Lê la vỉa hè, gầm giường bệnh viện
Nếu ai đó hỏi tôi, ấn tượng của bản thân về chị Nguyễn Thị Thương Huyền (SN 1968, ở phường Thành Nhất, TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) là gì? tôi sẽ chẳng ngần ngại mà nói rằng, đó là một người phụ nữ tuyệt vời!
Chị Huyền gây thiện cảm với người đối diện bằng nụ cười luôn thường trực trên môi, giọng nói trầm ấm, chậm rãi của một người từng trải. Đặc biệt, so với độ tuổi đã qua ngũ tuần thì sự trẻ trung từ lời nói, phong thái cho đến lối sống của chị không khỏi khiến nhiều người ngạc nhiên.
Càng khó tin hơn khi chị Huyền đã có 7 năm chống trọi với bệnh ung thư cổ tử cung. Tháng 2/2012, chị bắt đầu có biểu hiện đau bụng kèm theo rong kinh. Ban đầu chị nghĩ, đó chỉ là những biểu hiện của thời kỳ tiền mãn kinh nhưng sau đó những cơn đau ngày càng kéo dài và dữ dội. Chị đi khám tại bệnh viện Từ Dũ (TP. HCM) thì được phát hiện mắc ung thư cổ tử cung giai đoạn 1b.
Ngay khi đón nhận tin này, không giống nhiều bệnh nhân khác, chị nói rằng bản thân không cảm thấy quá sợ hãi. “Tôi không cảm thấy hoang mang hay tuyệt vọng bởi khi đó chồng tôi cũng là người đang mắc căn bệnh ung thư vòm họng mà anh ấy vẫn sống 14 năm nay.
Có thể bởi gia đình đã từng có người ung thư nên tôi đón nhận nó một cách bình thản hơn nhiều người khác. Cảm giác của tôi khi đó chỉ là một chút buồn và lo lắng về quá trình điều trị sắp tới”, chị Huyền chia sẻ.
Tháng 6/2012, chị bắt đầu quá trình điều trị, nhưng khi đó gặp phải một vấn đề nghiêm trọng khác là chị Huyền mắc bệnh tim. Theo phác đồ điều trị, chị Huyền sẽ phải xạ trị trong và mổ. Đó là phương án tối ưu nhất. Việc chị Huyền bị bệnh tim là một cản trở lớn bởi khi tiến hành gây mê có thể có nhiều rủi ro. Nhưng may mắn, khi đi kiểm tra, các yếu tố cần thiết đều ổn.
2 tháng xạ trị là quãng thời gian mà như chị nói “đáng sợ nhất trong cuộc đời”. Không gian bệnh viện vô cùng ngột ngạt. Một phòng bệnh có từ 20 - 30 bệnh nhân, cộng thêm 20 -30 người nhà. Người điều trị hóa chất và người xạ trị đều nằm chung một phòng.
Mùi truyền hóa chất vô cùng khó chịu, chồng chị vốn bị ung thư nên khi ngửi thấy không chịu được. “Ông xã tôi vào được hôm trước thì hôm sau thì sốt, ngất xỉu. Mấy cô điều dưỡng gọi xuống bảo người nhà của Huyền bên dưới phải không? Tôi xuống đến nơi thì thấy ông ấy đang ngất xỉu thở ô xy”, chị Huyền nhớ lại.
Trước hoàn cảnh như vậy, chị đã đưa ra một quyết định “liều lĩnh nhất cuộc đời” là để chồng về quê, một mình ở lại bệnh viện. “Lúc đấy tôi rất cứng rắn, nói ông xã đi về. Nhưng ông xã nhất định không nghe. Đến mức tôi phải bảo “nếu anh không về thì em không chữa trị nữa” anh ấy mới nghe”, chị Huyền nhớ lại.
Chị Nguyễn Thị Thương Huyền trong một lần đến thăm các em nhỏ không may mắc căn bệnh K |
Còn 1 mình, bệnh viện luôn quá tải nên phải nằm ngoài hè chờ điều trị. Một buồng bệnh chỉ có khoảng 10 giường nhưng có đến 20 – 30 bệnh nhân nên phải trải chiếu xuống gầm giường nằm. “Sau một tuần lân la tôi cũng kiếm được chỗ là… vào gầm giường nằm. Hồi đó, người ta tranh nhau nằm dưới gầm giường đấy”, chị Huyền hóm hỉnh nói.
