Đêm 11- 12, tôi có buổi đi xem lại vở chèo cổ “Lưu Bình, Dương Lễ” tại rạp Tân Việt trên đường Hai Bà Trưng- nơi mà KTS Bão Vũ khi thiết kế mặt tiền rạp nổi bật hình ảnh cái quạt chèo. Dưới cái lạnh 9 độC, các hàng ghế chỉ chừng 20 người xem, các diễn viên vẫn diễn như những buổi có hàng trăm khán giả. Điều đó khiến tôi trân trọng, khiến tôi chăm chú theo dõi vở chèo từ đầu đến cuối, để thấm thía câu các cụ ta đã nói thật chí lý: Thầy già con hát trẻ!
Thế hệ diễn viên thứ nhất Đoàn chèo Hải Phòng diễn vở Tấm Cám. Ảnh: TL |
Quả thật, công cuộc xã hội hóa hoạt động biểu diễn là điều kiện tốt nhất cho các nghệ sĩ, diễn viên thể hiện năng lực của mình. Chỉ khác là trong khi “ các ngôi sao” ca nhạc nhanh chóng hốt bạc, quá trình “ tiếp cận thị trường kiếm sống” của các diễn viên chèo lại luôn gắn với các sự kiện phục vụ nhiệm vụ chính trị. Họ không thể đi bốt cao, nhuộm tóc xanh đỏ khi diễn Thị Kính,Thị Màu. Xem thế, cốt cách nghệ thuật chèo là bất biến, mặc thời đại cạnh tranh và quảng cáo lên ngôi.
Công đầu của cuộc chuyển giao nghệ thuật chèo đầu tiên phải là các tác giả và đạo diễn.Theo đó, thật quý biết bao khi Chèo Hải Phòng có được những “kho báu chất xám” như Phan Tất Quang, Hàn Thế Du, Chu Văn Thức cùng nhiều tên tuổi khác tâm huyết với việc chỉnh lý, dàn dựng những vở chèo cổ, những vở chèo đề tài lịch sử, hiện đại để tạo ra sự dày dạn cho dàn kịch mục của chèo đất Cảng. Nhưng quan trọng nữa còn là sự kế tiếp trong nghệ thuật diễn xuất của 5 thế hệ diễn viên. Một vở Tấm Cám, nhưng đoàn có tới 4 mụ Cám của Kim Quy, Đỗ Lược, Lệ Thanh, Thanh Mai…Súy Vân thì có Súy Vân của Thúy Chinh, của Hồng Minh. Ở những vai hề chèo, thế hệ thứ nhất có Văn Phiếm nổi tiếng với hề Thìn (Tấm Cám), Cả Sứt (Súy Vân giả dại) thì Hồng Minh thế hệ thứ hai cũng không kém khi diễn hề Thìn, hề Thập (Súy Vân), thế hệ thứ ba có Đức Sìn,Trường Thành ấn tượng với hề Cả Sứt, anh hề chèo và bây giờ là Đức Kiên- diễn viên thế hệ thứ 5 sớm bộc lộ sở trường hề chèo và làm hài lòng bậc cha chú khi diễn vai thầy bói.. Gần đây nhất từ thế hệ thứ ba trở đi đã không mấy khó khăn khi tìm diễn viên thể hiện hình tượng danh nhân văn hóa Nguyễn Bỉnh Khiêm và các nhân vật liên quan trong vở dài, vở ngắn hoặc hoạt cảnh. Sau Nguyễn Bỉnh Khiêm của Văn Bình, bà Trạng của Ánh Hào, Thái phi của Hồng Minh…là Trạng Trình của Hoàng Bình, Văn Mởn, là bà Minh Nguyệt của Hương Huế. Riêng hai vở chèo cổ “ Quan Âm Thị Kính” và “Lưu Bình, Dương Lễ” ( Phan Tất Quang chỉnh lý và dàn dựng cùng năm 1957) sân khấu chèo có nàng Thị Kính của diễn viên Hoàng Lan và có tới hai nàng Châu Long ( do Hoàng Lan và Kim Quy cùng đảm nhận). Nghệ sĩ Xuân Phiếm diễn vai Lưu Bình trong vở này. Bẵng đi một thời gian dài, đến năm 2010, với sự cộng tác của nhà viết chèo Hàn Thế Du và đạo diễn NSND Chu Văn Thức, Chèo Hải Phòng dựng lại “Lưu Bình, Dương Lễ”. Các vai chính lại thuộc về những diễn viên thế hệ thứ 4, thứ 5 thuộc hàng con cháu của các thế hệ thứ nhất. Họ đã vụt sáng với các phần thưởng tại Hội diễn san khấu chèo toàn quốc tại Quảng Ninh năm 2001. Đó là tấm huy chương vàng vai diễn Lưu Bình của Hoàng Bình, huy chương bạc vai Châu Long của Hương Huế. Những vai chính, vai phụ khác ở những vở chèo dựng lần đầu hoặc dựng lại thể hiện rõ sự đồng đều về dàn diễn viên kế cận. Và đó là vốn quý của Chèo Hải Phòng.
“Thầy già, con hát trẻ!” Những nghệ sĩ lớp trước có người là NSND, NSƯT. Khi biết khó sáng hơn, họ chọn một điểm dừng thích hợp để tỏa sáng với nghiệp chèo ở một góc khác. Có người , hoặc trợ giảng cho khoa sân khấu Trường trung cấp Văn hóa-nghệ thuật, hoặc xuống cơ sở truyền nghề sáng tác và múa hát chèo, hoặc làm biên đạo múa chính của đoàn….Nghệ thuật trong cơ chế thị trường khiến “đường chèo có lúc chông chênh”. Nhưng trong dòng kế cận ấy, mừng là họ vẫn có được sự đan xen giữa các thế hệ diễn viên, vẫn giữ được vốn chèo, vẫn cố gắng không để mất chèo. Thách thức là sự cạnh tranh, là sự xuất hiện ở các trích đoạn mẫu mực, ở những vở chèo hoành tráng. Những người nghệ sĩ tâm niệm: Hãy biết cháy lên và sáng hết mình.
Anh Thơ