Theo bà Colleen Kollar-Kotelly, bên nguyên đơn có nhiều khả năng thắng kiện do quyết định của chính quyền "dường như không có cơ sở thực tế nào".
Bộ Tư pháp bày tỏ sự thất vọng trước phán quyết của nữ Thẩm phán Colleen Kollar-Kotelly. "Bộ Quốc phòng đang tích cực xem xét các yêu cầu trong quân đội theo lệnh của Tổng thống, trong khi bên nguyên đơn không chứng tỏ được họ sẽ bị ảnh hưởng bởi chính sách hiện hành", người phát ngôn Bộ Tư pháp Lauren Ehrsam tuyên bố sau quyết định của bà Colleen Kollar-Kotelly.
Theo giới truyền thông, Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis phải nộp kế hoạch áp dụng lệnh cấm kể trên trước ngày 21-2-2018. Bởi theo quyết định hôm 26-7, Tổng thống Donald Trump không chấp nhận hoặc cho phép người chuyển giới phục vụ trong quân đội dưới bất kỳ hình thức nào, đồng thời chấm dứt chi ngân sách cho các cuộc phẫu thuật chuyển giới của binh lính tại ngũ. Lầu Năm Góc đã thành lập một ủy ban gồm các sĩ quan cấp cao để tiến hành quá trình này.
Hơn 1 năm trước (1-7-2016), Lầu Năm Góc chính thức dỡ bỏ lệnh cấm đối với binh sĩ chuyển giới. Khi còn làm Bộ trưởng Quốc phòng, ông Ash Carter từng coi việc cho phép công khai tuyển người chuyển giới tính phục vụ trong quân đội là “việc làm đúng đắn”.
Ngày 25-8, ông Donald Trump chỉ thị cho Lầu Năm Góc phải thi hành lệnh cấm đối với người chuyển giới tính không được nhập ngũ, không được tiếp tục phục vụ trong quân đội. Ngay sau khi biết tin, nhiều binh sĩ chuyển giới đã khởi kiện với lý do, lệnh cấm của ông Donald Trump là “vi hiến và xâm phạm quyền bình đẳng”.
Thẩm phán liên bang Colleen Kollar-Kotelly |
Hơn 2 tháng trước (28-8), đơn kiện của họ đã được gửi tới Tòa án liên bang. Theo thống kê của tổ chức RAND Corporation, có từ 2.500 tới 7.000 binh sĩ thường trực là người chuyển giới và từ 1.400 đến 4.000 người trong lực lượng dự bị. Còn theo một nghiên cứu khác, có tới 12.800 binh sĩ chuyển giới đang tại ngũ. Theo giới truyền thông, một trong những nguyên nhân được đưa ra khi ban hành lệnh cấm kể trên xuất phát từ gánh nặng về kinh phí chăm sóc sức khỏe và sự chậm trễ của người chuyển giới gây ra trong quân đội.
"Quân đội phải tập trung vào thắng lợi mang tính quyết định và áp đảo và không thể bị đè nặng bởi những chi phí y tế hết sức to lớn và sự gián đoạn liên quan tới những người chuyển giới tính trong quân đội", ông Donald Trump viết trên Twitter. Được biết, người chuyển giới được phép phục vụ công khai trong quân đội Mỹ, được hưởng chăm sóc y tế và bắt đầu chính thức thay đổi nhận dạng giới tính của họ trong hệ thống nhân sự của Lầu Năm góc kể từ tháng 10-2016.
Trong khi đó, chính quyền bang Rhode Island đã thông qua một luật cấm những nhà cung cấp dịch vụ y tế sử dụng liệu pháp thay đổi giới tính đối với người dưới 18 tuổi. Còn theo kết quả điều tra của Đại học Johns Hopkins, việc hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính có thể giúp giảm tỷ lệ thanh thiếu niên tự sát, nhất là ở các nhóm đồng tính nam, nữ và lưỡng tính.
Theo Live Science, trưởng nhóm nghiên cứu Julia Raifman coi quyết định của Tòa án tối cao cho phép người đồng tính kết hôn (từ năm 2015) đã khiến tỷ lệ học sinh trung học muốn kết liễu cuộc đời giảm 7% và tỷ lệ này ở nhóm đồng tính nam, nữ và lưỡng tính là 14%. Hơn 2 năm trước (tháng 6-2015), Tòa án tối cao cho phép kết hôn đồng giới và Mỹ trở thành một trong 21 nước trên thế giới công nhận hôn nhân giữa các cặp đồng tính.
Theo giới truyền thông, Mỹ là một trong những quốc gia đi đầu trong việc đảm bảo quyền cho người đồng tính, song tính và chuyển giới (còn gọi là cộng đồng LGBT). Bởi hôn nhân đồng giới đã được thừa nhận ở tất cả các bang, tuy vẫn còn tình trạng phân biệt đối xử đối với cộng đồng này. Do đó, cuộc diễu hành và lễ hội đường phố là một trong những hoạt động để ủng hộ cộng đồng LGBT - sự kiện thường niên được tổ chức vào tháng 6./.