Chùa có diện tích không quá lớn, chỉ khoảng 12.000 m2, người sáng tạo nên ngôi chùa là kiến trúc sư kiêm nghệ nhân nổi tiếng Chalermchai Kositpipat
Được xây dựng từ năm 1997, tất cả kiến trúc của chùa đều được làm thủ công bởi kiến trúc sư Chalermchai.
Kiến trúc sư Chalermchai muốn tạo nên 9 công trình kiến trúc riêng biệt bằng chất liệu thủy tinh và thạch cao. Đó là khu chính điện, sảnh đường, tòa nhà vàng, nhà nguyện, bảo tàng, phòng trưng bày nghệ thuật, khu ăn nghỉ... Do muốn chứng kiến ngôi chùa hoàn thành trước khi mất, kiến trúc sư Chalermchai đã đồng ý để các học trò của ông tham gia giúp đỡ.
Điểm nổi bật nhất khi bước vào chùa là cây "cầu luân hồi - tái sinh", nơi có vô số bàn tay đang ngoi lên như muốn kéo bất kỳ ai đi qua xuống dưới. Bước qua cây cầu sẽ tới "cổng thiên đường", sau đó là gian chính điện, nơi duy nhất phải để giày dép bên ngoài và không được chụp ảnh.
Những bàn tay bên dưới “cầu luân hồi - tái sinh” tượng trưng cho ham muốn nhục dục của con người như hố sâu vô tận. Tuy nhiên, khi có thể dừng lại đúng lúc, cánh cửa thiên đường vẫn rộng mở.
Trước cổng thiên đường là 2 vị hộ pháp hùng dũng uy nghi, được điêu khắc vô cùng tinh xảo, tượng trưng cho "hòa bình" và "chết chóc". Việc đặt cổng thiên đường ở vị trí này cũng ám chỉ con người sau khi thoát khỏi bể khổ sẽ tới miền cực lạc.
Bao quanh chùa là một công viên với hồ nước và rất nhiều tác phẩm điêu khắc thủ công kỳ lạ, có thể là một ác quỷ, đầu lâu, hay các quái vật trong văn hóa dân gian Thái Lan.
"Tòa nhà vàng" là công trình có màu vàng kim nằm phía bên phải cổng vào, nổi bật giữa những tòa kiến trúc màu trắng. Tòa nhà được thiết kế tinh xảo, bên trong là một nhà vệ sinh rất hiện đại.
Bất cứ góc nào của Chùa Trắng đều có thể trở thành điểm check-in lý tưởng cho du khách.