Diễn đàn tiêu diệt “con giáp thứ 13”
Những năm gần đây, các vụ đánh ghen trên mạng xã hội không phải là chuyện hiếm có. Trên công cụ tìm kiếm của google, chỉ cần gõ từ khóa “đánh ghen trên mạng xã hội” đã có khoảng 8.230.000 kết quả chỉ trong vòng 0,26 giây. Có thể nói, sự lớn mạnh của các trang mạng xã hội dường như tỉ lệ thuận với các vụ đánh ghen online.
Vụ đánh ghen hung bạo được “tường thuật trực tiếp”. |
Khi điện thoại thông minh phổ biến, mạng internet phủ sóng khắp nơi thì chuyện vạch mặt “con giáp thứ 13” trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Nương nhờ công nghệ, những thông tin cá nhân, hình ảnh… của kẻ thứ ba bị chia sẻ khắp nơi, từ trang cá nhân đến các trang fanpage, hội nhóm công khai.
Điều đáng nói, hình thức đánh ghen “chết người” mà chẳng cần dùng dao kéo đang trở thành một xu thế được ưa chuộng trên mạng xã hội. Và đa phần trong số đó, người chủ động đánh ghen là những cô vợ bắt gặp chồng ngoại tình.
Dạo quanh một số diễn đàn trên Facebook, các bài viết nhờ tìm danh tính hay vạch mặt người tình của chồng luôn thu hút được hàng nghìn lượt bình luận, chia sẻ. Chuyện những cô bồ bị vợ cả bóc phốt kèm theo các lời cảnh báo như: “Biết điều thì hãy tránh xa chồng tôi ra…” hay “toàn thể chị em hãy cùng đưa con giáp thứ 13 này ra đảo, đây là kẻ chuyên phá hoại gia đình người khác…” nhan nhản trên Facebook.
Bài đánh ghen online của các “Hoạn Thư” thời hiện đại. |
Vì sự phổ biến của Facebook nên tại đây, hàng chục “hội diệt con giáp thứ 13” được lập nên với mục đích phát tán thông tin cá nhân của những người được cho là kẻ thứ ba. Từ Bắc chí Nam, hội này lập theo từng tỉnh thành riêng để những người đồng cảnh ngộ cùng khoanh vùng tìm đối tượng.
Tại các hội nhóm đó, hàng loạt công thức đi bắt gian, đi đánh ghen sao cho hiệu quả được đội ngũ anh hùng bàn phím tập hợp lại. Có người chỉ cách thuê giang hồ, có người lại mách nước tìm thám tử tư theo dõi, khi nắm được đủ thông tin sẽ ra tay sẽ xử lý… Cứ như vậy, trao lưu “diệt con giáp thứ 13” trên mạng xã hội lan rộng nhanh chóng.
Một cách làm khác cũng được các “Hoạn Thư” thời hiện đại ưa chuộng là đăng tải dòng trạng thái rất tâm trạng cùng hình ảnh tình tứ của chồng và tình địch hoặc hình ảnh chụp lại đoạn tin nhắn mùi mẫn, ngọt ngào họ dành cho nhau. Tên, tuổi, nghề nghiệp, thậm chí là địa chỉ nhà, địa chỉ Facebook, số điện thoại của kẻ thứ 3 đều được các bà vợ “đánh ghen” cho hết lên Facebook để cộng đồng mạng “tiện bề”… theo dõi.
Ùa theo Facebook, lợi dụng tâm lý đám đông, mục đích tiêu diệt tình địch nhanh chóng hoàn thành khi có hàng nghìn chị em sẵn sàng cùng ngồi chửi, cùng tìm kiếm. Cứ góp gió thành bão, chẳng bao lâu sau, những bà vợ đang sục sôi cơn ghen sẽ có đủ thông tin về người tình của chồng mình.
Nếu trang Facebook của kẻ thứ ba đặt ở chế độ công khai, chắc chắn sẽ trở thành miếng mồi ngon cho hàng nghìn anh hùng bàn phím vào thóa mạ, buông lời xúc phạm từ bản thân đến cả gia đình, bạn bè.
Các hội đánh ghen thu hút đông đảo chị em tham gia. |
Từ những dòng trạng thái trên mạng xã hội, nhiều vụ đánh ghen đã được hiện thực hóa. Các bà vợ cùng chung dòng máu ghen tập hợp thành một nhóm rồi đi đánh ghen tập thể. Tất nhiên, những vụ như thế cũng được “truyền hình trực tiếp” trên mạng xã hội. Hình thức này tốn nhiều công sức hơn nhưng lại đạt hiệu quả cao.
Ngày 16/2/2019 vừa qua, một clip đánh ghen cũng gây sốt trên mạng xã hội. Video này ghi lại cảnh cả nhà vứt xe máy giữa đường để đánh ghen. Vì quá bức xúc, cả nhà bỏ hết xe máy trên vỉa hè để lao vào xử lý cô bồ và đứa con trai ngoại tình. Nhân tình của người chồng bị vợ và mẹ vợ xông vào tấn công trước mặt bao người… Clip gia đình đánh ghen đã nhận được hàng nghìn lượt bình luận, chia sẻ từ cộng đồng mạng.
