Ngày 19/9, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GĐ&ĐT) có công điện gửi Giám đốc Sở GDĐT các tỉnh, thành phố Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa về việc chủ động ứng phó với bão số 4.
Cân nhắc cho học sinh nghỉ học, không tổ chức hoạt động ngoại khóa tại các vùng nguy cơ ảnh hưởng bão
Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia dự báo, trong 3 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây, tốc độ khoảng 20-25km/h.
Hôm nay đến đêm 20/9, khu vực từ Hà Tĩnh đến Đà Nẵng có mưa to đến rất to và rải rác có dông với lượng mưa phổ biến 100-300mm, có nơi trên 500mm. Khu vực Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Nam, Quảng Ngãi có mưa vừa, mưa to và rải rác có dông, cục bộ có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 80-170mm, cục bộ có nơi trên 300mm.Ngày và đêm 19/9, khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa vừa, mưa to và dông, cục bộ có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 20-40mm, cục bộ có nơi trên 70mm (thời gian mưa tập trung vào chiều và đêm).
Trong ngày và đêm 19/9 ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ, Nam Trung Bộ có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có nơi mưa to với lượng mưa từ 10-30mm, cục bộ có nơi trên 70mm (thời gian mưa tập trung vào chiều và đêm).Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Từ ngày 21/9, mưa lớn trên các khu vực giảm dần.
Theo Công điện, để chủ động và linh hoạt trong công tác ứng phó với bão, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho học sinh, giáo viên và cán bộ nhân viên ngành giáo dục, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT yêu cầu Giám đốc Sở GD&ĐT các tỉnh, thành phố khẩn trương theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão; trực ban 24/24h. Thường xuyên cập nhật thông tin từ các cơ quan chức năng, lực lượng cứu hộ và chính quyền địa phương để có phương án ứng phó kịp thời;
Lên phương án di dời tài sản, máy móc, thiết bị, bàn ghế đến nơi an toàn, đảm bảo không hư hại, hỏng hóc. Đảm bảo các trường học, cơ sở giáo dục không tổ chức hoạt động ngoại khóa tại các vùng ven biển và vùng có nguy cơ ảnh hưởng của bão;
Cân nhắc cho học sinh nghỉ học khi cần thiết, đặc biệt ở các khu vực dễ bị ảnh hưởng do mưa bão. Đảm bảo thông tin về lịch học và sự an toàn của học sinh được truyền đạt đầy đủ đến phụ huynh;
Ngay sau khi bão tan, tổ chức dọn dẹp vệ sinh trường lớp, khắc phục thiệt hại về cơ sở vật chất, đảm bảo an toàn và vệ sinh trước khi đón học sinh quay lại trường;
Liên tục cập nhật thông tin, tổng hợp thiệt hại và lên phương án xử lý báo cáo UBND cấp tỉnh để khắc phục, đồng thời báo cáo về Bộ GD&ĐT để tổng hợp báo cáo Chính phủ.
Một loạt tỉnh/thành cho học sinh nghỉ học
Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Trị đã có văn bản gửi các đơn vị về việc chủ động ứng phó với bão số 4. Công văn yêu cầu thủ trưởng các đơn vị, trường học tùy diễn biến của áp thấp nhiệt đới và bão trên từng địa bàn, chủ động cho học sinh nghỉ học, hoãn các cuộc họp, cuộc thi, hội nghị, tập huấn chưa thực sự cấp bách.
Trước chỉ đạo trên, trong sáng nay - 19/9, hàng loạt địa phương như các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, huyện đảo Cồn Cỏ đã cho học sinh nghỉ học. Một số địa phương khác như, thành phố Đông Hà, các huyện Triệu Phong, Hải Lăng, Đakrông, Hướng Hóa… nhiều trường chủ động cho học sinh nghỉ học để phòng tránh bão số 4.
Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Trị yêu cầu, các trường chủ động rà soát, kiểm tra cơ sở vật chất, đặc biệt là phòng học, phòng chức năng, mái che, hệ thống thoát nước... để đảm bảo an toàn trước mưa bão; triển khai chằng chống cửa các phòng học; chuẩn bị sẵn sàng phương án sơ tán, di dời học sinh, giáo viên, tài liệu và thiết bị giảng dạy… đến nơi an toàn.
Tùy diễn biến mưa, bão cụ thể trên từng địa bàn, thủ trưởng các đơn vị, trường học chủ động chuẩn bị dụng cụ cần thiết như bao cát, bạt che, nước uống, thực phẩm dự trữ, thuốc men để đối phó với mưa lớn, ngập lụt, gió mạnh; kiểm tra hệ thống điện, thiết bị viễn thông phòng tránh rủi ro do sấm sét hoặc mất điện trong thời gian mưa bão. Mặt khác, phân công cán bộ, giáo viên, nhân viên ứng trực 24/24h để phòng, chống bão.
Sở GD&ĐT Quảng Bình cũng yêu cầu các các đơn vị phân công trực ban 24/24h, với phương châm “4 tại chỗ” để chủ động ứng phó với các tình huống xảy ra; sẵn sàng tạo điều kiện cho người dân vào tránh trú tại các trường học nếu bảo đảm điều kiện an toàn.
Đồng thời phối hợp với chính quyền, đoàn thể địa phương tập trung lực lượng dọn dẹp vệ sinh trường, lớp khi hết mưa, nước rút; rà soát, kiểm tra phương tiện, cơ sở vật chất bảo đảm cho việc dạy, học, có phương án an toàn nguồn điện trước khi đưa vào sử dụng.
Thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình thời tiết, giữ liên lạc thông suốt với lãnh đạo sở, lãnh đạo địa phương, kịp thời thông báo tình hình đến phụ huynh học sinh để nhanh chóng xử lý các tình huống, giảm thiểu thiệt hại đến mức thấp nhất.
Trước đó, ngày 18/9, Sở GD&ĐT Quảng Bình đã có công văn chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, các phòng GD&ĐT, Trung tâm GDNN-GDTX các huyện, thị xã, thành phố về triển khai các nhiệm vụ phòng, chống lụt bão đảm bảo an toàn.
Hôm qua, 18/9, Giám đốc GD&ĐT tỉnh Quảng Nam đã ký ban hành công văn gửi Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thị xã, thành phố, các trường trung học phổ thông, phổ thông dân tộc nội trú, trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh đề nghị thông báo cho học sinh nghỉ học ngày 19/9 để phòng, chống áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão số 4.
Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Nam yêu cầu các trường phân công trực ban và báo cáo kịp thời tình hình mưa bão, lũ quét, các thiệt hại và biện pháp khắc phục về sở.
Tại TP Đà Nẵng, Sở GD&ĐT yêu cầu thủ trưởng các đơn vị, trường học thông báo cho trẻ mầm non, học sinh, học viên trên toàn thành phố nghỉ học chiều ngày 18/9 và cả ngày 19/9. Các trường đại học tư thục căn cứ tình hình thực tế, chủ động quyết định việc đi học của sinh viên.
Các trường có tổ chức bán trú liên hệ với cha mẹ trẻ mầm non, học sinh về thời gian đón con; bảo đảm trẻ mầm non, học sinh được quản lí, chăm sóc tốt ở trường khi cha mẹ chưa thể đến đón.
Sở GD&ĐT thành phố Đà Nẵng cũng yêu cầu các đơn vị, trường học thường xuyên cập nhật thông tin về diễn biến tình hình áp thấp nhiệt đới và mưa lớn hiện nay; giữ liên lạc qua nhiều kênh thông tin để chủ động ứng phó một cách an toàn, giảm thiểu thiệt hại do mưa lớn gây ra.
Đồng thời đảm bảo liên lạc thường xuyên, thông suốt hai chiều giữa lãnh đạo Sở (Phòng) GD&ĐT – Thủ trưởng các đơn vị, trường học – Giáo viên chủ nhiệm – Cha mẹ học sinh, học viên.