Chuyên đề Doanh nhân & Pháp luật thuộc báo Pháp Luật Việt Nam ngày 5/8 tổ chức buổi tọa đàm "Quản lý cạnh tranh bằng mạng và diễn đàn" tại TP HCM, với sự tham gia của đại diện Bộ Tư pháp, Bộ Thông tin – Truyền thông, cùng nhiều luật sư, giảng viên trường Đại học luật TPHCM, doanh nghiệp và nhà báo.
Buổi tọa đàm được Doanh nhân & Pháp luật tổ chức xuất phát từ thực trạng bức xúc của nhiều doanh nghiệp khi bị đối thủ cạnh tranh lợi dụng các diễn đàn trên mạng để nói xấu theo kiểu “ném đá giấu tay”.
Doanh nghiệp giảm doanh số 35% vì bị nói xấu trên mạng
Tham gia cuộc Tọa đàm với tư cách một doanh nghiệp nạn nhân, ông Phạm Trường Sơn, Phó Tổng giám đốc Cty Cơ khí Ô tô Phạm Gia đã bộc bạch những bức xúc của doanh nghiệp mình với cử tọa.
Đại diện các cơ quan chức năng va 2các luật sư tham gia tại buổi Tọa đàm Quản lý cạnh tranh bằng mạng và diễn đàn sáng 5-8 |
Công ty Cơ khí ô tô phạm gia là một doanh nghiệp tầm cỡ chuyên kinh doanh dịch vụ bảo dưỡng, sửa chữa và buôn bán xe hơi, nhưng bốn năm liền bị diễn dàn otosaigon.com là một trang web thuộc Cty Ô tô Xuyên Việt nói xấu về chất lượng và dịch vụ, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thương hiệu, hình ảnh, uy tín, tinh thần làm việc của nhân viên, đe doạ đến công ăn việc làm và cuộc sống của gần 200 nhân viên của Cty Ô tô Phạm Gia. Điều nghiêm trọng là Cty Cổ phần ô tô Xuyên Việt chưa được cấp phép cung cấp dịch vụ mạng xã hội trực tuyến vẫn mở diễn đàn thu hút đến 60.000 thành viên.
Sau 4 năm chịu đựng, với sự tư vấn của LS Cổ Hiệp, Công ty Phạm Gia đã tiến hành tố cáo Công ty Ô tô Xuyên Việt đến các cơ quan chức năng. Rốt cuộc ngày 23/5/2011 Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM có quyết định xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực Internet đối với Cty Ô tô Xuyên Việt với hình thức phạt tiền 20 triệu đồng.
Lý do: “Cty Ô tô Xuyên Việt đã có hành vi cung cấp dịch vụ mạng xã hội trực tuyến tại website www.otosaigon.com khi chưa có thông báo của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc xác nhận đã nhận hồ sơ đăng ký hợp lệ”.
Ngày 27/5/2011, Cty Ô tô Xuyên Việt cũng đã chính thức có văn bản gửi lời xin lỗi đến Cty Ô tô Phạm Gia và chấp nhận đăng lời xin lỗi lên diễn đàn otosaigon.com.
“Thế nhưng, họ dùng kỹ thuật công nghệ nén lời xin lỗi thành một file rất nặng nên rất khó tải xuống để xem nội dung lời xin lỗi đó. Công ty ôtô Xuyên Việt chủ quản diễn đàn otosaigon bị xử phạt 20 triệu đồng nhưng doanh số của doanh nghiệp chúng tôi đã bị thiệt hại rất lớn, cụ thể là giảm còn 35% sau khi bị diễn đàn otosaigon bêu xấu”, ông Phạm Trường Sơn tiết lộ.
Chế tài nhẹ, chấp nhận phạt để nổi tiếng
Theo ông Đào Kim Phú - trưởng đại diện phía Nam Cục Quản lý phát thanh truyền hình và thông tin điện tử Bộ Thông tin - Truyền thông thì việc lợi dụng các mạng xã hội, các blog và điễn đàn mở để nói xấu doanh nghiệp là một thực tế có thật và đang có chiều hướng gia tăng. Hiện cả nước có 49 báo điện tử và 645 trang thông tin điện tử tổng hợp được cấp phép. Ngoài ra còn có khá nhiều website tự lập, tùy tiện và chưa có sự quản lý.
Theo ông Phú, sắp tới sẽ tăng cường vai trò quản lý nhà nước để hoạt động thông tin điện tử lành mạnh hơn, kiểm soát những trang mạng đưa các thông tin vô bổ, vì mục đích vụ lợi cá nhân. Tuy nhiên, ông Phú cũng đồng ý rằng với mức phạt tối đa 100 triệu đồng cho một trường hợp nói xấu trên mạng vẫn chưa đủ sức răn đe. Do đó cần phải quy định thêm mức chế tài bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động Internet hoặc rút tên miền đã cấp phép đối với những vi phạm nghiêm trọng, thiệt hại lớn đến doanh nghiệp khác.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Luật sư Cổ Hiệp, Luật sư Trần Thanh Tùng (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng với tốc độ phát triển các trang mạng cá nhân, diễn đàn trên mạng như vũ bão hiện nay, ranh giới của việc nói xấu trên mạng, xâm phạm đời tư cá nhân người khác, xâm phạm doanh nghiệp khác hiện nay rất dễ bị lạm dụng.
Cái khó là những kẻ lợi dụng diễn đàn để nói xấu đều ẩn danh. Còn mức phạt đối với chủ sở hữu các diễn đàn mạng theo quy định của pháp luật Việt Nam thì chỉ như “gãi ngứa”. “Các website có mở diễn đàn họ coi website của mình như tờ báo điện tử. Họ cũng thu phí đăng quảng cáo trên đó. Và mục tiêu của họ là làm thế nào để người truy cập càng nhiều để hút quảng cáo. Với mức chế tài nhẹ hều, họ chấp nhận phạt để được nổi tiếng”- LS Cổ Hiệp nói.
Luật sư Hậu cho biết thêm ở Hàn Quốc, số tiền xử phạt những trang mạng nói xấu trong một năm đến 350 triệu USD, ở Mỹ thu về cho chính phủ 3 tỉ USD. Còn ở Trung Quốc, nếu nói xấu nhau trên mạng gây thiệt hại cho cá nhân, doanh nghiệp thì bị phạt đến 1 triệu nhân dân tệ.
“Luật quy định doanh nghiệp bị thiệt hại do bị nói xấu trên mạng phải có nghĩa vụ chứng minh thiệt hại như hiện nay là rất khó khăn cho doanh nghiệp, vì những thiệt hại vô hình rất khó để chứng minh. Do đó nhiều doanh nghiệp bị canh tranh thiếu lành mạnh trên mạng cũng đang bối rối. Và có khi nếu chứng minh được thì "chưa được vạ, má đã sưng"- LS Trần Thanh Tùng chia sẻ.
Qua cuộc Tọa đàm, hầu hết các cử tọa tham gia đều cho rằng để hạn chế tình trạng lợi dụng các diễn đàn trên mạng để nói xấu cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp thì Nhà nước cần tăng biện pháp chế tài để đủ sức răn đe, kiên quyết rút tên miền các website có mở điễn đàn xâm phạm đến doanh nghiệp khác.
“Bao nhiêu công sức, tiền của xây dựng thương hiệu có thể trở thành vô nghĩa nếu bị nói xấu trên mạng. Vì vậy các doanh nghiệp phải tự bảo vệ mình và nhờ luật sư hỗ trợ trước vấn nạn này”- Ths Trịnh Anh Nguyên, giảng viên trường ĐH Luật TP HCM, nói.
Đăng Bình