Dài 62,1m, cao 12,19 m, chiều rộng sải cánh 25,25m, Concorde là máy bay siêu thanh dân dụng đầu tiên trên thế giới, thành quả của chương trình hợp tác giữa Pháp và Anh. Về phía Pháp, công ty phát triển Concorde là Sud-Aviation, sau này đổi tên thành Aérospatiale, EADS, cuối cùng thành tập đoàn Airbus vào năm 2014.
Concorde có nghĩa là sự hòa hợp, nhằm đề cao tinh thần hòa hợp của hai nước láng giềng. Concorde sở hữu nhiều nét hoàn toàn mới lạ so các máy bay dân dụng truyền thống, như cánh máy bay hình tam giác, chiếc mũi nhọn có thể hạ thấp xuống khi máy bay hạ cánh.
Bà Catherine Maurouny, giám đốc Bảo tàng Hàng không và Không gian Le Bourget, người từng có may mắn trải nghiệm một chuyến bay với “chim trắng” Concorde, nhận xét: “Tôi tin đó là có một điều hoàn toàn mới mẻ và khác thường đã diễn ra trong thế giới hàng không. Hầu như là ở mức ngang bằng với việc con người đặt chân lên mặt trăng… Thật là khác thường, và gần như là phi lý. Cuộc phiêu lưu đó của con người đã mang lại rất nhiều điều”.
Bay nhanh hơn tốc độ âm thanh
Điều đáng lưu ý là trong chuyến bay đầu tiên ngày 2/3/1969, Concorde chưa đạt tốc độ âm thanh (1.224 km/h). Tốc độ này chỉ đạt được trong chuyến bay thử nghiệm thứ 45 vào ngày 1/10/1969. Một năm sau đó, vào ngày 04/11/1970, sau 102 chuyến bay thử nghiệm, Concorde mới đạt tốc độ Mach 2,02, tức là nhanh gấp đôi tốc độ âm thanh, trong vòng một giờ.
Chỉ khi máy bay lướt qua rồi, người ta mới nghe thấy âm thanh. Vận tốc cao nhất của Concorde là gần 2.500 km/h, ở độ cao từ 16 – 18 ngàn m. Concorde như vậy cũng bay cao hơn gấp đôi so với các loại máy bay thông thường.
Ông Daniel Costes, một cựu phi công lái máy bay Concorde hồi tưởng: “Vào lúc máy bay cất cánh, vận tốc cao khác thường so với một chiếc máy bay thông thường. Nếu mọi chuyện diễn ra bình thường, việc điều khiển máy bay khá dễ dàng”.
Còn hành khách cảm nhận thế nào về tốc độ Mach 2,02? Giám đốc Bảo tàng Hàng không và Không gian Le Bourget giải thích: “Concorde bay nhanh gấp hai lần vận tốc âm thanh nhưng ở bên trong máy bay, không gian nhỏ, chứ không lớn lắm. Đúng là hành khách thấy có ghi là Mach, nhưng không cảm nhận thấy có sự khác biệt gì. Hành khách bay trên cao hơn mọi máy bay khác, nhanh hơn mọi máy bay khác, biết là như vậy nhưng trên thực tế, họ không hề cảm thấy có sự khác biệt. Đó chính là điều tuyệt vời”.
Với máy bay Concorde, hành khách chỉ mất 3 tiếng 30 phút cho hành trình Paris - New York, thay vì hơn 7 tiếng như với máy bay truyền thống. Vì lệch giờ, thời gian bay lại ngắn nên khi máy bay hạ cánh ở New York, đồng hồ vẫn chỉ giờ sớm hơn so với giờ máy bay cất cánh ở Paris. Vì thế, người ta còn gọi đó là chuyến bay “thách thức mặt trời”. Kỷ lục là vào dịp Giáng sinh năm 1989, hành trình Paris - New York trên “chim trắng” Concorde chỉ mất 2 tiếng 59 phút và 40 giây.
