Đó là những thông tin được đưa ra trong Báo cáo Phát triển con người năm 2019 có tiêu đề “Bất bình đẳng trong phát triển con người ở thế kỷ 21: Không chỉ thu nhập, mức trung bình và hiện tại” do Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) công bố chiều 9/12.
Việt Nam có quyền tự hào
Phát biểu tại hội thảo công bố báo cáo ở Việt Nam, bà Caitlin Wiesen, Trưởng đại diện thường trú UNDP ở Việt Nam khẳng định Việt Nam có thể lấy làm tự hào vì nhiều thành tựu có thể được đề cập đến trong Báo cáo phát triển con người lần này.
“Trên thực tế, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng ngạc nhiên. Trong những năm từ 1990 đến 2018, HDI của Việt Nam đã tăng trưởng mạnh mẽ, với mức tăng trưởng bình quân hàng năm là 1,36%. Điều này khiến cho Việt Nam có tỉ lệ tăng HDI nhanh nhất trên thế giới”, bà Wiesen nhấn mạnh.
Theo Trưởng đại diện thường trú UNDP ở Việt Nam, trong giai đoạn trên, tuổi thọ bình quân khi sinh của Việt Nam đã tăng lên 4,8 năm; số năm đi học bình quân tăng 4,3 năm; số năm đi học dự kiến tăng 4,9 năm. Tổng thu nhập bình quân đầu người đã tăng lên 354,5%... đưa Việt Nam dịch chuyển từ quốc gia có HDI thấp vào năm 1990 lên suýt soát trở thành quốc gia có HDI cao vào năm 2018.
Với chỉ số HDI hiện là 0,63, Việt Nam hiện xếp thứ 118/189 quốc gia và vùng lãnh thổ về chỉ số này và chỉ cần thêm 0,007 điểm để vào được nhóm các nước có HDI ở mức cao. Điều đáng chú ý là Việt Nam đạt được tiến triển về HDI nhưng không phải đánh đổi nhiều về bất bình đẳng. Theo bà Wiesen, sự suy giảm về HDI của Việt Nam do bất bình đẳng trong năm 2018 nằm trong số những mức suy giảm thấp nhất trong khu vực Đông Á và Thái Bình Dương.
Báo cáo của UNDP cũng nhấn mạnh Việt Nam có kết quả tốt về khía cạnh bình đẳng giới. Chỉ số phát triển giới ở mức 1,003 đã đưa Việt Nam vào nhóm dẫn đầu trong số 5 nhóm gồm 166 nước trên toàn thế giới, xếp thứ 68/162 nước về chỉ số phát triển giới. Đặc biệt, tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội của Việt Nam lên tới 26,7% đã giúp Việt Nam nằm trong nhóm 1/3 các nước đứng đầu thế giới về tỷ lệ này.
Hướng đến xã hội ngày càng bình đẳng, văn minh
Tuy nhiên, báo cáo của UNDP cũng chỉ ra rằng Việt Nam vẫn còn nhiều lĩnh vực quan trọng cần tiếp tục cải thiện. Điển hình, Việt Nam nằm trong nhóm 1/3 các nước xếp hạng thấp nhất toàn cầu về tỷ lệ giới tính khi sinh (1,12), bạo lực đối với phụ nữ gây ra bởi đối tượng không phải là chồng/bạn tình lên tới 34,4%, còn tỷ lệ phụ nữ có tài khoản tại các tổ chức tài chính hoặc với các công ty cung cấp dịch vụ tài chính qua di động cũng mới chỉ đạt 30,4%.
Trong phát biểu tại hội thảo công bố báo cáo, Trưởng đại diện thường trú UNDP ở Việt Nam Wiesen đánh giá cao việc Việt Nam kiên định chọn hướng phát triển lấy con người làm trọng tâm và sự bình đẳng trong các chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
“Việt Nam đã đạt được tăng trưởng đáng kể trong phát triển con người kể từ năm 1990 với mức độ bất bình đẳng tăng chậm. Căn cứ vào chỉ số HDI điều chỉnh theo bất bình đẳng, Việt Nam đạt được thứ hạng cao hơn 9 bậc so với năm 2018”, bà nói.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng khẳng định, trong quá trình mở cửa cải cách và phát triển đất nước trong hơn 30 năm qua, mục tiêu tối thượng của Việt Nam luôn là dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh. Hiện nay, một số chỉ tiêu này đã đạt được ở các mức độ khác nhau.
Việt Nam cũng là nước rất năng động và tích cực trong thực hiện các mục tiêu và các cam kết mà Việt Nam tham gia. Việt Nam cam kết sẽ thực hiện nghiêm túc các cam kết và mục tiêu của mình nhằm dần nâng HDI lên, hướng đến một xã hội ngày càng bình đẳng, văn minh hơn.