Sinh ra trong một gia đình nghèo, chị Đào Thị Tám (SN 1970, trú tại thôn Đồng Dương, xã Bảo Ninh, thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình) từ nhỏ đã gắn với con tôm, con cá, con mực. Năm 20 tuổi, chị Tám lấy chồng rồi “bén nghiệp” chế biến thủy sản khô, bởi gia đình chồng chị cũng có truyền thống làm nghề này.
Sau bao năm tiếp nối truyền thống của gia đình kết hợp với việc không ngừng học hỏi, người phụ nữ xã biển Đào Thị Tám nay không chỉ là tấm gương trong phát triển kinh tế của địa phương mà còn là gương mặt điển hình “Dân vận khéo” toàn quốc giai đoạn 2015-2020 và được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen.
Chị Đào Thị Tám vinh dự được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trao bằng khen trong phong trào thi đua "Dân vận khéo" giai đoạn 2015-2020 |
Nỗ lực xây dựng thương hiệu... thủy hải sản khô
Nhớ lại lúc trước, chị Tám kể: “Từ trước năm 2017, việc chế biến hải sản khô của tôi ở quy mô nhỏ lẻ, vốn ít nên mỗi ngày chỉ thu mua và chế biến 2 đến 3 tạ cá tươi. Việc chế biến thủy sản khô làm mùa nắng, chủ yếu giải quyết việc làm cho người trong gia đình. Nước mắm và mực khô của mình lúc đó cũng chưa có thương hiệu nên khó tiêu thụ. Thức khuya, dậy sớm cả năm nhưng lời lãi cũng chẳng được bao nhiêu”.
Đến năm 2018, khi nhận thấy thị trường thủy hải sản khô ngày càng được ưa chuộng, chị Tám nảy ra ý tưởng tận dụng lợi thế nguồn thủy sản dồi dào, tươi ngon để tạo ra những con mực khô, cá khô chất lượng. Cũng từ đó, ý nghĩ xây dựng một thương hiệu thủy sản khô cũng bắt đầu hình thành trong suy nghĩ của chị.
Nói là làm, chị Tám mạnh dạn vay vốn, mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư thêm trang thiết bị như: quạt điện, giàn phơi cá, lò sấy cá, để mùa mưa cũng chế biến được. Đặc biệt, nhận thức được việc phát triển một cơ sở chế biến thủy sản uy tín, chất lượng là không dễ nên chị Tám đã tự tìm hiểu và tham gia các khoá tập huấn kỹ thuật chế biến thuỷ hải sản, kỹ năng tìm kiếm thị trường, quản lý doanh nghiệp nhỏ và buôn bán hộ gia đình.
Mỗi năm, cơ sở của chị Tám xuất ra thị trường khoảng 8-9 tấn cá, mực, tôm khô các loại, 12.000 lít nước mắm. |
Không ngại khó, chị còn bắt xe khách đi học hỏi các mô hình làm kinh tế giỏi ở nhiều địa phương, tích cực tìm kiếm khách hàng tiềm năng để thu mua nguyên liệu tươi và tiêu thụ hàng hoá sau chế biến.
“Khó khăn nhất với mình lúc đó là nguồn vốn và đầu ra. Để phát triển cơ sở thủy sản khô, mình đã tìm vay các nguồn vốn ưu đãi để mua sắm máy móc. Cùng với đó, mình cũng đã tự tìm thị trường, các chợ và cửa hàng bán hải sản khô để đưa hàng của mình dần đi vào thị trường”, chị Tám chia sẻ thêm.
Bằng vốn kinh nghiệm và những kiến thức tích lũy được, việc chế biến thủy sản khô của gia đình chị cũng ngày càng có nhiều chuyển biến tích cực.
Tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương
Để đưa được thương hiệu thủy sản khô của xã biển Bảo Ninh đến gần hơn với khách hàng cũng như tạo một chuỗi sản xuất và tiêu thụ chuyên nghiệp hơn, năm 2019, chị Tám đứng ra vận động nhiều hộ dân trong xã Bảo Ninh thành lập hợp tác xã để cùng sản xuất kinh doanh dịch vụ, chế biến thủy hải sản.
Năm 2020, sản phẩm mực khô và nước mắm của HTX Long Tám cũng được UBND tỉnh Quảng Bình công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh. |
Ban đầu, có 9 người dân chuyên sản xuất thủy hải sản khô nhỏ lẻ tại xã Bảo Ninh quyết định cùng chị thành lập Hợp tác xã sản xuất kinh doanh – dịch vụ chế biến thủy sản Long Tám. Như có thêm động lực, chị Tám tiếp tục mở rộng lò sấy, kho đông lạnh, bể chế biến nước mắm và một số hạ tầng khác để sản xuất quy mô hơn.
“Nhờ có máy móc hiện đại, dây chuyền sản xuất chuyên nghiệp nên việc chế biến thủy sản khô thuận lợi hơn nhiều so với phương thức truyền thống. Từ ngày về làm với chị Tám tôi không chỉ có được thu nhập ổn định, đủ trang trải cuộc sống gia đình mà còn học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm từ chị trong việc sản xuất kinh doanh. Mình cũng rất mong HTX ngày càng phát triển, tăng thêm thu nhập cho các lao động cũng như có nhiều người đến làm việc hơn nữa” chị Trần Thị Thương (SN 1988) – một lao động tại xã Bảo Ninh sau hơn 1 năm về làm cùng chị Tám - tâm sự.
Kể từ ngày thành lập, mỗi năm hợp tác xã Long Tám xuất ra thị trường khoảng 8-9 tấn cá, mực, tôm khô các loại, 12.000 lít nước mắm... doanh thu đạt trên 2 tỷ đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 15-20 lao động với mức thu nhập bình quân từ 6-7 triệu đồng/người/tháng. Trước đó, hầu hết những người lao động này đều không có việc làm, cuộc sống hết sức vất vả.
Từ ngày thành lập HTX Long Tám, chị Tám cũng tạo thêm công ăn việc làm cho hàng chục lao động tại địa phương. |
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Thanh Bình - Chủ tịch Hội Nông dân xã Bảo Ninh - cho biết, chị Tám là một trong những gương điển hình về phát triển kinh tế của địa phương. Không chỉ tạo công ăn việc làm cho rất nhiều lao động mà còn góp phần gây dựng thương hiệu thủy sản khô của xã Bảo Ninh nói riêng và Quảng Bình nói chung.
Thương hiệu thủy hải sản khô mà chị Tám tạo dựng nhiều năm qua đã trở nên nổi tiếng không chỉ trong tỉnh mà đang dần đi vào thị trường toàn quốc, là địa chỉ tin cậy mà khách du lịch mỗi khi đến Quảng Bình tìm đến để mua quà về cho bạn bè, gia đình.
Với việc chú trọng đến chất lượng và xây dựng thương hiệu sản phẩm, năm 2020, sản phẩm nước mắm và mực khô từ HTX của chị Tám đã được UBND tỉnh Quảng Bình công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh.