Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Thanh tra

Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Thanh tra
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Chính phủ đã ban hành Nghị định 43/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thanh tra.

Vị trí việc làm đối với Thanh tra viên do Tổng Thanh tra Chính phủ hướng dẫn

Theo quy định tại Nghị định 43/2023/NĐ-CP, Thanh tra viên là người được bổ nhiệm vào ngạch thanh tra viên để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trong hoạt động thanh tra theo quy định của pháp luật. Mã số ngạch công chức thanh tra bao gồm: Thanh tra viên cao cấp (mã số: 04.023), Thanh tra viên chính (mã số: 04.024), Thanh tra viên (mã số: 04.025). Vị trí việc làm đối với Thanh tra viên sẽ do Tổng Thanh tra Chính phủ hướng dẫn cho các cơ quan thanh tra theo quy định.

Nghị định 43/2023/NĐ-CP cũng quy định về bổ nhiệm và miễn nhiệm Thanh tra viên. Theo đó, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương bổ nhiệm ngạch Thanh tra viên, ngạch Thanh tra viên chính theo thẩm quyền. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch UBND cấp tỉnh ra quyết định bổ nhiệm ngạch Thanh tra viên cao cấp sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ Nội vụ.

Việc miễn nhiệm đối với Thanh tra viên được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 42 Luật Thanh tra. Cấp có thẩm quyền bổ nhiệm ngạch Thanh tra nào thì có thẩm quyền miễn nhiệm đối với ngạch thanh tra đó.

Về xét nâng ngạch thanh tra viên, Nghị định 43/2023/NĐ-CP nêu rõ thanh tra viên đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện quy định thì được xét nâng ngạch trong các trường hợp: có thành tích xuất sắc trong hoạt động công vụ trong thời gian giữ ngạch công chức hiện giữ, được cấp có thẩm quyền công nhận; hoặc được bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý gắn với yêu cầu của vị trí việc làm.

Bên cạnh đó, Nghị định 43/2023/NĐ-CP đã quy định về chế độ, chính sách đối với Thanh tra viên. Theo đó, Tổng Thanh tra Chính phủ, Phó Tổng thanh tra Chính phủ, Thanh tra viên cao cấp được hưởng phụ cấp trách nhiệm theo nghề Thanh tra bằng 15% mức lương cơ bản hiện hưởng cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có). Thanh tra viên chính được hưởng phụ cấp trách nhiệm theo nghề Thanh tra bằng 20% mức lương cơ bản hiện hưởng cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung. Thanh tra viên được hưởng phụ cấp trách nhiệm theo nghề Thanh tra bằng 25% mức lương cơ bản hiện hưởng cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung.

Ngoài ra, Thanh tra viên là công chức được hưởng các quyền lợi như cán bộ, công chức khác theo quy định của Luật Cán bộ, công chức; được hưởng lương, phụ cấp thâm niên nghề và các chế độ, chính sách đặc thù khác theo quy định của pháp luật.

Kết luận giám định là một trong những căn cứ để kết luận về nội dung thanh tra

Đối với giám định trong hoạt động thanh tra, Nghị định 43/2023/NĐ-CP quy định khi xét thấy cần có sự đánh giá về nội dung liên quan đến chuyên môn, kỹ thuật làm căn cứ cho việc kết luận thì người ra quyết định thanh tra yêu cầu cơ quan, tổ chức có chuyên môn cùng cấp giám định về nội dung đó. Cơ quan thực hiện chức năng thanh tra có văn bản yêu cầu cơ quan, tổ chức có chuyên môn thực hiện việc giám định trong đó nêu rõ nội dung cần giám định và thời hạn thực hiện giám định.

Theo Nghị định 43/2023/NĐ-CP cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giám định có quyền thành lập Hội đồng giám định gồm những người có trình độ chuyên môn phù hợp với nội dung được yêu cầu giám định; lựa chọn phương pháp cần thiết, phù hợp để tiến hành giám định; được sử dụng kết quả giám định để đưa ra kết luận giám định; được nhận thù lao giám định.

