Chiến dịch 69 ngày đêm nâng cao hiệu quả sử dụng dịch vụ công trực tuyến tại Cà Mau

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau vừa phát động triển khai Chiến dịch cao điểm 69 ngày đêm “Nâng cao hiệu quả sử dụng dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn tỉnh Cà Mau”. Chiến dịch nhằm hiện thực hóa các mục tiêu về xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số được đề ra tại Kế hoạch cải cách hành chính và chuyển đổi số năm 2023 của tỉnh.

Thời gian thực hiện chiến dịch từ ngày 1/3 đến ngày 9/5/2023, với chỉ tiêu tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến đạt từ 30% trở lên.

Nhiệm vụ cấp bách, ưu tiên hàng đầu trong cải cách hành chính

Thời gian qua, công tác cải cách hành chính được Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau quan tâm, chỉ đạo quyết liệt và đạt được những kết quả nhất định, chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp được cải thiện rõ nét. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn cần khắc phục, nhất là việc cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn tỉnh.

Lãnh đạo tỉnh Cà Mau nhấn nút phát động Chiến dịch cao điểm 69 ngày đêm “Nâng cao hiệu quả sử dụng dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn tỉnh Cà Mau” vừa qua.

Lãnh đạo tỉnh Cà Mau nhấn nút phát động Chiến dịch cao điểm 69 ngày đêm “Nâng cao hiệu quả sử dụng dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn tỉnh Cà Mau” vừa qua.

Để đạt được yêu cầu đề ra của chiến dịch, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau giao chỉ tiêu, tỷ lệ cụ thể đến từng cơ quan nhà nước cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã, hướng tới hoàn thành sớm các chỉ tiêu chủ yếu như: tăng tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính giải quyết trực tuyến; tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính; tỷ lệ thanh toán trực tuyến.

Chủ tịch UBND tỉnh còn phân công rõ nhiệm vụ, rõ trách nhiệm, rõ thời gian triển khai đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp để đạt được các mục tiêu nhanh chóng, hiệu quả, tiết kiệm. Đồng thời, các ngành, các cấp tăng cường tính chủ động, sáng tạo, mạnh dạn áp dụng những sáng kiến, giải pháp mới để cải cách hành chính trở thành khâu đột phá trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động quản lý của tỉnh.

Ông Nguyễn Minh Luân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết: “Tỉnh Cà Mau tập trung nâng cao hiệu quả sử dụng dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn, nhất là đối với các chỉ tiêu, nhiệm vụ mà tỉnh thực hiện chưa đạt yêu cầu hoặc còn thấp so với quy định. Mục tiêu tạo sự chuyển biến đáng kể về việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn tỉnh sau khi kết thúc chiến dịch”.

Quyết tâm nâng cao chỉ tiêu, tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến

Chỉ tiêu theo kế hoạch cải cách hành chính năm 2023 của tỉnh Cà Mau là tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến đạt từ 30% trở lên; tỷ lệ số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính của cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã tương ứng là 70%, 60%, 55%; lệ giao dịch thanh toán trực tuyến phấn đấu đạt từ 30% trở lên.

Tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính giải quyết trực tuyến cấp tỉnh đạt 80%, cấp huyện đạt 70% và cấp xã đạt 60%; tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh đạt 80%, cấp huyện đạt 70% và cấp xã đạt 65%; tỷ lệ thanh toán trực tuyến cấp tỉnh đạt 40%, cấp huyện đạt 35% và cấp xã đạt 30%.

Đoàn kiểm tra cải cách hành chính tỉnh Cà Mau đến kiểm tra công tác cải cách hành chính tại Bộ phận nhận và trả kết quả xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh.

Đoàn kiểm tra cải cách hành chính tỉnh Cà Mau đến kiểm tra công tác cải cách hành chính tại Bộ phận nhận và trả kết quả xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh.

Nhằm đạt được chỉ tiêu và tỷ lệ trên, ông Nguyễn Minh Luân - Phó Chủ tịch tỉnh Cà Mau yêu cầu các Sở, ban, ngành tỉnh, UBND cấp huyện, cấp xã tập trung, chỉ đạo quyết liệt bảo đảm hoàn thành các chỉ tiêu về sử dụng dịch vụ công trực tuyến trên lĩnh vực, ngành, địa phương mình phụ trách được đề ra tại chiến dịch này.

Thủ trưởng các Sở, ban, ngành tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn và các cơ quan, đơn vị liên quan phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, xác định việc thực hiện các giải pháp để nâng cao hiệu quả sử dụng dịch vụ công trực tuyến là một nhiệm vụ cấp bách và ưu tiên hàng đầu, có yếu tố quyết định trong công tác cải cách hành chính của tỉnh.

