nai ngày 13/3/2003 yêu cầu Thuận An 2 phải xây dựng cầu, đường giao thông.
Văn bản số 556/CN do quyền Giám đốc Sở Công nghiệp khi đó là bà Phan Thị Mỹ Thanh ký ngày 29/5/2003, có nội dung: “Doanh nghiệp (Thuận An 2 - NV) đã xây dựng xong hai mố cầu… Đề nghị doanh nghiệp làm hoàn chỉnh cầu và báo cáo các ngành kiểm tra trình UBND tỉnh xem xét…”. Trong Văn bản số 3300/UBT ngày 31/7/2003, Phó Chủ tịch UBND Đồng Nai khi đó là ông Ao Văn Thinh một lần nữa chỉ đạo Thuận An 2 “tiếp tục xây dựng hoàn tất cầu”.
Thế nhưng tháng 7/2005, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Đồng Nai khi đó là ông Nguyễn Văn Điệp bất ngờ có văn bản gửi UBND tỉnh, đòi… tháo bỏ cầu. Theo văn bản này, có đơn của một doanh nghiệp tố Thuận An 2 “xây cầu không phép, không hồ sơ, dựng barie thu phí qua cầu”.
Sở này sau đó lập đoàn kiểm tra, xác nhận cây cầu “gồm 5 nhịp bê tông tiền áp dài gần 25m, mặt cầu rộng 4,65m, gờ chắn bánh cao 0,5m. Cầu đặt trên mố đá xây, sàn cầu tốt, riêng mố A có vết nứt”.
Cuộc cưỡng chế đòi đập cầu Thuận An 2 hồi đầu năm 2010 . |
Bà Ngọc Anh tố, dù Sở này không làm việc với gia đình yêu cầu cung cấp các hồ sơ, văn bản liên quan, nhưng đã vội vàng cho rằng “cầu xây dựng không có hồ sơ thiết kế kỹ thuật được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Khi thi công không có sự giám sát
thường xuyên của tổ chức thiết kế, cơ quan giám định chất lượng công trình”. Vị Giám đốc Sở cho rằng: “Cầu vi phạm quy chế quản lý đầu tư và xây dựng trong Nghị định 52/1999/NĐ-CP. Thuận An 2 tự xây dựng barie chắn đường là trái chủ trương ban đầu của cấp có thẩm quyền. Cầu xây dựng không có hồ sơ khảo sát thiết kế kỹ thuật được duyệt, độ an toàn của cầu không có cơ sở đảm bảo, nhất là móng mố”. Giám đốc Sở đề nghị tỉnh “cho tháo bỏ cây cầu”.
Bà Ngọc Anh phản bác: “Sở Giao thông Vận tải đã báo cáo láo. Cầu xây theo đúng mọi quy trình, thủ tục như xác nhận của UBND huyện. Về việc lập barie, chúng tôi nhằm ngăn các xe chở đá nặng tới 40-50 tấn qua lại có thể sập cầu, chúng tôi chưa từng thu một đồng “phí qua cầu” từ bất kỳ doanh nghiệp cá nhân nào”.
Về cái mà Sở cho rằng “cầu vi phạm quy chế quản lý đầu tư và xây dựng quy định trong Nghị định 52/1999/NĐ-CP”, Luật sư Huỳnh Phước Hiệp (Đoàn Luật sư TP HCM) phản bác: “Cầu xây hoàn toàn bằng tiền của doanh nghiệp nên không chịu sự điều chỉnh của Nghị định trên. Sở Giao thông đã viện dẫn văn bản sai”.
Đề nghị “cho tháo bỏ cây cầu” vô lý như vậy nên không được chấp nhận. Cây cầu Thuận An 2 “thoát chết” lần thứ nhất. Có điều chưa rõ vì sao Sở Giao thông lại ra một đề nghị vô lý như thế, hay do một “thế lực” nào đó thúc ép?
“Cầu tôi xây hợp pháp, xin giữ lại cho dân đi”
Cây cầu vì dân bị đề nghị “khai tử” lần hai, khi ngày 7/10/2009, Liên hiệp Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Đồng Nai (Dona Coop) có Văn bản số 419/LH-HTX do Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Phước Đạt ký, gửi cấp huyện xã, cho rằng phần diện tích “công đường” (có lẽ viết sai từ “con đường” – NV) ra cầu Thuận An 2 đã được giao Dona Coop quản lý và Dona Coop “sẽ đóng cửa đoạn đường nêu trên”. Sau khi Dona Coop có văn bản này, chính quyền địa phương ra thông báo đập cầu Thuận An 2.
Cuộc cưỡng chế đòi đập cầu Thuận An 2 hồi đầu năm 2010 . |
Cụ Mai kể lại: “Hành động nêu trên là quá ngang ngược, bất chấp luật pháp, bất chấp sinh mạng người dân. Chỉ có cây cầu duy nhất trên đường độc đạo dẫn vào khu dân cư, đường là của dân, cầu tôi xây hợp pháp cũng vì dân, sao đòi “đóng cửa đường”, đập cầu. Họ đòi đập cầu để xây cầu khác, cấm dân đi, để dễ bề thôn tính tất cả đất đai khu mỏ đá Tân Cang”.
Kỷ niệm cơ hàn ùa về. Những mùa lũ đàn con phải kết thân chuối làm bè đưa mẹ vượt lũ gánh hàng đi chợ mưu sinh. Những ngày cả xóm chia nhau chạy dọc dòng sông tìm người hàng xóm bị lũ cuốn trôi mất xác. Những năm tháng dốc gia sản xây chiếc cầu cho mọi người qua lại bình an. Cụ Mai không chấp nhận hành động cụ gọi là “ức hiếp” đó.
Hôm địa phương đưa lực lượng cả trăm người cùng máy xúc, gầu múc đến định đập cây cầu, cụ Mai bình thản bước ra giữa cầu, không gào thét, không la lối. Bà cụ tóc bạc trắng, chân tay run rẩy vì bệnh tật nhưng nắm thật chắc lan can cầu, ôn tồn: “Thưa các ông, cầu tôi xây hợp pháp, xin giữ lại cho dân đi, tôi không đòi hỏi gì. Cầu tôi xây vì dân chứ không phải vì ý chí cá nhân của ông cán bộ, doanh nghiệp nào. Cây cầu vô tội, muốn đập cầu phải cán qua xác tôi. Ai tiến thêm một bước, tôi cắn lưỡi tự sát”.
Thế lực dù có cường quyền đến mức nào cũng không thể thắng chính nghĩa, cũng phải lùi bước trước bà cụ dám xả thân bảo vệ cây cầu vì dân. Cuộc cưỡng chế bất thành. Cây cầu Thuận An 2 vẫn lặng lẽ vắt qua dòng sông Buông. Sau ngày đó, Dona Coop cho xây một cây cầu sắt nằm song song cầu Thuận An 2 cho xe ben rầm rập qua lại, gắn biển “cầu yếu”.
Sau khi PLVN đăng tải loạt bài phản ánh sự việc doanh nghiệp tư nhân bị “bức tử”, chính quyền Đồng Nai và đại diện các bộ, ban ngành T.Ư nói gì? Vì sao cụ Mai, một người từng từ bỏ quốc tịch Pháp, kêu gọi các thân nhân Việt kiều đầu tư về Việt Nam lại bị đối xử với dấu hiệu bất bình đẳng như vậy? PLVN sẽ tiếp tục phản ánh.