Hôm nay, Quốc hội bước vào ngày cuối cùng của phiên chất vấn và trả lời chất vấn về việc thực hiện 6 Nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết Kỳ họp thứ 4, trong đó có 3 nghị quyết về giám sát chuyên đề và 3 nghị quyết về chất vấn.
Trong 2 ngày chất vấn và trả lời chất vấn trước, nhiều đại biểu Quốc hội đã đặt câu hỏi chất vấn và tranh luận đối với các thành viên Chính phủ, các trưởng ngành về hàng loạt các vấn đề có liên quan đến lĩnh vực phụ trách như y tế, giáo dục, tài nguyên môi trường, vướng mắc trong thi hành án hành chính; xử lý thông tin độc, bẩn trên môi trường mạng; giải pháp xây dựng Chính phủ điện tử; quản lý đất đai sau cổ phần hóa; liên kết vùng trong phát triển du lịch; bảo tồn di sản văn hóa các dân tộc thiểu số; tình trạng chồng chéo trong thanh tra, kiểm toán…
Theo đánh giá chung, các tư lệnh ngành đã nắm chắc vấn đề được đại biểu Quốc hội chất vấn, làm sáng tỏ các vấn đề liên quan và đưa ra các giải pháp cụ thể thực hiện trong thời gian tới...
Theo chương trình phiên họp, vào cuối phiên chất vấn và trả lời chất vấn chiều nay, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề liên quan thuộc trách nhiệm của Chính phủ và trả lời một số chất vấn của đại biểu Quốc hội.
Đến nay, qua 2 ngày chất vấn đã có khá nhiều câu hỏi được đại biểu Quốc hội gửi đến Thủ tướng Chính phủ.
Ví dụ, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn chiều qua, ĐB Võ Thị Như Hoa (TP Đà Nẵng) chất vấn Thủ tướng, Tổng Thanh tra Chính phủ về việc thực hiện Kết luận 2852 của Thanh tra Chính phủ về quản lý đất đai tại Đà Nẵng.
Theo đại biểu, theo kết luận trên, thanh tra yêu cầu Đà Nẵng thực hiện hai nội dung lớn: Thứ nhất là thu hồi để sửa lại về thời hạn sử đụng dất trong các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà chính quyền Đà Nẵng đã cấp phát sai.
Thứ hai là thu hồi số tiền 5 và 10% mà chính quyền đã giảm trong cấp giấy chứng nhận trong một số các dự án đền bù, giải tỏa. Để thực hiện kết luận này, chính quyền Đà Nẵng buộc phải hạn chế quyền của người sử dụng đất bằng cách tạm thời không cho giao dịch chuyển nhượng, xây dựng trên đất.
Điều này đã gây ra những ách tắc lớn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của cá nhân và doanh nghiệp cũng như phản ứng quyết liệt trong các buổi tiếp xúc cử tri của đoàn bởi lẽ hầu hết những trường hợp này là những người đã nhận chuyển nhượng, họ không phải là những người đã được giảm 5,10% đó và đây đang là vấn đề rất nóng của địa phương. Do vậy tháng 6/2018 đoàn đã có văn bản kiến nghị lên Thủ tướng nhưng đến nay vẫn chưa nhận được phản hồi.
“Vậy xin hỏi Thủ tướng và Tổng thanh tra Chính phủ phương án xử lý vấn đề này như thế nào để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho người dân và doanh nghiệp”, ĐB đặt câu hỏi.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã đề nghị Thủ tướng sẽ trả lời câu hỏi này vào phiên chất vấn hôm nay (1/11).
ĐB Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) cũng đã đề cập đến việc nước ta tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do và chuẩn bị tham gia CPTPP với yêu cầu cao hơn và phải thực hiện các cam kết quốc tế về thuế quan, về mở cửa thị trưởng, về sở hữu trí tuệ... và không hưởng các ưu đãi đặc thù giai đoạn chuyển đổi như trước.
ĐB đã đề nghị Thủ tướng cho biết giải pháp để giúp các địa phương, các khu vực kinh tế nước ta vượt qua các thách thức và tiếp nhận cơ hội trong hội nhập sâu rộng hiện nay.