Cơ sở để xây dựng Chiến lược phát triển bảo hiểm tiền gửi
Đối với BHTGVN, Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng đã chỉ rõ: (1) Phát triển BHTGVN theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là cơ quan đại diện chủ sở hữu; thực hiện mục tiêu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần duy trì sự ổn định hệ thống các tổ chức tín dụng, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng; (2) Tăng cường năng lực tài chính, nâng cao năng lực hoạt động, hoàn thiện mô hình tổ chức, nâng cao trình độ cán bộ, áp dụng công nghệ hiện đại nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ giám sát, kiểm tra, tham gia kiểm soát đặc biệt, phát hiện, cảnh báo sớm những rủi ro tiềm ẩn đối với tổ chức tham gia BHTG; tham gia tái cơ cấu có hiệu quả đối với các tổ chức tín dụng yếu kém; tính và thu phí BHTG, quản lý nguồn vốn đầu tư, tuyên truyền chính sách BHTG, chi trả bảo hiểm theo hướng phù hợp với thông lệ quốc tế và các quy định của pháp luật Việt Nam.
Chiến lược phát triển bảo hiểm tiền gửi kiên định mục tiêu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền |
Tại Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025” đã đặt ra yêu cầu: BHTGVN tiếp tục rà soát, nghiên cứu, sửa đổi, hoàn thiện luật Bảo hiểm tiền gửi và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan theo hướng bổ sung chức năng, nhiệm vụ của BHTGVN được tham gia cơ cấu lại TCTD yếu kém; nghiên cứu sửa đổi luật BHTG để sử dụng nguồn tiền kết dư phí bảo hiểm để xử lý QTDND yếu kém... BHTGVN được giao nhiệm vụ cho vay đặc biệt đối với TCTD được kiểm soát đặc biệt; mua trái phiếu dài hạn của TCTD hỗ trợ; tham gia đánh giá tính khả thi của phương án phục hồi QTDND, tổ chức tài chính vi mô, công ty tài chính; tham gia xây dựng phương án phá sản TCTD được kiểm soát đặc biệt, tham gia Ban kiểm soát đặc biệt...
Nâng cao niềm tin của người gửi tiền đối với chính sách bảo hiểm tiền gửi
Trên cơ sở những nhiệm vụ đặt ra tại Chiến lược phát triển ngành ngân hàng và Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025”, BHTGVN xác định mục tiêu tổng quát của Chiến lược phát triển cho giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 là “Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần tích cực duy trì sự ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng.
Nâng cao chất lượng, hiệu quả trong hoạt động BHTG bao gồm các công tác liên quan tới Chứng nhận tham gia BHTG, thông tin báo cáo, giám sát, kiểm tra, tham gia kiểm soát đặc biệt, phát hiện, cảnh báo sớm những rủi ro tiềm ẩn đối với tổ chức tham gia BHTG;tham gia tái cơ cấu có hiệu quả đối với các tổ chức tham gia BHTG yếu kém; tính và thu phí BHTG, quản lý nguồn vốn và đầu tư, tuyên truyền chính sách BHTG, chi trả BHTG theo hướng phù hợp với thông lệ quốc tế và các quy định của pháp luật Việt Nam.
Tăng cường năng lực tài chính của tổ chức BHTG để khẳng định cam kết của Nhà nước và nâng cao niềm tin của người gửi tiền đối với chính sách BHTG, đảm bảo nguồn lực triển khai hiệu quả hoạt động BHTG thông qua việc nghiên cứu, đề xuất các giải pháp tăng vốn điều lệ từ nguồn tự tích lũy, bổ sung hình thức vay từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và đa dạng hóa danh mục đầu tư nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi. Ngoài ra, BHTGVN cần hoàn thiện mô hình tổ chức bộ máy hợp lý, hệ thống quản trị điều hành đồng bộ, nâng cao năng lực hoạt động, trình độ người lao động, áp dụng công nghệ hiện đại để tăng cường hơn nữa năng lực hoạt động, đáp ứng tốt hơn vai trò của tổ chức BHTG.
Bên cạnh đó, Chiến lược phát triển BHTG đưa ra các nhiệm vụ và giải pháp lớn để đạt được mục tiêu về phát triển BHTG nhằm triển khai tốt nhiệm vụ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng,bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng vì vậy sẽ nâng cao vị thế của BHTGVN.
Chủ trương chính sách và định hướng của Chiến lược phát triển BHTG sẽ tạo động lực để BHTGVN phát triển bền vững, phù hợp với xu hướng phát triển chung của ngành Ngân hàng, của nền kinh tế trong điều kiện hội nhập quốc tế và thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 cũng như xu hướng chung của các tổ chức BHTG trên thế giới.