Đến dự Hội thảo có ông Timur Sirozhevich, Đại diện Lãnh sự quan Nga tại Việt Nam; ông Đồng Ngọc Ba, ĐBQH, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội; ông Nguyễn Hữu Huyên, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ Tư pháp; ông Konstantin Korsik, Chủ tịch Hiệp hội Công chứng Liên bang Nga; ông Nguyễn Chí Thiện, Chủ tịch Hiệp hội Công chứng Việt Nam cùng nhiều đại diện thuộc Hiệp hội công chứng Liên Bang nga; đại diện lãnh đạo Sở Tư pháp TP Hồ Chí Minh; công chứng viên đang hoạt động trong lĩnh vực công chứng tại TP Hồ Chí Minh...
Chủ tọa hội thảo gồm các chuyên gia Nga và Việt Nam |
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ Tư pháp Nguyễn Hữu Huyên cho biết, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Liên bang Nga luôn là quan hệ lâu đời, hợp tác toàn diện. Trong đó, hợp tác Tư pháp giữa hai bên không ngừng phát triển trong suốt thời gian qua. Nga là nước đầu tiên kí Hiệp định tương trợ Tư pháp với Việt Nam từ năm 1981, và sau đó liên tục có những văn bản kí kết tiếp theo. Từ năm 2012, Bộ tư pháp Việt Nam và Bộ Tư pháp Liên bang Nga đã thống nhất thành lập Tổ công tác Việt - Nga về Xây dựng Pháp luật do bộ trưởng Bộ Tư pháp của hai nước điều hành, đây là một thiết chế rất đặc biệt. Hàng năm Tổ đều có những sinh hoạt chuyên đề như tọa đàm, Hội thảo để trao đổi, chia sẻ về các hoạt động Tư pháp phía nước bạn Nga cho Việt Nam.
Theo Vụ trưởng Nguyễn Hữu Huyên, Hội thảo là dịp chia sẻ kinh nghiệm trong các hoạt động công chứng gắn với các giao dịch dân sự, kinh tế thị trường... Luật Công chứng nước ta hiện nay đang được xem xét bổ sung, sửa đổi thì rất cần những kinh nghiệm từ quốc tế.
Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ Tư pháp Nguyễn Hữu Huyên phát biểu tại Hội thảo |
Phát biểu tại Hội thảo, ông Konstantin Korsik Chủ tịch Hiệp hội Công chứng Liên bang Nga chia sẻ: “Tôi tin tưởng rằng cuộc thảo luận này sẽ đóng góp đáng kể nhằm tăng hiệu quả hợp tác giữa các công chứng viên của hai nước chúng ta. Việc phát triển và tích cực ứng dụng công nghệ kỹ thuật số là một trong những phương hướng ưu tiên trong hoạt động công chứng của Nga trong nhiều năm qua. Cùng với đó, các tổ chức công chứng không chỉ đi theo xu hướng “số hóa” chung, mà chủ động phát triển, triển khai các công nghệ, dịch vụ mới phù hợp với yêu cầu của người dân và doanh nghiệp”.
Với tham luận chủ đề “Chuyển đổi số hoạt động công chứng tại Liên bang Nga: vì mục tiêu đảm bảo quyền lợi và thuận tiện cho người dân và pháp nhân”, ông Konstantin Korsik đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm hay về hoạt động công chứng tại Liên bang Nga. Kể từ năm 2018, tất cả các hoạt động công chứng đều được đăng ký trong Hệ thống thông tin thống nhất của ngành công chứng. Hệ thống ngày đáp ứng các yêu cầu cao nhất về bảo mật. Tất cả thông tin nhập vào hệ thống đều được mã hóa. Việc lưu giữ liệu trong hệ thống cũng được thực hiện ở dạng mã hóa. Hơn nữa, không công chứng viên nào có thể truy cập vào các tài liệu được chứng nhận bởi một công chứng viên khác mà không phải yêu cầu và được xác nhận trực tiếp. Điều này sẽ ngăn chặn các hành động phi pháp thông qua truy cập thông tin bất hợp pháp.
Hiện nay Nga đã có thể thực hiện một loạt các hoạt động công chứng từ xa, cũng như chứng thực từ xa các hợp đồng bởi hai hoặc hơn hai công chứng viên. 13 hoạt động công chứng ở Nga có thể thực hiện ở hình thức từ xa không cần công chứng viên có mặt, không yêu cầu xác minh ý muốn của người nộp đơn, bao gồm xác nhận thu hồi nợ, cung cấp bằng chứng trên Internet, chuyển giấy tờ điện tử, nhận tiền đặt cọc, v.v. Tổng nhu cầu về các dịch vụ này này đã tăng gấp sáu lần vào năm 2023. Tổng cộng, gần 800 nghìn hoạt động công chứng đã được thực hiện trực tuyến.
Đại diện các đại biểu hai nước Việt - Nga chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo |
Tại buổi Hội thảo, nhiều bài tham luận hay của các chuyên gia Nga và trong nước đã được trình bày. Các đại biểu tham dự có cơ hội để lắng nghe ý kiến từ các chuyên gia, cùng thảo luận, chia sẻ, trao đổi những kinh nghiệm thực tiễn trong việc nghiên cứu, hoàn thiện pháp luật về công chứng.