Nhiều năm mỏi mòn khiếu nại
Cụ Mai kể lại: “Dòng dõi tôi bên nội người Pháp, mẹ tôi là người Việt. Sau ngày giải phóng, cả gia đình chín anh chị em sang Pháp định cư, chỉ mình tôi và các con ở lại. Rồi từ bỏ quốc tịch Pháp, xin nhập quốc tịch Việt Nam. Thời điểm ấy mang nặng suy nghĩ mình từng mang quốc tịch Pháp, cha mẹ anh chị em đều ở bên Pháp cả, sợ va chạm, nên nghĩ đáp ứng được điều kiện gì của địa phương thì cứ ráng đáp ứng, không dám phản kháng gì”.
Tiền bạc thân nhân nước ngoài đầu tư về nước mua đất đai lập khu du lịch sinh thái, rồi xin khai thác đá… đều bị từ chối cấp phép. Rồi địa phương ra quyết định thu hồi. Không quen thân ai, gia đình cụ cứ nghe người ta mách chỗ nào là gửi đơn nơi đó. Các con chia nhau người đội đơn lên tỉnh, người đội đơn ra Hà Nội kêu cứu Trung ương. Gặp người tốt còn được hướng dẫn tận tình, có khi còn gặp người xấu vòi vĩnh tiền, ôm hồ sơ đi mất tăm.
Lời giãi bày oan khuất cũng đến được cơ quan Trung ương. Các cơ quan Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước… đều có văn bản đề nghị Đồng Nai trả lời sự việc.
Có những văn bản nêu vấn đề rất rõ ràng, như Văn bản số 1490/TTCP-VP của Thanh tra Chính phủ ngày 3/7/2009, nêu rõ vấn đề của cụ Mai “đề nghị xem xét việc Thành Thuận xin phép khai thác đá trên phần đất có quyền sử dụng, nhưng bị chính quyền địa phương đối xử không công bằng so với các doanh nghiệp khác”.
Văn bản của Bộ Tài nguyên và Môi trường số 991/BTNMT-TTr ngày 27/3/2015 nêu rõ: “Theo hồ sơ cụ Mai cung cấp thì Liên hiệp Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Đồng Nai (Dona Coop) chưa thực hiện việc thỏa thuận”. Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng có những ý kiến cụ thể như: “… bị giải tỏa toàn bộ nhà ở, đất ở nhưng UBND Biên Hòa chưa giải quyết bố trí tái định cư là chưa đúng quy định”.
Khiếu nại được Đồng Nai giải quyết ra sao?
Trước những chỉ đạo trên, Đồng Nai đã giải quyết ra sao? Như PLVN đã phản ánh trong bài trước, trả lời Văn bản số 112/BDN ngày 17/6/2009 của Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Văn bản số 1490/TTCP-VP ngày 03/7/2009 của Thanh tra Chính phủ, Đồng Nai có Văn bản số 9496/UBND-CNN cho rằng tỉnh này thực hiện “chủ trương” của Tỉnh ủy và UBND.
Tuy nhiên, mổ xẻ văn bản trả lời trên, chuyên gia pháp lý đã đặt vấn đề “phải chăng Tỉnh ủy và UBND Đồng Nai không có chủ trương trên, nhưng thời kỳ 2009 một số cán bộ đã nói dối rằng có “chủ trương” như vậy nhằm ý đồ riêng, rồi cố tình báo cáo sai với Quốc hội và Thanh tra Chính phủ, hòng “đánh chìm” sự việc oan khuất của Thành Thuận?”.
Xin nêu một ví dụ khác để có thể biết được việc Đồng Nai đã giải quyết khiếu nại của Thành Thuận ra sao. Thực hiện ý kiến của Thanh tra Chính phủ ngày 4/7/2014 đề nghị rà soát trường hợp Thành Thuận, ngày 7/7/2014 Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh này có cuộc làm việc với Thành Thuận. Về phía Sở có ông Võ Hồng Vinh, Phó phòng Khoáng sản; ông Nguyễn Văn Chuyền, cán bộ Thanh tra Sở. Biên bản thể hiện việc Sở này yêu cầu Thành Thuận phải tìm lại một văn bản do ông Ao Văn Thinh (khi đó là Phó Chủ tịch tỉnh Đồng Nai) ký.
Thời hạn nộp là 24 tiếng sau đó. Chiều hôm sau, ngày 8/7/2014, Sở này tiếp tục có cuộc làm việc, ghi nhận ý kiến Thành Thuận trình bày là “do thời gian gấp nên chia kịp tìm thấy văn bản”, rồi chấm dứt cuộc làm việc. Không rõ với kiểu “giải quyết công việc” như trên, ý kiến của Thanh tra Chính phủ được các cán bộ Đồng Nai trả lời như thế nào?
Nhà cửa đất đai của Thành Thuận hiện đã bị cưỡng chế giao Dona Coop khai thác đá |
Trước đó, ngày 10/2/2010, UBND huyện Long Thành (khi đó Phước Tân còn thuộc huyện Long Thành – NV) có Văn bản số 470/UBND-NC, cho rằng “trường hợp này không thuộc thẩm quyền giải quyết của huyện”. Hơn một năm sau, ngày 10/5/2011, Phó Chủ tịch UBND Đồng Nai Ao Văn Thinh có Văn bản số 3055/UBND-CNN trả lời Thành Thuận “đây là lần cuối cùng trả lời các nội dung kiến nghị của bà”, dù không nêu rõ căn cứ pháp lý nào.
Nhận thấy sự việc có dấu hiệu sai phạm, ngày 6/12/2017, Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam đã có văn bản gửi UBND tỉnh Đồng Nai đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, kiểm tra, làm rõ vụ việc và thông tin cho Báo.