Những clip đánh ghen được chia sẻ trên các trang mạng mang tính phản cảm và có bạo lực rất cao. Đằng sau những vụ đánh ghen dậy sóng mạng xã hội là nỗi đau không nhỏ của những người trong cuộc, trong đó có cả kẻ giật chồng, kẻ mất chồng và cả kẻ ngoại tình.
Điều đáng nói, khi clip được quay và đăng tải, cả người theo dõi tại hiện trường và xem trên mạng xã hội đều tỏ thái độ đồng tình, ủng hộ. Cứ như vậy, những clip đánh ghen trên mạng xã hội đã vô tình biến thành “cuốn cẩm nang” để người người học tập. Lâu dần, xu hướng đánh ghen, bạo lực trở thành một thói quen, gây hệ lụy xấu đối với xã hội.
Nước mắt của kẻ chiến thắng
Nhiều năm nay, việc sử dụng mạng xã hội để đánh ghen đã trở thành phương pháp dằn mặt tình địch được nhiều người cho là hiệu quả cao và “sạch sẽ”. Người đi đánh ghen không cần chạm mặt kẻ thứ ba mà kẻ thứ ba vẫn chịu đủ đòn đau về cả thể xác và tinh thần. Thế nhưng, sau những lần gây lùm xùm đó, các bà vợ đi đánh ghen có thật sự thoải mái và tận hưởng cảm giác chiến thắng?
Nhiều ý kiến cho rằng sau khi dằn mặt được kẻ thứ ba, khiến họ phải gánh những lời xúc phạm, bị xã hội lên án, bị mất danh dự cá nhân là thành công lớn của những người vợ. Ở một góc độ nào đó, lẽ phải đã giành chiến thắng. Nhưng rồi sau đó người ta bàng hoàng nhận ra: phía sau chiến thắng là dòng nước mắt của lẽ phải.
Hậu đánh ghen, người vợ vẫn chịu nhiều tổn thương dù có chiến thắng tình địch. |
Sau khi đuổi được kẻ thứ ba, quay về mái nhà hai người chung sống, người vợ không được hưởng cảm giác dễ chịu. Trái lại, họ vẫn luôn ôm cảm giác bị phản bội suốt một thời gian dài. Những kẻ đi phá hoại sẽ chỉ bị đau vài ngày vì thông tin trên mạng xã hội sẽ trôi tuột đi ngay sau đó; còn người vợ vẫn sẽ gặm nhấm nỗi cô đơn, chịu cảnh mất mát về mặt tinh thần.
Mang nỗi đau của mình lên mạng xã hội là sai lầm nhất của những người đi đánh ghen. Bởi dòng trạng thái trên đó dù nhận được những bình luận đồng cảm, sự cảm thông của cư dân mạng nhưng chính điều ấy lại gây tác dụng ngược. Trên mạng xã hội, mỗi tiếng “ting, ting” thông báo vô tình hóa thành những mũi tên và xoáy sâu hơn vào vết thương trong lòng họ, nhắc nhở về nỗi đau đang gặm nhấm nơi trái tim.
Ghen tuông và đánh ghen là việc làm trớ trêu mà hoàn cảnh đẩy đưa đến, buộc các bà vợ phải vùng lên. Sự tức giận, ghen tuông làm tinh thần bị kích động mạnh và không làm chủ được bản thân. Nhiều người khi đi đánh ghen tỏ ra rất hả hê, bất chấp luật pháp nhưng sau đó họ bị cơ quan chức năng xử lý. Khi đó, nỗi đau mà họ phải nhận còn gấp nhiều lần so với người chồng hay tình địch.
Mục đích đánh ghen của người vợ là giữ gìn hạnh phúc gia đình. Tuy vậy, việc làm trên có thể góp phần khiến gia đình tan vỡ. Bởi “già néo đứt dây”, sau những lần lùm xùm đánh ghen, đàn ông có xu hướng buông xuôi và sẵn sàng đi theo người tình vì họ cảm thấy rất khó để tiếp tục sống với người phụ nữ đã thực hiện những hành vi dã man đó. Và đến cuối cùng, đánh ghen trên mạng xã hội vẫn là một loại bạo lực không mang lại lợi ích cho bên nào, từ người đi đánh ghen hay người bị đánh ghen.
Đánh ghen trên mạng xã hội có thể bị phạt tù đến 5 năm
Nhìn ở góc độ luật pháp, việc đăng tải nội dung xúc phạm danh dự, nhân phẩm của cá nhân lên mạng xã hội là hành vi vi phạm pháp luật. Người bị đánh ghen nếu có đủ chứng cứ hoàn toàn có thể kiện ngược lại người đi đánh ghen vì tội làm nhục người khác.
Bên cạnh đó, việc tung clip đánh ghen lên mạng xã hội không được sự đồng ý của những người có mặt trong clip gây ảnh hưởng xấu tới danh dự, nhân phẩm của người khác cũng bị pháp luật nghiêm cấm (được quy định cụ thể tại Điều 32 Bộ luật Dân sự 2015). Người có hành vi này phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo khoản 1 Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015.
Hành vi này còn có thể cấu thành Tội làm nhục người khác theo quy định tại Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017. Cụ thể: “Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm”, nặng nhất người phạm tội phải chịu hình phạt tù lên đến 5 năm hoặc người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 đến 5 năm.