Họ nhìn nhận từ đó sự điều chỉnh chiến lược của Mỹ mà tác động trực tiếp có lợi cho những đối thủ của Mỹ ở hai khu vực nhiều hơn là cho Mỹ và đồng minh của Mỹ ở đó. Họ đều phản đối và phê phán quyết sách này của ông Trump vì cho rằng Mỹ triệt thoái quân đội như thế tức là giảm vai trò và mức độ can dự trực tiếp, tức là không còn quan tâm và ưu tiên, tức là buông bỏ cuộc chơi lâu nay và phó mặc chuyện ở khu vực ấy cho kẻ khác. Họ lo sợ rằng không còn sự hiện diện quân sự của Mỹ nữa thì không còn có thể ngăn cản được sự thắng thế của các đối thủ và không thể tác động trực tiếp được nữa vào chiều hướng cũng như mức độ diễn biến tình hình ở hai nước ấy và hai khu vực ấy.
Câu hỏi được đặt ra là ông Trump điều chỉnh chiến lược của Mỹ cho Syra và Afghanistan hay chỉ có bước đi sách lược. Ông Trump vốn thường xuyên có thể nhanh chóng thay đổi quan điểm chính sách. Khi đưa ra quyết sách mới rồi nói trên, ông Trump đã bất chấp quan điểm trái ngược của Bộ Quốc phòng và Quốc hội Mỹ cũng như không lưu tâm tới quan điểm cũng như lợi ích của các đồng minh chiến lược, trong đó đặc biệt là những đồng minh chiến lược liên quan trực tiếp ở Syria và Afghanistan cũng như ở hai khu vực. Ông Trump hiện gặp không ít khó khăn phức tạp về đối nội ở Mỹ.
Rút quân Mỹ ở Syria và Afghanistan về nước là một trong những cam kết tranh cử tổng thống trọng tâm của ông Trump. Ở cả hai nơi kia, Mỹ không còn có thể đóng nổi vai trò xoay chuyển được hoàn toàn tình thế và cục diện, soi vào những mục tiêu chiến lược đề ra thì đều thất bại nhiều hơn thành công. Trong tình cảnh như thế, rút quân Mỹ về có lợi về đối nội cho ông Trump, bất kể đó là điều chỉnh chiến lược hay chỉ là bước đi sách lược. Đối với ông Trump, cái cần trước mắt và có lợi hiện tại được ưu tiên trên cái lợi xa hơn bởi không thoát được tình thế khó hiện tại thì làm gì còn có được tương lai.