Thống kê của Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) cho thấy, từ đầu năm 2021 đến nay, không có doanh nghiệp nào được cấp mới giấy chứng nhận, không có doanh nghiệp nào chấm dứt hoạt động hay bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp.
Hiện trên cả nước chỉ có 22 doanh nghiệp hoạt động bán hàng đa cấp hợp pháp, trong khi đó số liệu này ở thời điểm năm 2014 và 2015 là 67 doanh nghiệp. Như vậy, trong vòng 5 năm qua, số lượng doanh nghiệp kinh doanh đa cấp bị tước giấy phép và tạm dừng hoạt động khá cao, chiếm đến hơn 30%.
Theo thống kê, tổng doanh thu bán hàng đa cấp năm 2020 của các doanh nghiệp đạt khoảng 15.538 tỷ đồng, tăng hơn 2.863 tỷ đồng (tăng 22.8%) so với năm 2019. Trong 6 tháng đầu năm 2021, tổng doanh thu bán hàng đa cấp đạt khoảng 9.300 tỷ đồng, tăng 37% so với cùng kỳ năm 2020.
Trong đó, doanh thu bán hàng đa cấp chủ yếu đến từ thực phẩm chức năng (trên 80%), và mỹ phẩm (khoảng 15%). Doanh thu từ đồ gia dụng, quần áo thời trang, thiết bị và mặt hàng khác chiếm khoảng 4,44%.
Số liệu báo cáo của các doanh nghiệp cho thấy, tổng số lượng người tham gia bán hàng đa cấp năm 2020 là 832.385 người (giảm 25% so với cuối năm 2019), được chi trả khoảng 5.009 tỷ đồng tiền hoa hồng.
Nhưng đến hết tháng 6 năm 2021, số lượng người tham gia bán hàng đa cấp còn lại là 761.502 người với tổng số tiền hoa hồng được chi trả khoảng 3.172 tỷ đồng, chiếm khoảng 37,53% tổng doanh thu bán hàng đa cấp (doanh thu chưa bao gồm VAT).
Theo số liệu báo cáo của 22 doanh nghiệp, tổng số thuế đã nộp về ngân sách nhà nước trong năm 2020 đạt hơn 1.837 tỷ đồng, trong 6 tháng đầu năm 2021 là hơn 1.338 tỷ đồng.