Ông Jean - François Louis, từng là hành khách trên máy bay Concorde, nhớ lại: “Khi nghiêng người và nhìn qua cửa sổ máy bay, chúng tôi nhìn thấy hình tròn của Trái đất. Đây không phải là phi thuyền con thoi, nhưng cũng không khác nhiều lắm. Concorde là máy bay duy nhất cho hành khách một trải nghiệm khác thường như vậy”.
Nhiều người gọi chuyến bay trên Concorde tuyệt đẹp là “chuyến bay trong mơ”. Đương nhiên, giá vé để “được bay như trong mơ” không hề rẻ. Trung bình, để mua vé khứ hồi Paris - New York, hành khách phải chi khoản tiền tương đương 8.100 euro. Với giá đó, khách hàng đương nhiên được hưởng những dịch vụ cao cấp, uống rượu sâm banh hảo hạng. Món ăn xa xỉ trứng cá muối caviar thì lúc nào cũng có, luôn luôn là như vậy trên máy bay Concorde.
Vậy hành khách đi máy bay siêu thanh Concorde, họ là ai? Giám đốc Bảo tàng Hàng không và Không gian Le Bourget nhớ lại: “Vào thời đó, trên máy bay Concorde, hành khách thực ra chỉ là những người thuộc giới giàu có, bởi vì vé máy bay quá đắt. (…) Concorde có chất lượng phi thường, nhưng cũng có một số điểm hạn chế, chẳng hạn giá vé quá cao”.
Bà Caroline Cadier, từng là tiếp viên rồi tiếp viên trưởng trên các chuyến bay bằng máy bay Concorde. Đối với bà, đó là một vinh dự, một đặc quyền: “Đó là đặc quyền được tiếp đón những nhân vật nổi tiếng trên thế giới. Họ là các hoàng tử, ngôi sao, chẳng hạn Paul Newman. Nếu quý vị được bắt gặp ánh nhìn từ đôi mắt xanh của Paul Newman, quý vị sẽ không thể quên được. Ông ấy có đôi mắt màu xanh như màu trời, những hôm trời rất đẹp”.
Giấc mơ lụi tàn
31 năm sau chuyến bay đầu tiên, vào ngày 25/07/2000, Concorde gặp tai nạn kinh hoàng ở Gonesse, ngoại ô Paris. Máy bay bốc cháy chỉ chưa đầy 2 phút sau khi cất cánh từ sân bay Roissy để bay sang New York. Theo các cuộc điều tra kỹ thuật và tư pháp, tai nạn xảy ra vì một mảnh titan nhỏ rơi xuống đường băng từ phi cơ DC10 của hãng hàng không Continental cất cánh trước Concorde.
Chuyến bay định mệnh khiến 113 người thiệt mạng đã báo hiệu giấc mơ Concorde sắp lụi tàn.Vào năm 2003, hãng Air France ngừng khai thác Concorde vào ngày 31/03, hãng British Airway cũng ngưng các chuyến bay Concorde vào tháng 11. Concorde ngừng tung cánh trên bầu trời sau 5.500 chuyến bay.
Công bằng mà nói, vụ tai nạn thảm khốc nói trên chỉ là “giọt nước làm tràn ly” khiến giấc mơ Concorde lụi tàn. Trên thực tế, trong suốt 27 năm được khai thác thương mại, không như nhiều người nghĩ, máy bay siêu thanh Concorde không hề mang lại lợi nhuận cho nước Pháp. Paris chấp nhận bù lỗ để duy trì các chuyến bay Concorde chỉ vì uy tín và niềm tự hào công nghệ.