Ngày 12/12/2017 Thanh tra tỉnh đã có buổi làm việc với Thành Thuận theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh. Tại buổi làm việc, cụ Mai đã trình bày lại sự việc, đề nghị tỉnh xem xét giải quyết thấu đáo các kiến nghị của Thành Thuận. Tuy nhiên, sau cuộc “làm việc” này, lại là những mỏi mòn chờ đợi. Cụ Mai băn khoăn: “Lẽ nào 18 năm qua tôi đã đặt nhầm niềm tin vào các cán bộ địa phương?”.
Cần “sửa sai” ra sao?
Sự việc của Thành Thuận sẽ phải xử lý sao cho đúng quy định pháp luật? Sau khi nghiên cứu hồ sơ sự việc, Luật sư Phạm Hoài Nam (Đoàn Luật sư TP HCM) nhận xét: “Vụ thu hồi này có nhiều dấu hiệu không phù hợp với quy định pháp luật, chủ trương của Nhà nước, chưa tuân thủ đầy đủ trình tự thủ tục từ khâu ra quyết định thu hồi đất, giao đất cho doanh nghiệp khác, kiểm kê tài sản, cưỡng chế… Vì vậy Đồng Nai cần phải xem xét lại sự việc để đảm bảo dung hòa quyền và lợi ích hợp pháp của các bên”.
Luật sư Nam nói: “Trong trường hợp chính quyền Đồng Nai thu hồi, bồi thường trái luật thì tùy thuộc vào nội dung, tính chất, mức độ vi phạm trong các quyết định hành chính (quyết định thu hồi đất, quyết định bồi thường, hỗ trợ tái định cư…) mà UBND phải sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ một phần hoặc toàn bộ quyết định hành chính trái luật. Trường hợp thực hiện bồi thường chậm do cơ quan, tổ chức có trách nhiệm bồi thường gây ra thì có thể bồi thường theo giá đất tại thời điểm trả tiền bồi thường”.
Luật sư Nguyễn Đình Thuận (Đoàn Luật sư TP HCM) thì cho rằng: “Trước khi bàn đến quyết định thu hồi và bồi thường thì cần khẳng định sự việc có nhiều điểm trái luật. Do cụ Mai là người sử dụng đất, đồng thời cũng là chủ doanh nghiệp có chức năng khai thác khoáng sản, việc UBND tỉnh không giao cho Thành Thuận mà giao cho Dona Coop rõ ràng có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Như vậy không thể nào áp dụng việc thu hồi, bồi thường như thế nào, bao nhiêu cho Thành Thuận được. Thành Thuận cần khởi kiện hành vi trên của UBND tỉnh Đồng Nai.
Cần nhìn nhận các quyết định thu hồi trước đây là trái luật để ra quyết định thu hồi mới và tất nhiên việc áp giá bồi thường sẽ tính tại thời điểm ra quyết định thu hồi mới. Nếu không được chấp nhận, Thành Thuận có thể khởi kiện, yêu cầu toà án tuyên bố huỷ các quyết định thu hồi đất trước đây”.
Trước câu hỏi Thành Thuận còn lại 5 ha đất tại khu vực quy hoạch mỏ đá Tân Cang, muốn xin khai thác đá cho phù hợp với quy hoạch thì có được không, Luật sư Phạm Hoài Nam giải thích: “Với trường hợp này, Thành Thuận muốn tiến hành khai thác tại mỏ đá Tân Cang thì doanh nghiệp cần đáp ứng các điều kiện theo quy định của Luật Khoáng sản 2010, Nghị định 60/2016/NĐ-CP quy định điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường, Nghị định 136/2018/NĐ-CP sửa đổi Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường và liên hệ xin phép về hoạt động khai thác đá tại UBND tỉnh Đồng Nai. Nếu UBND tỉnh Đồng Nai từ chối hồ sơ xin khai thác đá thì Thành Thuận có quyền khiếu nại, khởi kiện theo quy định pháp luật”.
Luật sư Nguyễn Đình Thuận cùng quan điểm: “Đối với 5 ha còn lại, Thành Thuận cần làm thủ tục xin khai thác đá. Nếu UBND tỉnh Đồng Nai không cấp phép, không chấp nhận, Thành Thuận có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện UBND tỉnh Đồng Nai làm trái Luật Doanh nghiệp”.
PLVN sẽ tiếp tục phản ánh sự việc.
“Theo quan điểm của luật sư, mấu chốt trong vụ việc này không phải là giá bồi thường. Câu hỏi đặt ra ở đây là tại sao cũng là khu đất đó, quy hoạch đó, người đang trực tiếp sử dụng đất, có đủ điều kiện để đầu tư theo quy hoạch, đã tiến hành các bước cần thiết theo quy định nhưng lại bị thu hồi để giao cho một doanh nghiệp khác có cùng ngành nghề, mục đích đầu tư.
Qua đó có vẻ như có sự trù dập, o ép và cố tình đẩy một bên vào đường cùng và dành ưu đãi cho bên khác. Nếu trong hoạt động kinh doanh bình thường, có thể tạm nói là việc can thiệp của cơ quan chức năng để tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh.
Tuy nhiên, trong trường hợp cụ thể này thì nó còn có nhiều dấu hiệu của việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn và áp dụng pháp luật tuỳ tiện, thậm chí có thể là sai phạm nghiêm trọng, cần tố cáo đến các cơ quan Trung ương để xử lý nghiêm”.
Luật sư Nguyễn Đình Thuận, Đoàn Luật sư TP HCM