Triển khai thực hiện chiến dịch đến từng cơ quan, đơn vị

Tại Lễ phát động chiến dịch cao điểm 69 ngày đêm, ông Lâm Văn Bi - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau chỉ đạo: “Cà Mau phát động phong trào thi đua trong việc triển khai thực hiện chiến dịch đến từng cơ quan, đơn vị và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động có liên quan. Qua đó, sẽ khen thưởng, biểu dương kịp thời những tổ chức, cá nhân hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp chậm trễ, không hoàn thành nhiệm vụ, chỉ tiêu được giao”.

Người dân đến làm thủ tục hành chính tại tuyến xã được cán bộ hướng dẫn cụ thể quy trình, thủ tục thực hiện sử dụng dịch vụ công trực tuyến và trực tiếp.

Người dân đến làm thủ tục hành chính tại tuyến xã được cán bộ hướng dẫn cụ thể quy trình, thủ tục thực hiện sử dụng dịch vụ công trực tuyến và trực tiếp.

Tỉnh Cà Mau cũng quán triệt đến từng công chức, viên chức làm việc trực tiếp tại bộ phận một cửa đối với những thủ tục hành chính đã được cung cấp trực tuyến. Trong trường hợp người dân, doanh nghiệp đến nộp hồ sơ trực tiếp thì công chức hướng dẫn người dân, doanh nghiệp thực hiện và hoàn thành việc nộp hồ sơ trực tuyến. Đồng thời, tập trung thực hiện việc số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính theo đúng quy định.

Triển khai toàn diện thanh toán trực tuyến đối với tất cả thủ tục hành chính có yêu cầu thực hiện nghĩa vụ tài chính trên phạm vi toàn tỉnh, đặc biệt đối với các thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực có phát sinh hồ sơ nhiều như lĩnh vực đất đai, đăng ký kinh doanh, giao thông vận tải, Tư pháp. Phát huy tối đa vai trò của Tổ Công nghệ số cộng đồng, Tổ Công tác triển khai Đề án 06, Tổ Hướng dẫn và hỗ trợ dịch vụ hành chính công.

Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp các đơn vị có liên quan chuẩn bị các phương án đảm bảo triển khai chữ ký số cá nhân rộng rãi để người dân biết và sử dụng, đảm bảo thuận tiện, tiết kiệm chi phí cho người dân, doanh nghiệp. Văn phòng UBND tỉnh chịu trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện chiến dịch, tổng hợp, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh về kết quả thực hiện của từng sở, ban, ngành, địa phương trước 16 giờ ngày thứ sáu hàng tuần.

Năm 2022, Cà Mau có tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính giải quyết trực tuyến 42.839 trên 82.015 hồ sơ nộp trực tuyến, đạt 52%. Trong đó, cấp tỉnh có 24.965 trên 39.219, đạt 64%; cấp huyện có 7.113 trên 23.487, đạt 30%; cấp xã có 10.761 trên 19.309, đạt 56%. Tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính giải quyết trực tuyến đã đạt vượt so với chỉ tiêu của UBND tỉnh giao 20% trở lên. Tuy nhiên, trong đó vẫn còn có một số đơn vị đạt 0%.

Riêng tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh đạt 51%, cấp huyện đạt 40% và cấp xã đạt 26%. Tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh, cấp huyện cơ bản đã đạt so với chỉ tiêu của UBND tỉnh giao (cấp tỉnh 50%,cấp huyện 40%). Tuy nhiên, tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính cấp xã vẫn chưa đạt chỉ tiêu giao 35% trong năm 2022,trong đó có một số đơn vị chỉ đạt hơn 20%.

Đối với tỷ lệ thanh toán trực tuyến trong năm 2022, tỷ lệ thanh toán trực tuyến cấp tỉnh đạt 1%, cấp huyện đạt 0,97% và cấp xã đạt 0%. Tỷ lệ thanh toán trực tuyến tại bộ phận một cửa các cấp còn rất thấp so với chỉ tiêu 10% của UBND tỉnh giao cho các đơn vị, địa phương trong năm 2022. Chỉ tính riêng trong năm 2023 chỉ tiêu này là 30%.

Tin cùng chuyên mục

Đọc thêm

Chuyển đổi số tại BQL Dự án Đầu tư xây dựng công trình NN&PTNT tỉnh Hưng Yên

Chuyển đổi số tại BQL Dự án Đầu tư xây dựng công trình NN&PTNT tỉnh Hưng Yên
(PLVN) - Chuyển đổi số đang trở thành xu thế không thể đảo ngược, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn. Nhận thức rõ điều này, Ban Quản lý (BQL) Dự án Đầu tư xây dựng công trình Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Hưng Yên đã và đang triển khai mạnh mẽ các kế hoạch và hoạt động nhằm hiện thực hóa mục tiêu xây dựng chính quyền điện tử, hướng tới phát triển kinh tế số và xã hội số.