Năm 2009, Hải Phòng được xếp thứ 6 toàn quốc về chỉ số sẵn sàng công nghệ thông tin (ICT Index), vượt 14 bậc so với năm 2008. Năm 2010, Hải Phòng tiếp tục vươn lên vị trí thứ 4 toàn quốc. Những con số thuyết phục trên cho thấy việc ứng dụng CNTT, sử dụng cơ sở hạ tầng thông tin và truyền thông phục vụ người dân và doanh nghiệp trên các lĩnh vực ngày càng được tăng cường và đem lại nhiều tiện ích. Qua đó, góp phần quan trọng đẩy mạnh cải cách hành chính.
Nhà máy Xi măng Hải Phòng áp dụng công nghệ thông tin phục vụ điều hành các dây chuyền nhà máy hoạt động Ảnh: Duy Lê |
Kết quả nổi bật
Năm 2010, chỉ số ICT của thành phố có bước phát triển nhảy vọt, góp phần đưa Hải Phòng vươn lên vị trí thứ 4 toàn quốc, sau Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh và Thủ đô Hà Nội. Kết quả trên là sự cố gắng nỗ lực cao của nhiều cấp, ngành và đội ngũ cán bộ, công chức thành phố; đồng thời thể hiện các quan điểm, định hướng chỉ đạo, cách làm của Hải Phòng bảo đảm thiết thực, hiệu quả, khả thi và phù hợp với điều kiện thành phố. Nhiều chương trình, kế hoạch phát triển, ứng dụng CNTT được triển khai tới các cơ quan, đơn vị mang lại hiệu quả thiết thực. Nếu như trước đây (năm 2007) mật độ điện thoại mới đạt 65 thuê bao/100 dân, nay con số này là 200 thuê bao/100 dân. Mạng viễn thông phủ sóng tới tất cả xã vùng sâu, vùng xa, hải đảo (kể cả đảo Bạch Long Vỹ). Mạng viễn thông liên tục được các doanh nghiệp đầu tư, áp dụng những công nghệ tiên tiến, nâng cao chất lượng dịch vụ. Nhờ vậy, 100% địa bàn thành phố có điểm bưu điện văn hóa xã, trong đó 90% có kết nối internet, tăng 20% so với năm 2007; mật độ dân số sử dụng internet đạt trên 40%, tăng hơn 8% so với năm 2007. 100% số quận, huyện, sở, ngành có mạng nội bộ; 100% số đơn vị kết nối internet qua băng thông rộng. Hệ thống mạng truyền số liệu chuyên dùng phục vụ các cơ quan Đảng, Nhà nước, các sở, ngành, quận, huyện tới 14 địa phương được đưa vào hoạt động…
Cơ sở hạ tầng được tăng cường đầu tư đã góp phần đẩy nhanh công tác ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước trên địa bàn thành phố một cách rõ rệt. Thông qua việc triển khai các đề án, dự án ứng dụng CNTT, công tác tin học hóa phục vụ cải cách hành chính nhà nước ở các sở, ngành, quận, huyện thu được kết quả quan trọng. Trên địa bàn thành phố xuất hiện một số mô hình, cách làm mới hiệu quả như hệ thống “một cửa” tại các quận Ngô Quyền, Hồng Bàng, Lê Chân…, gần 3.000 hộp thư cho các cơ quan quản lý nhà nước và công chức thành phố được vận hành, mang lại hiệu quả thiết thực, giúp tiết kiệm chi phí, giảm thời gian hội họp. Cùng với đó, ứng dụng CNTT của các cơ quan nhà nước phục vụ người dân doanh nghiệp có nhiều tiến bộ, góp phần tăng tính công khai, minh bạch trong quan hệ giữa các cơ quan nhà nước với người dân và doanh nghiệp. Hệ thống cổng thông tin điện tử thành phố gồm cổng chính và 33 cổng thành phần của 18 sở, ngành và 15 quận, huyện đi vào hoạt động kéo theo 100% số dịch vụ hành chính công của các sở, ngành, quận, huyện, phường, xã được đưa lên hệ thống cổng ở mức độ 2. Cơ sở hạ tầng CNTT được đầu tư khá hoàn thiện, góp phần nâng cao một bước trình độ ứng dụng CNTT của đội ngũ cán bộ, công chức thành phố. Chánh Văn phòng UBND huyện Tiên Lãng Ngô Ngọc Khánh cho biết, ứng dụng CNTT vào công việc hằng ngày tại địa phương thời gian qua góp phần quan trọng thúc đẩy quá trình cải cách hành chính của huyện; đồng thời, tiết kiệm được nhiều chi phí về giấy tờ in ấn, thời gian giải quyết công việc, xử lý các loại văn bản giấy tờ nhanh chóng hơn. Việc quản lý công văn giấy tờ cũng khoa học, chặt chẽ hơn. Nhờ ứng dụng CNTT vào công việc hằng ngày, tỷ lệ cán bộ, công chức sử dụng CNTT ngày càng tăng, đạt gần 98% (năm 2010); tỷ lệ cán bộ, công chức có kỹ năng ứng dụng CNTT trong hoạt động nghiệp vụ như soạn thảo văn bản, sử dụng thư điện tử, khai thác internet, sử dụng các phần mềm nghiệp vụ phục vụ công việc ngày càng tăng.
Hướng tới mô hình chính quyền điện tử
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Văn An cho biết, phấn đấu vươn lên xếp hạng đã khó, trụ hạng còn khó hơn. Bởi vậy, để giữ vững vị trí xếp hạng thành phố đạt được trong năm 2010, đòi hỏi đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, hướng tới xây dựng mô hình chính phủ điện tử trong những năm tới. Việc ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan nhà nước phải nhằm từng bước xây dựng chính quyền điện tử hiện đại từ thành phố đến các sở, ngành, quận, huyện, xã, phường, thị trấn; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; bảo đảm công khai, dân chủ, minh bạch trong phục vụ người dân và doanh nghiệp. Ứng dụng CNTT gắn với quá trình cải cách hành chính. Đồng thời kế thừa, sử dụng tối đa cơ sở vật chất, trang thiết bị, giải pháp phần mềm, nhân lực, kết quả ứng dụng hiện có. Trên cơ sở đó xây dựng, tính toán, lựa chọn phương án đầu tư phù hợp với mục tiêu, yêu cầu, điều kiện và từng giai đoạn phát triển của mỗi đơn vị; bảo đảm tính thống nhất, tính thực tiễn, tiết kiệm, hiệu quả, khả thi và thực hiện được mục tiêu chung của thành phố. Cùng với đó, có lộ trình, kế hoạch tiếp tục đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực CNTT tại tất cả đầu mối quận, huyện, sở, ngành, địa phương…Phấn đấu đến năm 2015, thông tin liên lạc kết nối các cơ quan thực hiện chủ yếu qua các hình thức truyền thông cơ bản như: thư điện tử, mạng chuyên dùng, điện thoại, fax, hội nghị và họp qua phương thức truyền hình, đưa thông tin lên cổng thông tin điện tử; khai thác hiệu quả hệ thống cơ sở hạ tầng CNTT hiện có, bảo đảm trung bình 90% số thông tin chỉ đạo, điều hành của các cấp lãnh đạo được đưa lên cổng thông tin điện tử; 90% số văn bản ở Văn phòng UBND thành phố và các sở, ngành được lưu chuyển trên môi trường mạng..
Tiến Đạt