Nhiều hậu quả do vụ cháy ở Hồng Lĩnh không thể nào tính được về vật chất, dẫu thời gian lùi về sau. Đó là thiệt hại về đa dạng sinh học, về thảm thực vật, về nguồn gen động, thực vật và môi trường.
Thường thảm họa do thiên nhiên gây ra rất khó lường trong môi trường biến đổi khí hậu. Nhưng oan nghiệt thay, “thảm họa cháy” Hồng Lĩnh lại do nhân tai. Công an địa phương đã tạm giữ hình sự nghi phạm gây ra vụ cháy rừng. Chắc chắn cơ quan điều tra sẽ khởi tố hình sự và đối tượng sẽ bị truy tố bởi hậu quả thảm khốc. Nhưng khung hình phạt, không và chưa bao giờ tương xứng với loại tội phạm này. Hậu quả cả xã hội phải gánh chịu.
Trước cơ quan Công an, can phạm khai chỉ là do bất cẩn khi đốt rác trong vườn. Lý do thật đơn giản. Chỉ một khinh suất, cả quê hương phải gánh chịu hậu quả. Vụ cháy rừng Hà Tĩnh cũng “phơi bày” ra tất cả hiện trạng về năng lực con người, thiết bị trong trường hợp thảm họa.
Lửa trước gió ngùn ngụt, địa hình rừng núi phức tạp… tuy nhiên, chúng ta chỉ có bấy nhiêu thứ: cao nhất là xe chữa cháy của lực lượng phòng cháy, chữa cháy. Còn lại, chủ yếu dựa vào kinh nghiệm dân gian và thủ công. Cháy trong môi trường, địa hình nào cũng như nhau. Tuy nhiên, dù giàu có, phương tiện dầy đủ và tối tân như Mỹ cũng không dễ khống chế cháy rừng như “ngày tận thế” ở miền Bắc bang California tháng 11 năm ngoái. Đám cháy chỉ được dập tắt khi có trời mưa.
Cái “phơi bày” đáng lo ngại nhất là nhận thức về pháp luật của chính quyền xã, phường những nơi có rừng và vùng đệm. Thử hỏi để trắc nghiệm xem dân các vùng này mấy ai biết về Luật Phòng cháy, chữa cháy và Luật Lâm nghiệp (trước đây gọi là Luật Bảo vệ và phát triển rừng)? Mấy ai biết về “Tội huỷ hoại rừng” được quy định, hướng dẫn tại Điều 243 Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 ngày 27/11/2015 và khung hình phạt cao nhất là 15 năm để họ sống có ý thức và trách nhiệm. Và nữa, trước hiện tượng thời tiết cực đoan như nắng nóng gay gắt, tiềm ẩn nguy cơ cháy, chính quyền nơi có rừng, vùng đệm của rừng có động thái gì cảnh báo, tuyên truyền, nhắc nhở người dân không?
Chắc chắn là không có đâu.
Cơ quan lập pháp đã có nhiều cố gắng trong việc ban hành hệ thống văn bản luật pháp để điều chỉnh các quan hệ xã hội, quản lý đất nước. Tuy nhiên, thực trạng “mù luật” chưa mấy ai quan tâm. Luật chưa đi vào cuộc sống và “mù luật” đang là thực tế kép của truyền thông, của thực thi pháp luật.
Cháy rừng ở Hồng Lĩnh có giá trị “thức tỉnh” cả “hệ thống chính trị”. Nhưng cái giá, thực sự đắt!