Concorde thất bại vì nhiều lý do: Máy bay ngốn rất, rất nhiều nhiên liệu. Có thể nói, Concorde là loại máy bay tiêu thụ nhiều nhiên liệu nhất. Vì tốn nhiều nhiên liệu nên mỗi chuyến bay của Concorde chỉ kéo dài tối đa 4 tiếng đồng hồ, đạt khoảng 6.000 km. Điểm hạn chế khác là công tác bảo dưỡng máy bay cũng rất phức tạp, đòi hỏi nhiều nhân lực và chi phí. Mỗi lần bảo dưỡng Concorde cần tới 120 kỹ thuật viên, trong khi một chiếc Boing 777 chỉ cần khoảng mười nhân viên bảo dưỡng.
Ngoài ra, Concorde còn bị chỉ trích là gây quá nhiều tiếng ồn. Máy bay cất cánh tạo ra tiếng ồn lên tới mức 119,5 décibel, so với mức 88 décibel của máy bay A380. Sau này, cho rằng Concorde gây quá nhiều tiếng ồn, Mỹ ra lệnh cấm Concorde hạ cánh tại sân bay New York. Chính điều này đã khiến nhiều hãng hàng không không mặn mà với Concorde.
Trong khi chờ đợi lệnh cấm trên được dỡ bỏ, hãng hàng không Pháp Air France chỉ khai thác Concorde cho chuyến bay sang Rio de Janeiro - Brazil và Caracas - Venezuela, còn hãng British Airway của Anh có chuyến bay hàng ngày sang Bahrein. Phải đến cuối năm 1977, Mỹ mới dỡ bỏ lệnh cấm máy bay Concorde.
Concorde còn thất bại cũng do cuộc khủng hoảng dầu lửa 1973. Trong quá trình thử nghiệm, nhà sản xuất đã nhận được 60-70 đơn đặt hàng từ nhiều nước. Người ta từng nghĩ rằng Concorde sẽ bán rất chạy. Thế nhưng, khủng hoảng nổ ra, đa số các đơn đặt hàng bị hủy.
Hướng dẫn viên Jean-Xavier Naillet ở bảo tàng Aéroscopia tại Toulouse-Blagnac giải thích: “Nhiều hãng hàng không đã đặt mua máy bay Concorde sau này đều phá sản (…) do giá dầu tăng quá cao. Chính vì thế mà vào các năm 1972, 1973, tất cả các đơn đặt hàng Concorde đều lần lượt bị hủy. Đến cuối năm 1973, đầu năm 1974, nhà sản xuất chỉ bán được tổng cộng 14 chiếc: Bảy máy bay cho hãng British Airways, bảy chiếc cho Air France. Đây cũng là hai hãng hàng không của hai nước chế tạo Concorde”.
Sau khi ngừng khai thác, số phận của Concorde ra sao? Giám đốc Bảo tàng Hàng không và Không gian Bourget giải thích: “Có nhiều máy bay được trưng bày trong các bảo tàng. Ở đây chúng tôi có hai máy bay Concorde. Có hai chiếc trong bảo tàng ở Toulouse, một ở sân bay Roissy.
Các bảo tàng ở Mỹ cũng có, chẳng hạn ở bảo tàng Washington. Concorde cũng được trưng bày ở Anh quốc. Một số máy bay đã bị tháo dỡ. Một chiếc Concorde bị tháo rời ở sân bay Roissy. Ở nhiều nơi khác nữa, ở New York, Washington cũng có thể có”.
Cho dù Concorde đã ngừng bay cách nay 16 năm, nhưng cho tới giờ, 50 năm sau chuyến bay đầu tiên năm 1969, Concorde vẫn còn được nhắc tới với lòng ngưỡng mộ. Bà Catherine Maurouny tự hào: “Đó là loại máy bay độc nhất vô nhị trong lịch sử ngành hàng không, với bước phát triển đột phá về công nghệ, với vẻ đẹp đặc biệt … Concorde đã để lại một hình ảnh không thể thay thế”. Điều đáng tiếc nhất là đỉnh cao công nghệ đã thất bại về mặt kinh tế.