Diễn ra trong 12 ngày (từ 24/9- 8/10) tại Ninh Bình, cuộc thi “Nghệ thuật sân khấu Chèo chuyên nghiệp toàn quốc 2016” không chỉ là nơi gặp gỡ, giao lưu giữa những người làm nghề, là dịp để khán giả yêu chèo được dịp thưởng thức những tác phẩm chèo xuất sắc nhất trong 3 năm qua mà còn qua đó nhân lên tình yêu của nghệ sĩ, khán giả với sân khấu truyền thống.
Vùng đất kinh đô Hoa Lư, Ninh Bình từ thời nhà Đinh xưa đã là quê hương của nghệ thuật sân khấu Chèo, hiện nơi đây vẫn là một trong những cái nôi Chèo ở Việt Nam. Trên địa bàn Ninh Bình ngày nay đã hình thành và phát triển rất nhiều các chiếu Chèo, câu lạc bộ Chèo tiêu biểu như ở các vùng quê Yên Khánh, Yên Mô, Kim Sơn, Hoa Lư và thành phố Ninh Bình. Khi biết, cuộc thi “Nghệ thuật sân khấu Chèo chuyên nghiệp toàn quốc 2016” được tổ chức ở Ninh Bình, người dân nơi đây đã vô cùng háo hức.
Đi gần hết chặng đường, nhưng tất cả các buổi biểu diễn đều chật kín khán giả. Không còn một chỗ trống nên khán giả yêu chèo còn tận dụng cả lối đi, miễn sao có một chỗ ngồi để thưởng thức những vở chèo đặc sắc.
Rạp Nhà hát Chèo Ninh Bình luôn tấp nập, nhộn nhịp như vậy. Có những cụ già 80 tuổi vẫn lặn lội từ Kim Sơn, Tam Điệp, Hoa Lư về thành phố Ninh Bình để xem. Cụ Phan Văn Tần, 82 tuổi, ở Phố Trì Chính, Huyện Kim Sơn cho biết: “Từ khi cuộc thi “Nghệ thuật sân khấu Chèo chuyên nghiệp toàn quốc 2016” được tổ chức ở Ninh Bình, tôi cùng những người thân đều cố gắng tranh thủ, thu xếp công việc để đi xem. Thật hay khi chúng tôi được xem những vở diễn trực tiếp. Tuy xa trung tâm, nhưng tôi vẫn nhờ con cháu chở đi từ sớm. Phải đến sớm thì mới còn chỗ. 8 giờ tối diễn nhưng tôi đã có mặt ở đây từ 6 giờ”.
Đó cũng là tâm trạng chung của những người yêu chèo nơi đây. Rạp không đủ chỗ, khán giả tràn ra sân phía trước tiền sảnh để xem trên màn hình led. Nhưng ai cũng phấn khởi vì được xem chèo thật đã.
Cuộc thi “Nghệ thuật sân khấu Chèo chuyên nghiệp toàn quốc” là hoạt động 3 năm một lần do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức với mục tiêu tạo điều kiện để các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp mang đến cho khán giả và đồng nghiệp những vở diễn hay được dàn dựng trong thời gian vừa qua. Tác phẩm tham dự cuộc thi có thời lượng từ 90 đến 150 phút. Trong thời gian ấy, khán giả ngồi xem nghiêm túc cho đến những phút cuối. Thi thoảng, những tràng pháo tay lại rộ lên khi có những khúc ca hay, ngân dài.
Phải nói rằng, khán giả Ninh Bình quá tuyệt vời và có một niềm yêu nghệ thuật truyền thống mãnh liệt. Chính khán giả đã tiếp thêm sức mạnh để các đoàn nghệ thuật trên cả nước diễn nồng thắm trên sân khấu./.