Điểm sáng Việt Nam
Với chủ đề “Thách thức và cơ hội trong trạng thái bình thường mới”, VBF 2020 được cộng đồng DN mong đợi để đưa ra các đề xuất, khuyến nghị, giúp DN tái khởi động kinh doanh trong bối cảnh “bình thường mới”.
Theo Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đồng Chủ tịch VBF 2020, TS Vũ Tiến Lộc, trong bối cảnh đầy khó khăn, thách thức đó, Việt Nam vẫn nổi lên là một trong những điểm sáng trên bản đồ kinh tế thế giới. Chủ tịch VCCI cũng ghi nhận những nỗ lực kiên trì, không mệt mỏi của Nhà nước trong việc khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh và tạo thuận lợi cho sự phát triển của cộng đồng DN. Nhiều cơ hội mới đã được mở ra với cộng đồng DN Việt Nam…
Tại diễn đàn, đại diện các đối tác, Hiệp hội DN nước ngoài đã cảm ơn và chúc mừng Chính phủ Việt Nam đã thành công trong việc ứng phó với đại dịch Covid-19, thúc đẩy nền kinh tế phát triển.
“Kiểm soát tốt Covid-19 và sớm tái khởi động nền kinh tế là nhờ Chính phủ Việt Nam chỉ đạo quyết liệt được người dân đồng thuận với dân trí cao, ý thức tốt. Chính sự quyết liệt của Chính phủ và người dân cùng kết quả chống dịch và duy trì sản xuất kinh doanh đã càng khẳng định được niềm tin trước các DN, các nhà đầu tư nước ngoài. Vì thế Việt Nam vẫn là địa điểm hấp dẫn đầu tư”- ông Hong Sun, đồng Chủ tịch VBF 2020 khẳng định.
Cảm ơn Chính phủ Việt Nam vì sự quan tâm thấu đáo và thành công hiếm có trong việc ứng phó với đại dịch Covid-19, bà Virginia B. Foote, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam bày tỏ: “Chúng tôi vẫn lạc quan rằng năm 2020 sẽ kết thúc tốt đẹp, tạo tiền đề cho một năm 2021 thật vững chắc” .
Tiếp tục gỡ “nút thắt” cản trở doanh nghiệp
Trước thềm năm 2021 với nhiều dự báo cho thấy đây vẫn là năm kinh tế thế giới vẫn gặp nhiều khó khăn và Việt Nam không là ngoại lệ, TS Vũ Tiến Lộc cho biết, cộng đồng DN kỳ vọng Chính phủ có các biện pháp cụ thể và nhanh chóng để giải quyết ngay các nút thắt đang cản trở DN tận dụng các cơ hội hội nhập từ các FTA nói chung và từ EVFTA nói riêng để phục hồi từ Covid-19 và tiếp tục phát triển.
Tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh, việc kiến tạo môi trường thuận lợi để giúp cộng đồng DN sớm phục hồi và vươn lên, lấy lại động lực phát triển trong trạng thái “bình thường mới” là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Việt Nam trong chỉ đạo, điều hành kinh tế vĩ mô năm nay. Phó Thủ tướng cũng khẳng định, những nỗ lực của Chính phủ trong thời gian qua đều hướng tới mục tiêu chung là đẩy mạnh cải cách, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi nhất cho các DN, đặc biệt là trong trạng thái “bình thường mới”.
“Để đồng hành và hỗ trợ tối đa cộng đồng DN khắc phục hậu quả của đại dịch Covid-19, vượt qua thách thức và tận dụng tốt nhất các cơ hội trong trạng thái “bình thường mới”, Chính phủ sẽ tiếp tục thực hiện nhất quán mục tiêu giữ vững ổn định chính trị xã hội, bình ổn kinh tế vĩ mô, tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng…”- Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Cụ thể, Chính phủ sẽ điều hành chủ động, linh hoạt chính sách tiền tệ gắn với chính sách tài khoá và các chính sách khác. Hỗ trợ các DN, bao gồm cả DN vừa và nhỏ, tiếp cận các nguồn vốn và cơ hội đầu tư, kinh doanh; Tiếp tục đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng nội địa bằng các biện pháp phù hợp. Ưu tiên thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, chính phủ số, coi đây là khâu đột phá trong phát triển nhanh, bền vững; Tăng cường khuyến khích đầu tư tư nhân, đầu tư trực tiếp nước ngoài, đầu tư vào hạ tầng cơ sở, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao để chủ động đón làn sóng đầu tư mới gắn với tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu và chuyển giao công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường;
Đồng thời tập trung đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư ở trong và ngoài nước bằng các hình thức mới nhằm tăng cường giới thiệu, quảng bá tiềm năng thị trường và sức hấp dẫn của nền kinh tế Việt Nam, qua đó giúp các DN mở rộng thị trường và mạng lưới đối tác thương mại, thu hút các dự án đầu tư có chất lượng cao…
Theo Phó Thủ tướng, trạng thái “bình thường mới” sẽ tạo ra cả cơ hội và thách thức đan xen, đòi hỏi Chính phủ, cộng đồng DN và toàn xã hội phải có những cách tiếp cận mới, những cách thức và biện pháp mới trong chỉ đạo, điều hành và hoạch định chính sách, cũng như trong xây dựng và tổ chức triển khai các chiến lược, kế hoạch về phát triển kinh tế-xã hội, về đầu tư, kinh doanh.
Tại diễn đàn, các Hiệp hội DN, nhóm công tác của VBF cũng đưa ra các đề xuất liên quan đến điện và năng lượng, nguồn nhân lực và giáo dục đào tạo, đầu tư và thương mại, cơ sở hạ tầng, ngân hàng và thị trường vốn, thuế và hải quan, du lịch…
Điều hành Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng đã ghi nhận những ý kiến xác đáng, tâm huyết của cộng đồng DN. Những ý kiến tại Diễn đàn sẽ được Chính phủ, các Bộ, ngành xem xét, tiếp thu để biến những thách thức thành cơ hội trong trạng thái “bình thường mới”.