Thông tin được đưa ra tại cuộc họp bàn biện pháp kiềm chế tốc độ tăng giá giữa UBND TP Hà Nội với các sở - ngành của thành phố hôm 14/12. 9 biện pháp cấp bách đã được đề xuất cùng sự phân công rõ trách nhiệm, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan…
Mở hầu bao 400 tỷ
Thời gian qua Hà Nội đã đẩy mạnh các biện pháp kiểm chế lạm phát, đảm bảo cung cầu và các chương trình bình ổn giá. Thành phố đã thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại, khơi thông nguồn hàng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp (DN) và các hệ thống phân phối chuẩn bị nguồn hàng. Các hội chợ bán hàng được tổ chức.
Năm 2010, TP Hà Nội dự kiến tổng dự trữ hàng bình ổn giá gồm 6.400 tấn gạo, 2080 tấn thịt, 12.000 quả trứng, 800 tấn thủy sản, 1.200 tấn thực phẩm chế biến, 4000 tấn rau quả, 240.000 lít dầu ăn, 240 tấn đường. |
Đặc biệt, thành phố đã áp dụng mạnh biện pháp tài chính để bình ổn giá. Các DN kinh doanh thương mại được vay vốn lãi suất bằng không để dự trữ hàng hóa. Nếu như năm 2007, tổng số tiền cho vay bình ổn gía là 50 tỷ đồng, năm 2008 là 150 tỷ đồng, năm 2009 là 150 tỷ đồng thì năm 2010, con số này là 400 tỷ đồng. Theo UBND TP Hà Nội, biện pháp này đã vừa đảm bảo cung cấp đủ số lượng hàng, giá ổn định, và qua dự trữ hàng của DN, thành phố cũng kiểm soát và điều tiết được giá các mặt hàng thiết yếu, phát triển mạng lưới bán lẻ… Những năm trước, sau khi kết thúc đợt bình ổn giá, DN đã hoàn trả vốn vay đầy đủ và đúng tiến độ.
Báo cáo của UBND TP cũng cho biết, UBND đã chỉ đạo, tăng cường kiểm tra việc thực hiện niêm yết giá và bán hàng đúng giá, kiên quyết giải tỏa ác điểm trông giữ xe không phép, trái phép. Mặc dù thành phố đã ban hành Chỉ thị 23/CT-UBND về các biện pháp cấp bách kiềm chế tốc độ tăng giá, tuy nhiên, theo phản ánh của Sở Tài chính và Sở Công Thương, một số quận, huyện đã không có kế hoạch triển khai Chỉ thị 23 và cũng không có báo cáo về các sở chức năng.
Cần thêm nhiều mặt bằng
Một mặt khác, bên cạnh các biện pháp hỗ trợ DN, các sở, ngành cũng đề nghị cần yêu cầu DN cam kết và báo cáo hàng tháng về khối lượng hàng bán ra có tương ứng với số tiền bình ổn giá được vay hay không? Theo phản ánh của người tiêu dùng, số lượng điểm bán hàng còn quá ít so với địa bàn thành phố, khiến phần lớn người tiêu dùng không tiếp cận được.
Để chính sách bình ổn giá đến với nhiều người dân hơn nữa, nhiều DN đã đề xuất trước mắt cho sử dụng những địa điểm, mặt bằng đang chờ xây dựng, hoặc còn để trống làm điểm bán hàng bình ổn, có thể tạm giao hoặc cho đấu giá mặt bằng những địa điểm còn trống, hoặc giao cho các công ty thương mại của thành phố. Phó Chủ tịch UBND TP, ông Nguyễn Huy Tưởng, cho biết các ý kiến đề xuất đều có những điểm thuận và điểm khó khác nhau, UBND TP sẽ nghiên cứu để sớm có giải pháp mở rộng các điểm bán hàng bình ổn giá.
LINH LAN