Tổng thống Syria Bashar al-Assad ngày 26/6 tuyên bố Syria đang trong tình trạng chiến tranh và yêu cầu chính phủ mới nỗ lực hết sức để giành chiến thắng trong khi trận chiến tồi tệ nhất trong suốt 16 tháng xung đột đã lan tới vùng ngoại ô Damascus.
Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Ảnh: Reuters |
Tổng thống al-Assad ngày 26/6 (giờ địa phương) đã tuyên bố Syria đang trong tình trạng chiến tranh. “Chúng ta đang sống trong một cuộc chiến thật sự từ mọi góc độ. Do đó, tất cả mọi chính sách, tất cả các bên và tất cả các lĩnh vực đều phải hướng về giành được chiến thắng trong cuộc chiến này. Khi ở trong một cuộc chiến, tất cả các chính sách và các bên, các lực lượng cần hướng tới việc chiến thắng cuộc chiến này” - Tổng thống al-Assad phát biểu trong buổi tuyên thệ nhậm chức của chính phủ mới.
Tuyên bố này cho thấy sự thay đổi trong các phát biểu của ông al-Assad, vốn luôn bác bỏ xảy ra phong trào nổi dậy chống lại ông. Ông al-Assad cũng chỉ trích các nước đang kêu gọi ông từ chức, nói rằng phương Tây “chỉ nhận và không bao giờ cho đi và điều này đã được chứng minh ở mọi thời điểm”.
Những lời phát biểu của ông al-Assad được đưa ra chỉ ít lâu sau khi các nhà hoạt động xã hội cho hay, các cuộc giao tranh dữ dội tại các vùng ngoại ô của thủ đô Damascus đã trở nên tồi tệ nhất từ trước tới nay. Theo Tổ chức Theo dõi nhân quyền Syria (SOHR) có trụ sở tại Anh, các cuộc giao tranh dữ dội đã xảy ra tại Qadsaya và al-Hama, cách trung tâm thủ đô Damascus chỉ 8km.
Truyền hình quốc gia Syria đã xác nhận các vụ giao tranh nhưng nói rằng hàng chục “phần tử khủng bố” đã bị tiêu diệt và nhiều tên khác bị bắt giữ, trong đó có cả các tay súng nước ngoài. Theo SOHR, 10 người đã bị bắn chết tại Qadsaya và khoảng 58 người thiệt mạng trong các vụ bạo lực xảy ra trên khắp Syria trong ngày 26/6.
Rạng sáng qua (27/6), các tay súng cũng đã bố ráp trụ sở đài truyền hình truyền hình Ikhbariya tại thị trấn Drousha, cách thủ đô Damascus khoảng 20km về phía Nam, phá hủy tòa nhà và giết chết 3 nhân viên của đài. Ikhbariya là một đài truyền hình thuộc sở hữu tư nhân nhưng tích cực ủng hộ chính quyền của ông al-Assad.
Theo một nhân viên của Ikhbariya, một số nhân viên khác của đài cũng đã bị thương trong vụ tấn công và những nhân viên bảo vệ đã bị bắt cóc khi những tay súng tấn công tòa nhà lúc gần 4h00 sáng (giờ địa phương).
Thổ Nhĩ Kỳ gia tăng cảnh báo
Giữa lúc này, Thổ Nhĩ Kỳ ngày 26/6 đã gia tăng mức độ cảnh báo đối với Syria. Phát biểu trước quốc hội, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan nói rằng việc quân đội Syria bắn máy bay không có vũ khí của nước này là hành động “thù địch” và “cố tình”. Ông Erdogan đã cảnh báo các lực lượng Syria không đến gần biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ.
“Mọi yếu tố quân sự tiến gần Thổ Nhĩ Kỳ từ biên giới Syria và tạo nên nguy cơ an ninh sẽ bị Thổ Nhĩ Kỳ coi là mục tiêu quân sự” - ông Erdogan tuyên bố. Ông Erdogan cũng nói rằng Thổ Nhĩ Kỳ đã sửa đổi các quy tắc cam kết quân sự với Syria và cảnh báo Damascus không nên thử thách ý chí của ông. “Mọi người đừng lầm tưởng thái độ kiềm chế của Thổ Nhĩ Kỳ là biểu hiện của sự yếu thế” – ông Erdogan tuyên bố.
Trong khi đó, các đại sứ khối quân sự Bắc Đại Tây Dương, vốn đang tìm cách ngăn chặn một cuộc xung đột rộng lớn hơn, đã tiến hành các cuộc họp khẩn tại Brussels theo yêu cầu của Ankara. Sau cuộc họp, Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen nói rằng liên minh xem hành động của Syria khi bắn hạ máy bay chiến đấu của Thổ Nhĩ Kỳ là “không thể chấp nhận được”.
Minh Ngọc (theo BBC, AP, Reuters)