Ngoài ra, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giám định có quyền từ chối thực hiện giám định trong các trường hợp nội dung yêu cầu giám định không phù hợp với phạm vi chuyên môn hoặc không có đủ năng lực, điều kiện cần thiết cho việc thực hiện giám định; thời gian không đủ để thực hiện giám định; tính độc lập, khách quan của việc thực hiện giám định không được bảo đảm. Trường hợp từ chối giám định thì trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu giám định, phải thông báo cho cơ quan thực hiện chức năng thanh tra yêu cầu giám định bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Về nghĩa vụ, cơ quan, tổ chức giám định có nghĩa vụ thực hiện việc giám định theo đúng nội dung và thời gian theo yêu cầu giám định; chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, khách quan, kịp thời của kết quả giám định; và không được thông báo kết quả giám định cho bên thứ ba.

Thời gian giám định do người ra quyết định thanh tra quyết định. Trường hợp có vấn đề phát sinh hoặc có cơ sở cho rằng vụ việc giám định không thể hoàn thành đúng thời hạn thì cơ quan, tổ chức thực hiện giám định phải kịp thời thông báo bằng văn bản, nêu rõ lý do cho cơ quan thực hiện chức năng thanh tra và thời gian dự kiến hoàn thành, ra kết luận giám định.

Nghị định 43/2023/NĐ-CP nêu rõ, kết luận giám định phải bao gồm các nội dung về cơ quan, tổ chức thực hiện giám định; tên cơ quan yêu cầu giám định; thông tin xác định đối tượng giám định; thời gian nhận văn bản trưng cầu, yêu cầu giám định; nội dung yêu cầu giám định; phương pháp thực hiện; kết luận rõ ràng, cụ thể về nội dung chuyên môn của đối tượng cần giám định; thời gian, địa điểm thực hiện, hoàn thành việc giám định.

Và kết luận giám định là một trong những căn cứ để cơ quan thực hiện chức năng thanh tra kết luận về nội dung thanh tra.

Nghị định 43/2023/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 15/8/2023.

Đọc thêm

Những quy định pháp luật phụ nữ cần biết để bảo vệ mình

Những quy định pháp luật phụ nữ cần biết để bảo vệ mình
(PLVN) - Trong xã hội hiện đại, pháp luật là công cụ quan trọng để bảo vệ quyền lợi cho mọi công dân, đặc biệt là phụ nữ. Dù các quyền cơ bản đã được công nhận, phụ nữ vẫn gặp nhiều khó khăn khi thực hiện quyền này. Hiểu biết về pháp luật giúp phụ nữ tự bảo vệ và đấu tranh vì quyền lợi của mình.

Nhiều điểm mới đáng chú ý trong dự thảo Luật Nhà giáo

Ảnh minh họa
(PLVN) - Tăng lương, tăng phụ cấp, giảm tuổi nghỉ hưu, chính sách bảo vệ, thu hút nhà giáo... là một số điểm mới đáng chú ý trong dự thảo Luật Nhà giáo sẽ trình Quốc hội xem xét cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá 15.

Phí sử dụng đường cao tốc do Nhà nước đầu tư cao nhất là 5.200 đồng/xe.km

Phí sử dụng đường bộ cao tốc từ 900 đồng/xe.km đến 5.200 đồng/xe.km. (Ảnh: Hồng Thương)
(PLVN) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định 130/2024/NĐ-CP quy định về thu phí sử dụng đường bộ cao tốc đối với phương tiện lưu thông trên tuyến đường bộ cao tốc thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và trực tiếp quản lý, khai thác.Theo đó, có 5 nhóm đối tượng chịu phí sử dụng đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư, với mức thu thấp nhất 900 đồng/xe.km và cao nhất là 5.200 đồng/xe.km.