Nhiều người hẳn không quên trận mưa lịch sử nhiều ngày liền vừa mới xảy ra khiến nhiều tỉnh miền Trung chìm trong biển nước. Nhưng chỉ vài ngày nước rút, lau lại nở trắng một vùng. Đó là chỉ dấu đất trời mà người miền Trung mong ngóng, dẫu rằng đi đâu cũng thấy nhiều vách nhà, bờ cây, xóm làng hằn dấu vết của bùn non. Trong cái khắc nghiệt của thiên nhiên, khát vọng sống lại nảy mầm; hễ lũ rút lại nhanh tay xuống giống, dựng mái nhà, lo cho cái Tết sum vầy…
“Còn da lông mọc, còn chồi nảy cây”
Ngày 9/12/2018, trận mưa gây ngập lụt được cho là “lịch sử” hơn cả năm 1999 về độ nước lớn, mưa nhiều, ập xuống các tỉnh miền Trung. Mưa như trút nước, kéo dài; nhiều vùng trở tay không kịp, của cải chìm trong biển nước.
Hôm ấy, ngồi nhìn 5 sào rau mồng tơi, húng quế, cải thìa… dần thối rục trước mặt, ông Nguyễn Thọ (52 tuổi, thôn Bầu Tròn, Đại Lộc, Quảng Nam) buồn bã: “Mọi năm vào thời điểm này đâu còn lụt. Cứ nghĩ năm nay thời tiết thuận lợi, tôi mới dốc vốn trồng rau mong bán dịp Tết. Nay hư hỏng hoàn toàn, thiệt hại hơn 100 triệu đồng”. Với ông Thọ, số tiền đó là công sức cả một năm cật lực làm việc, nay trôi theo dòng nước.
Trên cánh đồng rau sạch có tiếng của miền Trung này, ông Thọ là đơn cử trong số báo cáo thiệt hại do mưa lũ được các lực lượng chức năng ghi nhận vào giữa tháng 12/2018. Về nông nghiệp, các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Quảng Nam, Đà Nẵng, Huế, Quảng Trị có hơn 9.200ha lúa, hơn 2.800ha hoa rau bị hư hại, ngập; gia súc, gia cầm chết và cuốn trôi lên đến 78.000 con; 768ha diện tích nuôi thủy sản thiệt hại. Đa phần đều chuẩn bị cho kỳ thu hoạch Tết Kỷ Hợi sắp đến.
Đó là chưa kể đến tám ngôi nhà bị sập hoàn toàn, hơn 33.500 ngôi nhà ngập nước, gần 6.000 hộ phải di dời khẩn cấp trong đêm 9/12. Xót xa nhất, dù nhiều kinh nghiệm ứng phó mưa lũ, song 13 người mãi mãi ra đi vì lũ cuốn trôi…
Tôi là người trong cuộc nên thấu hiểu nỗi đau bị bão lũ chà xát trên dải đất miền Trung. Những ngày mưa vần vũ, nhiều phóng viên như tôi đều đã đội mưa, vượt lũ lặn lội qua những thôn xã, làng xóm xác xơ, tiêu điều.
|
Mầm xuân đã nở rộ trên các cánh đồng, vườn nhà |
Mưa lạnh, nhưng hình ảnh ấm lòng là tới đâu cũng thấy màu áo xanh của các chiến sĩ lực lượng vũ trang, công an, thanh niên tình nguyện… cứu của, cứu người giúp dân. Sau đó, cũng chính những người này đã gồng gánh cùng bà con gầy dựng, khắc phục hậu quả sau mưa lũ. Trên các nẻo đường, những chuyến hàng cứu trợ về suốt ngày đêm, mang tình thương yêu, tấm lòng chia sẻ của cộng đồng từ khắp Bắc – Trung - Nam.
Từng thanh lương khô, gói mỳ, bao gạo, tấm lợp, chai nước, manh áo, mảnh chăn, cuốn vở… cho tới nay vẫn đang được các tổ chức trong và ngoài nước chuyển tới những gia đình gặp chuyện không may.
Có đi qua vùng lũ lụt mới thấy sức mạnh của dòng chảy thiện nguyện cuồn cuộn đổ về, cứ thế nâng từng người dân lấm lem lên, an ủi, giúp đỡ, chăm sóc, sẻ chia... Người miền Trung vốn kiên cường và càng kiên cường, lạc quan hơn nữa khi có sức mạnh động viên.
Hôm trước bàng hoàng trước những cảnh tan hoang ở các trường học sau bão lũ, hôm sau đã phải sững người khi nhìn thấy những cô giáo vừa gập lưng cào từng đống bùn từ trong các phòng học, vừa vừa cười, vừa hát:
Tháng Giêng, tháng Hai
Tháng Ba, tháng Bốn
Tháng khốn, tháng nạn
Đi vay đi dạm
Được một quan tiền
Ra chợ Kẻ Diên
Mua con gà mái
Về nuôi hắn đẻ ra mười trứng
Một trứng: ung
Hai trứng: ung
Ba trứng: ung
Bốn trứng: ung
Năm trứng: ung
Sáu trứng: ung
Bảy trứng: ung
Còn ba trứng nở ra ba con
Con: diều tha
Con: quạ bắt
Con: mặt cắt xơi
Chớ than phận khó ai ơi
Còn da lông mọc, còn chồi nảy cây…
Chỉ dấu mùa Xuân
Ít ngày sau trận lụt, giữa tháng 12/2018, ông Nguyễn Thọ điện báo chắc nịch: Nay đến hết năm sẽ không còn lũ, bão hành hạ bà con nữa vì hoa lau đã nở. Kinh nghiệm dân gian cho thấy mỗi năm một lần, ông trời “báo tin” và người “hạ giới” như ông tin tưởng xuống giống vụ Đông Xuân. Năm sào rau đã mất, ông đổi sang trồng hoa màu ngắn ngày.
