Mỗi khi không khí mua sắm đã trở nên hối hả, cận cuối năm giới trẻ thường cùng bạn bè tổ chức những chuyến “phượt” để tìm không khí mới, cảm giác mới cho cuộc sống bộn bề. Tất nhiên là đi bằng xe máy, và đó là dịp để chia sẻ với những em nhỏ nơi vùng cao vẫn sống trong hoang sơ, tội nghiệp, nghèo khó.
Hình minh họa |
Trước mỗi tiếng thở dài của đại ngàn, dường như nhiệt độ xuống thấp hơn, cái lạnh thấu xương lại đổ bộ tấn công da thịt các em bé nhem nhuốc, trên người chỉ có mỗi manh áo mỏng.
Có em chẳng có quần mặc, dép xỏ ở chân cũng không nên da thịt nứt toác, tím bầm. Bạn có tin không, rằng sẽ chẳng ai cầm lòng được khi thấy các em quây quần bên một đống lửa ở góc bản.
Có người phát khóc vì cảm động, vì không thể tưởng tượng được ở thời này vẫn có những đứa trẻ lâm vào cảnh thiếu thốn như thế. Rồi có người còn thốt lên: “Mười tuổi, con mình còn phải dỗ dành mới ăn!”
Dường như những đứa trẻ này không biết Xuân sắp về, rất ít đứa có định nghĩa về “Tết”. Cuộc sống cứ hồn nhiên trong nghèo khó nên người lớn bảo gì nghe vậy. Chúng không có quyền đòi hỏi, yêu cầu gì. Không tin, bạn cứ đến các tỉnh Hà Giang, Điện Biên, Lai Châu, Yên Bái… mà chứng kiến. Thậm chí, bạn có thể thử cảm giác bị đói rét, bị cô lập như những cái ốc đảo giữa đại ngàn chỉ giàu có cái nghèo, giàu có rét mướt.
Mỗi năm, vẫn có hàng trăm nhóm du lịch thiện nguyện được tổ chức. Theo ước lượng thời gian của những người có kinh nghiệm nhất thì “hình thức” du lịch này đã có ở nước ta khoảng 20 năm nay.
Tình thương của họ đối với những đứa trẻ xuất phát từ trái tim biết yêu thương, sẻ chia chứ không phải vì mục đích nào khác.
Công ty Du lịch Vietravel (chi nhánh tại Hà Nội - Vietravel Hanoi) là một trong những cơ quan đi tiên phong với hình thức du lịch này. Vietravel vừa xây dựng chương trình tour kết hợp việc tổ chức các hoạt động từ thiện tới các trường học có điều kiện khó khăn tại các tỉnh vùng núi phía Bắc.
Mục tiêu của chương trình là nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho những du khách vừa được tham quan danh lam thắng cảnh tuyệt đẹp của những địa danh vùng núi có điều kiện khó khăn vừa có cơ hội đóng góp một phần nhỏ vật chất và tinh thần giúp cho các em bé ở vùng cao có được tấm áo ấm hay bữa cơm giảm…phần nghèo nàn. Theo đó một số công ty khác cũng làm theo.
Tất cả những điều đó nhằm nối dài thêm những cánh tay với trẻ em vùng khó. Nó là cầu nối của tình người, là sự sinh động của cuộc sống muôn hình muôn vẻ.
Những gói bánh kẹo, những manh áo ấm, những cân thực phẩm và cả những nụ cười vui vẻ, sẽ được chia sớt. Một miếng khi đói bằng một gói khi no.
Dẫu những đứa trẻ không bao giờ biết chờ đợi, và việc làm tuy nhỏ bé mà ý nghĩa này chẳng xuất phát từ động lực lợi nhuận nào, nhưng đủ để mang hơi ấm đến với vùng cao, những phận người lầm lũi tưởng như bị nuốt trọn trong cái hùng vĩ núi rừng.
“Chia lửa” cho em là nhường cơm sẻ áo, đồng cảm và giúp đỡ. “Chia lửa” cho em là thắp thêm cho các em những nụ cười, là để bớt đi những em nhỏ bị đói rét trong khi cái Tết dưới xuôi thì lãng phí, thừa mứa…
Giản đơn như trẻ vùng cao, giản dị như xuân vùng sâu xa, nhưng ở đâu cũng cần lòng tốt. Tôi và nhiều bạn trẻ khác đã đi “phượt” (đi tự do, đi khám phá, đi phóng khoáng). Không chỉ là dịp để rèn luyện mình, góp phần nhỏ nhoi làm cho một vài em nhỏ vui, vài gia đình có thêm tiếng cười, thì cũng thấy hạnh phúc lắm lắm.
Sơn Bình