Chỉ dẫn địa lý: Đắt có 'xắt ra miếng'?

Việt Nam có 56 chỉ dẫn địa lý được đăng ký và bảo hộ trong nước, 4 chỉ dẫn được đăng ký tại nước ngoài. Ảnh minh họa
Việt Nam có 56 chỉ dẫn địa lý được đăng ký và bảo hộ trong nước, 4 chỉ dẫn được đăng ký tại nước ngoài. Ảnh minh họa
Vì sao cần có một sản phẩm sở hữu trí tuệ đắt đỏ, phức tạp và đòi hỏi nhiều sự tuân thủ, bảo vệ như chỉ dẫn địa lý? Đơn giản chỉ là để bán được nhiều hàng với giá cao!

Chỉ dẫn địa lý là những chỉ dẫn về hàng hoá bắt nguồn từ lãnh thổ của một thành viên hoặc từ khu vực hay địa phương thuộc lãnh thổ đó, có chất lượng, uy tín hoặc đặc tính nhất định chủ yếu do xuất xứ địa lý mà ra. Nói nôm na, chỉ dẫn địa lý là sản phẩm dùng chung, thuộc sở hữu “toàn dân”, sản phẩm nào đáp ứng đủ các đặc tính kỹ thuật như chỉ dẫn đã được bảo hộ thì doanh nghiệp (DN) có thể đăng ký để có quyền sử dụng logo của chỉ dẫn đó.

Việt Nam được xem là quốc gia khá tích cực trong khu vực ASEAN khi đã thực sự xây dựng hệ thống pháp luật về chỉ dẫn địa lý từ rất sớm (Bộ Luật Dân sự năm 1995 có nhiều nội dung về xuất xứ; Việt Nam cũng đồng thời tham gia rất nhiều thỏa ước, hiệp định quốc tế có liên quan), với số lượng chỉ dẫn địa lý được bảo hộ đến nay chỉ sau Thái Lan và Malaysia.

Hiện Việt Nam có 56 chỉ dẫn địa lý được đăng ký và bảo hộ trong nước, 4 chỉ dẫn được đăng ký tại nước ngoài (Chè Shan tuyết Mộc Châu, Cà phê Buôn Ma Thuột, Chả mực Hạ Long, Cam Cao Phong Hòa Bình, Vải thiều Lục Ngạn, Dừa xiêm xanh, Bưởi da xanh Bến Tre…).

“Với kinh phí khoảng 1 tỷ đồng và hơn 2 năm từ lúc lập đề án điều tra, khảo sát, xác định đặc thù quy trình sản xuất, đặc tính kỹ thuật, đặc trưng thổ nhưỡng, chất lượng sản phẩm,… tỉnh đã nhận được chỉ dẫn địa lý cho 2 sản phẩm Dừa xiêm xanh và Bưởi da xanh Bến Tre hôm 15/3 vừa qua”, Phó Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Phan Văn Mãi cho hay.

Tuy nhiên, chỉ dẫn địa lý chỉ là một phần của sở hữu trí tuệ, và chỉ được bảo hộ ở quốc gia có đăng ký. Như vậy, chuyện đăng ký bảo hộ cho một chỉ dẫn địa lý ở các thị trường lớn của Việt Nam tốn kém ra sao?

Theo TS. Delphine Marie-Vivien từ CIRAD (Trung tâm Hợp tác quốc tế nghiên cứu nông nghiệp phục vụ phát triển - Pháp), nhà tư vấn về chỉ dẫn địa lý tại nhiều tỉnh, thành phố phía Bắc, Việt Nam có tham gia Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), tức sản phẩm nào đã đăng ký chỉ dẫn địa lý ở Việt Nam sẽ đương nhiên được bảo hộ ở EU khi EVFTA có hiệu lực.