|
Những người nông dân miền Trung khắc phục mưa lũ, gieo trồng sản xuất chuẩn bị vào Xuân |
Ông Thọ cho biết, người quê sống cạnh dòng Vu Gia như ông thường để lại một khóm lau ở góc ruộng, cánh đồng. Mỗi năm, ai nấy đều nhìn vào đó mong ngóng, đoán thời tiết thất thường ra sao, còn phòng bị nước sông lên cao. Năm nào hoa lau nở muộn, năm ấy mưa lũ, bão tố còn dai dẳng. Trong những tháng ngày thời tiết bất lợi đó, phần ngọn ở khóm lau phình to ra để ôm ấp, che chở một nhành hoa bên trong.
Bà con quê miền Trung hay so sánh, nó giống hệt như dạ con của người phụ nữ đang ôm ấp hài nhi chuẩn bị đến tháng ngày “khai hoa nở nhụy”. Tháng 11 -12, khi tiết trời thay đổi, hiền hoà, từng cành hoa lau bắt đầu nhô ra khỏi ngọn cây để khoe sắc trắng trong bình yên, trong không gian mênh mang bên bờ sông vắng. Cây lau là loài thực vật luôn biết chọn thời điểm thích hợp cho mùa trổ nụ, đơm hoa của mình.
Với bà con làm nghề đánh bắt hải sản trên biển như Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi… khi hoa lau nở, ngư dân cũng bắt đầu chuẩn bị để ra khơi trở lại. Năm nào lau nở như phất cờ, mùa đánh bắt năm ấy thường gặp nhiều thuận lợi, ngư dân luôn trúng đậm với từng mẻ cá nặng khoang.
Từ lời ông Thọ mới thấy, đi dọc các tỉnh miền Trung, thậm chí nhiều đơn vị thuộc lĩnh vực nông nghiệp vẫn để lại những khóm lau trong khuôn viên, mục đích nắm bắt chỉ dấu của trời, chuẩn bị sẵn cho kế hoạch sản xuất năm tiếp theo…
Không vì bão lũ mà bỏ đất, bỏ làng, những người miền Trung có cách khôi phục sản xuất theo kiểu của mình. Như ông Mai Văn Hùng (xã Bình Phục, Thăng Bình, Quảng Nam) trồng 5.600 chậu cúc mới 20 ngày tuổi đã bị mưa lớn gây ngập úng hoàn toàn vào ngày 9/12/2018.
Nắng lên, lau nở, nhưng xuống giống trở lại không kịp thời gian bán dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, ông cùng bà con quê mình cải tạo lại đất và chọn loại rau ngắn ngày như cải bẹ, xà lách… thay thế.
Tại Hội An, phường Cẩm Châu được xem là một trong các vùng trồng hoa Tết nhiều nhất Quảng Nam. Những ngày này, dạo qua các vườn nơi đây đều bắt gặp không khí tất bật của người chủ, bên những chậu hoa còn lại sau mưa ngập.
Tại vườn nhà ông Nguyễn Thêm (phường Cẩm Châu), không để cho nỗi buồn vì 100 chậu thược dược xem như mất trắng kéo dài, chưa kể 200 chậu mãn đình hồng ngậm búp nguy cơ trễ Tết; ông cật lực đầu tư cho quất (tắc) cảnh.
Dù cây không đẹp hơn so với năm trước, nhưng bù lại qua đợt mưa, quất phát triển tốt; giá cũng khá cao. Đặc biệt, giá thuê quất cảnh chơi Tết năm nay dự báo cũng nhích lên, lên tới cả 10 triệu đồng cho cây có hình dáng đẹp.
“Tôi cứ tưởng mất trắng 1.000 chậu hoa cúc vì mưa lớn quá. Nhưng nhờ che chắn và đội mưa khắc phục, nên cây “tỉnh” lại. Bây giờ thời tiết khô ráo, tôi đang tích cực chăm sóc để hoa cúc sinh trưởng tốt. Hơn 150 chậu hoa vạn thọ đang bắt đầu khôi phục với hi vọng nở kịp Tết”, ông Lê Văn Linh (ngụ phường Hòa Phát, quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng) cũng chia sẻ về câu chuyện vượt qua mất mát mưa lũ.
|
Nụ cười trở lại trên môi những người vừa trải qua bão lũ |
Ở huyện Hòa Vang (Đà Nẵng), niềm vui trở lại không chỉ với một cá nhân mà với cả làng. Ông Lý Dạng, Tổ trưởng Tổ hợp tác hoa Dương Sơn (xã Hòa Châu) cho biết, hoa Tết năm nay, cả tổ hợp tác trồng 19.500 chậu hoa cúc và hàng ngàn chậu hoa ly, hồng, vạn thọ, thược dược…
Đợt mưa lớn vừa qua làm nhiều chậu hoa bị hư hại, song người trồng đang tranh thủ thời tiết khô ráo để phun thuốc trừ các loại nấm, sâu bệnh để cây sinh trưởng tốt trở lại. Mầm xuân đã nở rộ trên các cánh đồng, vườn nhà.