Theo báo cáo của Chính phủ, năm 2009 GDP đạt 5,32%, cao hơn số đã báo cáo Quốc hội (5,2%); tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 708,8 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 15% so với năm 2008 và bằng 42,7% GDP
Toàn cảnh Quốc hội phiên khai mạc |
Còn 7 yếu kém, tồn tại...
Theo báo cáo của Chính phủ, năm 2009 GDP đạt 5,32%, cao hơn số đã báo cáo Quốc hội (5,2%); tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 708,8 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 15% so với năm 2008 và bằng 42,7% GDP.
Do sớm ngăn chặn đà suy giảm kinh tế và quản lý chặt các nguồn thu nên tổng thu ngân sách nhà nước năm 2009 vẫn vượt 13,4% so với dự toán và tăng khoảng 51,69 nghìn tỷ đồng so với báo cáo Quốc hội.
Những tháng đầu năm, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cũng cho biết nền kinh tế tiếp tục đà phục hồi, tốc độ tăng trưởng đạt cao hơn so với quý I/2009 và của cả năm 2009 (tốc độ tăng GDP quý I đạt 5,83%).
Tuy nhiên, Chính phủ cũng chỉ ra 7 tồn tại, yếu kém: Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong 4 tháng đầu năm tăng 4,27% so với tháng 12/2009. Trong đó, đáng chú ý là giá lương thực, thực phẩm, vật liệu xây dựng, dịch vụ giao thông tăng khá cao; 4 tháng đầu năm, giá vàng tăng 41,6% so 4 tháng đầu 2009; lãi suất ngân hàng, sau khi Nhà nước dừng các khoản hỗ trợ, đang đứng ở mức cao (tuy gần đây đã có chiều hướng giảm) đã hạn chế khả năng tiếp cận vốn của các DN, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ…
Chính phủ cũng nhìn nhận vai trò chủ đạo của một số tập đoàn, TCty nhà nước có nơi, có lúc làm chưa tốt; sử dụng vốn, tài sản và đất đai còn lãng phí. “Trong điều hành vĩ mô của Chính phủ vẫn còn những hạn chế, tồn tại, nhất là trong xây dựng thể chế, triển khai, kiểm tra thực hiện các chính sách và trong điều hoà, phối hợp giữa các ngành, các cấp” - Phó Thủ tướng thừa nhận.
Tập trung kiểm soát giá các hàng hóa thiết yếu
Ủy ban Kinh tế nhất trí với đánh giá của Chính phủ về những hạn chế, yếu kém về kinh tế - xã hội năm 2009, những tháng đầu năm 2010, nhưng cũng nhận diện nhiều khó khăn.
Đó là chỉ số tiêu dùng những tháng đầu năm tăng cao, đặt ra những thách thức rất lớn cho việc thực hiện chỉ tiêu chỉ số giá tiêu dùng tăng không quá 7% trong năm 2010, trong đó giá nhóm hàng hóa thiết yếu liên quan trực tiếp đến đời sống nhân dân đều tăng cao so với tháng 12 năm 2009.
Trong những tháng cuối năm 2009, đầu năm 2010, phần lớn các DN, đặc biệt các DN nhỏ và vừa rất khó khăn về vốn cho sản xuất, kinh doanh, cùng với đó là lãi suất tăng rất cao, lãi suất vay ngân hàng trong quý I/2010 đã lên tới 17-18%/năm, cá biệt có trường hợp lên tới 19-20%/năm đã gây trở ngại lớn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN và sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến tăng trưởng kinh tế trong những quý tiếp theo.
Mặc dù đã ban hành khá nhiều chính sách giảm nghèo nhưng trong tổ chức thực hiện còn phân tán, thiếu tập trung, thiếu lồng ghép, dẫn đến hiệu quả thấp, tỷ lệ hộ tái nghèo, cận nghèo đều tăng; một số mục tiêu của Chương trình 135 khó có thể đạt được khi Chương trình kết thúc vào năm 2010.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền, thách thức lớn nhất của năm 2010 là cùng lúc phải đạt được 2 mục tiêu: ổn định cân đối vĩ mô, phục hồi tăng trưởng kinh tế đạt mức cao hơn năm 2009.
Theo Ủy ban Kinh tế, cần tập trung vào 8 nhóm giải pháp, trong đó đặc biệt là thực thi chính sách tiền tệ linh hoạt; tập trung tháo gỡ khó khăn cho các DN để thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh và thực hiện tốt công tác quản lý thị trường, kiểm soát giá các hàng hóa thiết yếu; đồng thời kiểm soát chặt chẽ việc ứng chi ngân sách nhà nước; thận trọng khi xem xét, quyết định những dự án đầu tư đòi hỏi nguồn vốn ngân sách lớn trong điều kiện huy động vốn trên thị trường tài chính gặp nhiều khó khăn.
Đến thứ Bảy (22/5), Báo cáo kinh tế - xã hội của Chính phủ sẽ được các Đại biểu thảo luận ở tổ.
Thu Hằng