Mỗi lần tiến hành xạ trị là một cực hình, các túi nhỏ có chứa chất phóng xạ được đặt gần hoặc trực tiếp trên các khối u, truyền kim vào cổ tử cung. Nhớ về quãng thời gian đó chị Huyền không khỏi rùng mình, “Nhiều khi vào phòng chích thuốc mê nếu chẳng may bác sĩ tiêm thuốc quá liều có khi mình không tỉnh lại.
Đối với bệnh nhân khác thì họ có người nhà chăm sóc nhưng chị lại chỉ có một mình. Quãng đường từ quê lên bệnh viện tới 400km, nếu chẳng may ra đi, chồng con có xuống nhận xác thì cũng mất cả ngày trời mới tới nơi. Bây giờ nhiều khi tôi nghĩ lại khi đó mình sao liều và dại quá”.
Quyết tâm, cứng rắn là vậy nhưng nhiều khi nhìn sang bên cạnh thấy các bệnh nhân khác có người thân chăm sóc chị không khỏi chạnh lòng. Nhưng chỉ cần nghĩ nếu chăm mình chồng có thể đổ bệnh, hai con sẽ trở thành trẻ mồ côi. Hoặc con gái phải nghỉ việc, gánh nặng gia đình thêm khó khăn, chị lại sốc lại tinh thần chiến đấu.Vì vậy mọi việc ăn uống, tắm giặt, đi lại.... đều một mình chị tự làm.
Những ngày tháng điều trị đó đêm nào chị cũng ra sân bệnh viện cầu khấn, xin bề trên. “Hồi ấy tôi xin hay lắm, cầu xin cho bản thân đổi sự xấu xí lấy 5 năm được sống. Sau đó, tôi sẽ về ăn chay, niệm phật rồi đi làm từ thiện”, chị Huyền nhớ lại.
Chẳng biết điều cầu khẩn của chị có linh ứng hay không? Nhưng ca mổ thành công và sau vài lần tái khám hiện tại căn bệnh của chị đã ổn định, không bị di căn.
Cuộc chiến lần 2
Khi đã bước qua một “cuộc chiến” mà nó vắt cạn sức lực, ý chí thì mấy ai có dũng cảm chiến đấu lần hai nhưng chị Huyền là một người như vậy. Căn bệnh ung thư ổn định, không bị di căn nhưng chị lại phải gánh chịu di chứng của việc điều trị, bị phù mạch bạch huyết chân trái. Đây là căn bệnh mà trên thế giới tỷ lệ mắc phải chỉ 1/10.000 người.
Chân trái của chị Huyền bị sưng phù, da căng, nặng và rức. Nó khiến chị không thể đứng lâu, việc đi lại gặp nhiều khó khăn. Nếu ngồi, chị phải gác chân lên một vật gì đó, nếu thả cái chân xuống thì chân đau như kiến cắn và bị tím lại. Da chân chị bị dày, to lên giống như chân voi, gấp đôi chân bên phải.
Khi phát hiện bệnh, chị và chồng đi khắp các bệnh viện tại nhưng đều chỉ nhận được những cái lắc đầu của các bác sĩ. Trong một lần xuống bệnh viện Chợ Rẫy (TP. HCM), vợ chồng chị còn bị cướp hết toàn bộ giấy tờ, hồ sơ bệnh án 5 năm trời, giấy chuyển tuyến, số tiền 10 triệu đồng để chữa bệnh... tất cả đều mất hết chỉ trong chớp mắt.
Nhưng không cho phép bản thân mình gục ngã, sau khi trình báo công an, chị và chồng tiếp tục trở về Đắk Lắk xin lại các giấy tờ liên quan để vào bệnh viện Chợ Rẫy. Tại đây, các bác sĩ cho biết căn bệnh của chị hiện tại cả thế giới vẫn chưa tìm ra phương pháp chữa trị. Họ cũng không biết giới thiệu chị đi đâu để chữa trị căn bệnh này.
Không nản chí, hết tây y chị lại quay về với đông y, hai vợ chồng chị lại khăn gói tìm đến Viện Y Dược học dân tộc (Phường 10, Phú Nhuận, TP. HCM). Tại đây, chị nằm điều trị 2- 3 tháng nhưng bệnh không hề thuyên giảm. Sau đó, nhiều bạn bè bị ung thư vú cũng bị tay to giới thiệu đi mổ ở bệnh viện Bỏng quốc gia ở Hà Nội (phường Phúc La, quận Hà Đông, TP. Hà Nội).