Tuy nhiên, ở trường hợp ASEAN thì khác. Bởi “ASEAN về bản chất chưa phải là cộng đồng kinh tế với những quy chế chung như EU, vì vậy sản phẩm đã đăng ký chỉ dẫn địa lý ở Việt Nam rồi vẫn phải đăng ký ở từng nước ASEAN thì mới được bảo hộ”, bà Delphine khẳng định.

Nhà tư vấn trên còn cho hay, hiện không có nhiều thông tin về đăng ký chỉ dẫn địa lý đối với sản phẩm Việt Nam tại thị trường Mỹ. Về chi phí, tùy thuộc vào hồ sơ đăng ký với các đặc tính kỹ thuật đi cùng, và con số có thể lên tới hàng triệu đô la.

“Vấn đề ở chỗ Mỹ là thị trường lớn của nhiều sản phẩm Việt Nam. Hoạt động đăng ký chỉ dẫn địa lý có thể rất tốn kém nên cần được thực hiện một cách tập trung. Ví dụ, cơ quan chức năng nên theo dõi các thị trường xuất khẩu chính những sản phẩm chủ lực của Việt Nam để kịp thời bảo vệ các chỉ dẫn địa lý đã có và định hướng đăng ký những chỉ dẫn địa lý mới phù hợp”, TS. Delphine khuyến nghị thêm.

Vì sao cần có một sản phẩm sở hữu trí tuệ đắt đỏ, phức tạp và đòi hỏi nhiều sự tuân thủ, bảo vệ như vậy? Câu trả lời đơn giản chỉ là để bán được nhiều hàng với giá cao!

Có thể dễ dàng nhìn thấy lợi ích của những sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Việt Nam. Ví dụ Chả mực Hạ Long, sau khi có chỉ dẫn địa lý đã tăng giá 15% (17 USD/kg), trong khi những sản phẩm cùng chủng loại có giá chỉ bằng 53% (tức 9 USD/kg). Tương tự, Cam Cao Phong Hòa Bình, sau khi có chỉ dẫn địa lý đã tăng giá 30%, từ mức 20.000-30.000 đồng/kg lên mức 40.000-50.000 đồng/kg (năm 2015).

Ngoài ra, chỉ dẫn địa lý cũng là đặc điểm có thể giúp nhà sản xuất, chính quyền, các cơ quan quản lý có cơ sở pháp lý để phòng chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, tức có thể khởi kiện những người sử dụng chỉ dẫn địa lý này một cách bất hợp pháp (chưa đăng ký sử dụng chỉ dẫn địa lý hoặc làm hàng nhái…).

Thực tế cho thấy, dù chưa đăng ký ở thị trường quốc tế, nhưng sản phẩm đã có chỉ dẫn địa lý được bảo hộ trong nước cũng là “vũ khí” đủ mạnh để bảo vệ hàng Việt Nam ở nước ngoài. Chẳng hạn, thương hiệu Cà phê Buôn Ma Thuột, sau khi được UBND tỉnh Đắk Lắk đăng ký chỉ dẫn địa lý trong nước vào năm 2005, thì đến năm 2010 đã bị một nhà sản xuất Trung Quốc đăng ký ngay tại thị trường 1,3 tỷ dân. Cho dù thế, sau khi tranh tụng tại tòa, Đắk Lắk cũng đã thắng kiện.

Chỉ dẫn địa lý không phải là ‘cây đũa thần’

Tất nhiên, chỉ dẫn địa lý không phải là “cây đũa thần” để nâng tầm giá trị cho các thương hiệu nông sản Việt.

Trong một số trường hợp, chỉ dẫn địa lý có thể phát động cuộc chạy đua sản lượng và mở rộng diện tích nuôi trồng tràn lan, thay vì tạo ra tư duy tích hợp chỉ dẫn địa lý với cải thiện chất lượng, công nghệ và chế biến sâu để bán được sản phẩm với mức giá ngày càng cao. Không khó để thấy hiện tượng “nở rộ” này với sản phẩm ‘tiêu Quảng Trị’ hay ‘điều Bình Phước’.

