Sự kiện chính trị - pháp lý quan trọng
Tại phiên họp, trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); kết quả lấy ý kiến nhân dân về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh cho biết, việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được thực hiện từ ngày 3/1/2023 đến ngày 15/3/2023. Chính phủ đã chỉ đạo tổ chức nhiều hoạt động để đẩy nhanh tiến độ và bảo đảm chất lượng lấy ý kiến như tổ chức các đoàn công tác kiểm tra, đôn đốc việc triển khai lấy ý kiến nhân dân, đồng thời tiếp nhận các ý kiến góp ý trực tiếp của các địa phương đại diện cho các vùng, miền có tính đặc thù.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường khẳng định, việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đã được triển khai nghiêm túc, đồng bộ, dân chủ, khoa học, công khai, minh bạch, chuyên sâu, bảo đảm thực chất và hiệu quả với nhiều hình thức đa dạng, phong phú đến tận cơ sở xã, phường, thị trấn, khu dân cư, tổ dân phố, huy động được hầu hết các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị, các giai tầng trong xã hội tham gia, thu hút được sự quan tâm đông đảo của các tầng lớp nhân dân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, thực sự trở thành cuộc sinh hoạt chính trị sâu rộng, sự kiện chính trị - pháp lý quan trọng. Các ý kiến tham gia của nhân dân đều thể hiện sự quan tâm sâu sắc, tâm huyết, trách nhiệm.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh. |
Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, tiếp thu ý kiến góp ý của nhân dân, một số chương, mục, điều đã được chỉnh sửa, thay đổi cơ bản về cấu trúc và nội dung. Dự thảo Luật sau khi hoàn thiện có bố cục gồm 16 chương, 263 điều, trong đó tăng 5 mục (mục 3 Chương IV, mục 1 Chương VII; mục 1, 2, 3 chương XVI), bổ sung mới 40 điều, bỏ 13 điều so với dự thảo lấy ý kiến nhân dân.
Báo cáo thẩm tra dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh, Ủy ban đánh giá cao Chính phủ đã chỉ đạo cơ quan soạn thảo và các bộ, ngành khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu nhiều ý kiến của nhân dân, ý kiến đại biểu Quốc hội và ý kiến các cơ quan của Quốc hội để chỉnh lý dự thảo Luật có bước tiến quan trọng về chất lượng; các tài liệu trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 được chuẩn bị nghiêm túc, công phu, nhiều nội dung đã được tiếp thu, giải trình.
Để đạt được sự đồng thuận, thống nhất cao nhất khi thông qua dự thảo Luật, Ủy ban Kinh tế đề nghị chỉ cụ thể hóa tại Luật những nội dung đã chín, đã đủ rõ. Đối với những nội dung cần tiếp tục nghiên cứu, điều kiện thực tiễn chưa cho phép quy định ngay tại Luật để trình Quốc hội thông qua, đề nghị Chính phủ phối hợp báo cáo cấp có thẩm quyền trong quá trình hoàn thiện dự thảo Luật.
Bảo đảm thực chất trong lấy ý kiến người dân
Thảo luận tại tổ về dự án Luật, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ góp ý tập trung về một số nội dung liên quan đến quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
Theo Chủ tịch Quốc hội, việc lấy ý kiến người dân về dự thảo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh cần phải được quy định để bảo đảm thực hiện thực chất, tránh chuyện hình thức, lấy cho có. Hiện dự thảo Luật không nói rõ bao nhiêu % đồng thuận là được, nếu người dân không đồng thuận 100% thì đạt tỷ lệ nào đó sẽ là người dân đồng thuận; trường hợp nào xác định là đồng thuận, trường hợp nào không đồng thuận.
Thảo luận tại tổ 4 về dự án Luật Đất đai (sửa đổi). |
Nếu người dân không đồng thuận thì cơ quan có thẩm quyền có xem xét, sửa đổi nội dung quy hoạch, kế hoạch không; sửa đổi toàn bộ hay một phần; trong trường hợp bảo lưu thì trách nhiệm giải trình thế nào, chế tài với người có thẩm quyền nhưng không thực hiện trách nhiệm giải trình đó… Nếu không quy định, việc lấy ý kiến sẽ là hình thức. Tương tự như việc cải tạo chung cư cũ, rất khó để đạt đồng thuận hoàn toàn nên phải quy định rõ đạt bao nhiêu % là đồng thuận.
Bên cạnh đó, vấn đề rà soát quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất không quy định kỹ thì rất khó làm, khó vận hành bởi việc rà soát tiến hành theo nhu cầu thực tiễn. Trong đó, nhà đầu tư sợ nhất là kế hoạch sử dụng đất nông nghiệp, rủi ro nhất trong đầu tư nông nghiệp là quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Do vậy, cần phải quy định chi tiết, chặt chẽ các điều kiện, trình tự, thủ tục, thẩm quyền, giám sát, chế tài xử lý vi phạm trong trường hợp lợi dụng để điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo lợi ích nhóm, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất.
Đồng thời bổ sung quy định nguyên tắc của việc rà soát, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để bảo đảm tương thích với nội dung nguyên tắc quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trong dự thảo Luật; quy định các tiêu chí cơ bản để thực hiện rà soát, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nhằm hạn chế việc thay đổi, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; bổ sung chế tài đối với tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong rà soát, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, bảo đảm tính răn đe, hạn chế vi phạm có thể xảy ra.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, Đại biểu Quốc hội Đoàn Kon Tum mong muốn nhấn mạnh thêm sự cần thiết trong Tờ trình dự án Luật để chúng ta hiểu và nâng cao nhận thức trong vấn đề sử dụng đất đai như là động lực và nguồn lực cho văn hóa.
Góp ý cụ thể tại Điều 10 dự thảo Luật Đất đai, khi phân loại về đất đai có đề cập đến đất dành cho văn hóa, thể thao nhưng không được cụ thể hóa khi chúng ta phân loại nhận diện đất. “Tôi mong cơ quan soạn thảo cố gắng đưa vào những nội dung các Luật khác trong thực tiễn đã vận hành, sẵn có từ trước”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nêu.
Ngoài ra, để huy động nguồn lực cho phát triển văn hóa, thể thao thì ngoài nguồn lực đầu tư công của Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, còn cần huy động được nguồn lực xã hội. Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, muốn huy động được nguồn lực xã hội thì phải tháo gỡ trong vấn đề đất đai, Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư cũng như hợp tác công tư. “Với tinh thần đó, chúng tôi đề nghị xem xét có thể đưa một số nội dung trong vấn đề đất đai tạo cơ sở thu hút đầu tư trong lĩnh vực này, nếu không rất khó để các nhà đầu tư thực hiện”, Bộ trưởng Hùng đề nghị.