Đôi chân bị lệch của chị Huyền khi chị mắc phải căn bệnh Phù mạch bạch huyết |
Tháng 6/2018, sau khi tìm hiểu chị quyết định ra mổ và ca mổ thành công. Hiện tại chân trái của chị cũng đã cải thiện được gần 50%. Việc mổ chỉ làm giảm nhẹ sự sưng phù của chân và hiện tại chị Huyền vẫn phải sống chung với căn bệnh này. Ngược lại với nhiều người khi mắc phải căn bệnh phù bạch mạch huyết, chị Huyền không hề tự ti về ngoại hình của mình.
Chị Huyền vui vẻ chia sẻ, “Mặc dù căn bệnh này khiến bản thân xấu xí đi một chút về ngoại hình nhưng tôi chẳng ngại ngần. Ngược lại tôi lại thường xuyên mặc những bộ váy mà mình yêu thích hơn. Việc để lộ đôi chân bất thường đôi khi khiến nhiều người tò mò và chỉ trỏ nhưng khi biết rồi họ đều cảm phục và nhiều người cũng mắc những căn bệnh hiểm nghèo khác lấy đó làm động lực”.
Những bức tranh của giấc mơ
Sau khi trải qua những ngày dài chiến đấu, Huyền kết lại trong hai từ “Cảm ơn”. Bởi theo chị Huyền, bây giờ con người chị đã khác rất nhiều so với trước đây, “Tôi cảm ơn cuộc đời, cảm ơn căn bệnh ung thư.
Việc hai vợ chồng đều mắc căn bệnh này niwus khiến chị có nghị lực sống như ngày hôm nay. Cũng nhờ nó mà hiện tại cuộc sống của chị bớt sân si hơn, sống mở lòng và bao dung hơn. Mình không còn là một người nóng tính, ích kỷ nữa. Khi mà đi qua giữa ranh giới mỏng manh giữa sự sống và cái chết bản thân con người mình sẽ thay đổi hoàn toàn”.
Bắt đầu từ sau khi căn bệnh phù mạch bạch huyết thuyên giảm, chị đã tích cực tham gia các câu lạc bộ thiện nguyện, nấu cháo và tặng quà cho những bệnh nhân nghèo, những người vô gia cư.....
Đặc biệt hơn, chị Huyền còn có tài thêu tranh và đây là một trong những nguồn thu nhập chính chị Dùng để làm thiện nguyện. Những bức tranh của chị Huyền đa phần đều mang màu sắc tươi sáng, cùng thông điệu vui tươi, yêu thương và trân trọng cuộc sống.
“Bình thường những bức tranh này bên ngoài chỉ có giá khoảng 2 – 3 triệu nhưng với bức tranh từ một bệnh nhân ung thư như chị làm ra thì nó lại mang một ý nghĩa khác. Những người mua nó là họ mua cái nghị lực, mua cái câu chuyện truyền cảm hứng của mình vì có thể đã chạm đến trái tim của họ”, chị Huyền bộc bạch.
Vào thời điểm ra ngoài Hà Nội mổ vào tháng 7/ 2018, chị Huyền có mang theo một bức ảnh có tên Ngôi nhà mùa xuân của chị bán được với giá 20 triệu đồng. Sau đó, chị đã dùng số tiền này để mua quà và tặng cho các em nhỏ tại bệnh viện K Tân Triều. Chị cũng nhiều lần tặng tranh của mình cho các tổ chức thiện nguyện để họ đấu giá và dùng số tiền đó để giúp đỡ các bệnh nhân, hoàn cảnh khó khăn khác.
“Việc tôi thêu những bức tranh, tham gia các buổi thiện nguyện.... đã giúp tôi thực hiện được lời hứa khi xưa. Và quan trọng hơn nữa, nó giúp bản thân mình trở nên vui vẻ, sống tích cực. Đặc biệt, nó giúp ta gieo yêu thương thêm một lần nữa”, chị Huyền chia sẻ.
“Trong phút chốc tôi cảm thấy mọi thứ trước mắt mình đều suy sụp, hai vợ chồng lạc lõng giữa Sài Gòn. Khi đó vừa đi tôi vừa lẩm bẩm: Này ông trời, ông thử thách tôi hơi nhiều rồi đấy!”, chị Huyền nhớ lại.