“Chưa biết cuộc chạy đua này sẽ dẫn đến hệ quả ra sao”, nhà tư vấn chỉ dẫn địa lý từ CIRAD ái ngại nói.

Khác với các nước, hoạt động đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Việt Nam đang được “bao cấp”. Theo đó, chính quyền các địa phương hiện đang làm thay mọi thủ tục để DN có được sản phẩm sở hữu trí tuệ “dùng chung” này. Chính sách thì tốt, nhưng cũng chính điều này đang khiến hiệp hội các nhà sản xuất, các hội nghề nghiệp không thực sự có động lực tham gia hình thành ý tưởng, xác định đặc điểm sản phẩm để xây dựng nên một bản đăng ký chỉ dẫn địa lý có tính đại diện cao nhất, đặc thù nhất.

Do đó, vẫn còn rất ít DN quan tâm sử dụng chỉ dẫn địa lý như một lợi thế nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm. Thậm chí, nhiều người sản xuất còn nghĩ đây là sở hữu trí tuệ của… chính quyền, nên các tổ chức, cá nhân không được phép sử dụng!!! “Bởi vậy, người ‘đứng đơn’ xin đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý nên là các hội nghề nghiệp”, TS. Delphine khuyến nghị.

Sự thờ ơ ấy cũng cho thấy thực tế đáng buồn là một số sản phẩm Việt Nam dù đã có chỉ dẫn địa lý nhưng giá cả vẫn “èo uột” - tiêu Quảng Trị có thể là một ví dụ cụ thể.

Nhìn sang Campuchia, nơi chỉ có 2 sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, thì một trong hai mặt hàng ấy là hạt tiêu Kampot đang được bán với giá 425 USD/kg. Trong khi hạt tiêu Việt Nam với điều kiện thổ nhưỡng và tập tính sản xuất không khác mấy chỉ được bán ra với giá khoảng 7 USD/kg.

Theo ông Trần Anh Tuấn, chuyên gia phát triển thị trường từ Công ty Tư vấn The Pathfinder, sở dĩ Campuchia làm được điều này là nhờ đã tập trung toàn lực để quảng bá cho chỉ dẫn địa lý đó.

Tương tự, tại Thái Lan, tất cả các sản phẩm có chỉ dẫn địa lý đều được bố trí ở những vị trí đẹp nhất của Central Group - chuỗi siêu thị hàng đầu tại “xứ sở chùa vàng”.

Như vậy, đăng ký bảo hộ được chỉ dẫn địa lý là một lẽ, có bảo vệ và phát huy được hiệu quả của loại sở hữu trí tuệ ấy hay không lại là một lẽ khác. Bởi đây không đơn giản là việc của riêng các chính quyền địa phương, mà phải là của tất cả các hội nghề nghiệp, các nhà sản xuất, nhà chế biến và những người làm thương mại có liên quan.

Tin cùng chuyên mục

Thép là mặt hàng có tần suất bị điều tra phòng vệ thương mại lớn nhất. (Ảnh minh họa: MOIT)

Gia tăng hiệu quả ứng phó với điều tra phòng vệ thương mại

(PLVN) - Số lượng các vụ kiện phòng vệ thương mại (PVTM) ở các thị trường lớn đang gia tăng, sẽ tác động rất lớn đến kim ngạch xuất khẩu. Do đó, Bộ Công Thương tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp PVTM để ứng phó với các vụ việc do nước ngoài điều tra và áp dụng đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam.

Đọc thêm

FTA Index: Công cụ giúp Bắc Giang khai phá thị trường tiềm năng và sản phẩm xuất khẩu

Lĩnh vực công nghiệp điện tử tại Bắc Giang rất phát triển.
(PLVN) - Đối với Bắc Giang (BG), FTA Index có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng thương mại và đầu tư. Việc áp dụng các chỉ số FTA Index giúp Bắc Giang hiểu rõ hơn về các cơ hội và thách thức trong việc tận dụng các FTA, từ đó có thể đưa ra các chiến lược phù hợp để phát triển kinh tế, gia tăng xuất khẩu và thu hút đầu tư.

Dự báo lãi suất xu hướng tăng đến cuối năm

Dự báo ngân hàng sẽ “hút” mạnh tiền gửi dịp cuối năm. (Ảnh: TBNH)
(PLVN) -  Với việc các ngân hàng đang đồng loạt tăng lãi suất, lượng tiền gửi vào các ngân hàng cũng tăng đều theo từng tháng, các chuyên gia dự báo trong giai đoạn này, xu hướng dòng tiền đã quay trở lại sản xuất.

Hiện thực hóa chủ trương phát triển công nghiệp bán dẫn

Ảnh minh hoạ.
(PLVN) - Phát triển lĩnh vực bán dẫn là đột phá chiến lược và cũng là nhiệm vụ trọng tâm, là việc cần làm, phải làm và quyết tâm làm bằng được. Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khi giao nhiệm vụ chung và các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể với các Bộ, ngành, địa phương, tại Phiên họp lần thứ nhất vừa diễn ra của Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.

Ngành Hải quan phải hướng tới mục tiêu kép

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng phát biểu chỉ đạo Hội nghị. (Ảnh: H.P)
(PLVN) - Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng, trong thời gian tới, ngành Hải quan phải nỗ lực giải quyết thách thức, vừa đơn giản hóa thủ tục, vừa tăng cường phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại để hướng tới mục tiêu kép: tạo thuận lợi thương mại tối đa vừa đảm bảo an ninh quốc gia vừa chống thất thu ngân sách cao nhất.

Triển khai FTA Index giúp Bắc Giang định vị vị thế trong Hội nhập kinh tế Quốc tế

Ảnh minh họa
(PLVN) -  Khi triển khai FTA Index, Bắc Giang sẽ có cơ hội "định vị" rõ ràng vị thế của mình trên bản đồ hội nhập kinh tế quốc tế của cả nước. Điều này không chỉ thúc đẩy các giải pháp về truyền thông và xúc tiến đầu tư mà còn cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, giúp tận dụng tối đa các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) để thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Đồng thời, mở ra cơ hội lựa chọn những nhà đầu tư quốc tế phù hợp, góp phần vào mục tiêu phát triển bền vững của tỉnh.

Giới chức Vương quốc Anh kỳ vọng gì sau khi gia nhập CPTPP?

Quang cảnh hội nghị nhóm các nước trong khối CPTPP tại thành phố Vancouver, Canada vào tháng trước. Ảnh: DW.
(PLVN) - Anh trở thành quốc gia châu Âu đầu tiên chính thức tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương ( CPTPP ) vào hôm nay, 15/12. Một số quan chức Anh đã bày tỏ nhiều kỳ vọng vào hợp tác tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới.

Viettel phát triển hạ tầng logistics tại Lạng Sơn: Góp phần giải quyết ách tắc hàng hóa ở cửa khẩu phía Bắc

Những xe hàng đầu tiên vào Công viên Logistics Viettel.
(PLVN) - Khi Công viên logistics Viettel (ở cửa khẩu Đồng Đăng, Lạng Sơn) hoàn thành đầu tư các hạng mục và đi vào hoạt động, hứa hẹn sẽ mang lại hiệu quả tối ưu cho vận tải hàng hóa Việt Nam xuất khẩu, giải quyết tình trạng quá tải tại cửa khẩu, rút ngắn thời gian thông quan.

Tháo gỡ nhiều vướng mắc về thủ tục hải quan cho doanh nghiệp

Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: TD)
(PLVN) - Tại Hội nghị đối thoại về chính sách, thủ tục hành chính thuế và hải quan năm 2024 do Bộ Tài chính và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp tổ chức ngày 13/12 tại TP Hồ Chí Minh, nhiều vướng mắc về thủ tục hải quan của doanh nghiệp đã được đại diện Tổng cục Hải quan giải đáp thỏa đáng.