Vụ hỏa hoạn bắt đầu từ chiều 8/7 tại tầng trệt của nhà máy Hashem Foods Ltd. ở quận Narayanganj, thủ đô Dhaka của Bangladesh. Vụ cháy trở nên dữ dội và khó kiểm soát hơn bởi những hóa chất và chất dễ cháy như poluthene và bơ làm sạch trong nhà máy.
Theo Hãng thông tấn nhà nước Bangladesh Sangbad Sangstha, đã có 3 người chết khi nhảy khỏi mái của nhà máy sau khi bị bỏng bởi đám cháy. Các thi thể đã được phát hiện hầu như đều không thể nhận dạng danh tính được.
Lực lượng cứu hỏa dập tắt đám cháy và tìm kiếm nạn nhân vào ngày 9/7 (Ảnh: CNN) |
Ông Abdul Al Arifin - Phó giám đốc cơ quan cứu hỏa và dân phòng quận Narayanganj - cho biết, mỗi tầng của tòa nhà rộng khoảng 3.250 mét vuông nhưng chỉ có 2 cầu thang bộ có thể sử dụng, do vậy nhiều công nhân không thể thoát ra ngoài do ngọn lửa đã lan đến cầu thang, còn lối đi từ cầu thang lên mái nhà thì đã bị khóa.
Đám cháy đã được kiểm soát vào chiều ngày 9/7. Cho tới thời điểm hiện tại đã có 25 người được cứu ra khỏi tòa nhà, ít nhất 50 người tử vong trong vụ cháy. Hầu hết nạn nhân và công nhân và nhân viên của nhà máy này.
Bên cạnh đó, thân nhân của các công nhân đang bị mất tích cũng đang tổ chức các cuộc biểu tình xung quanh khuôn viên nhà máy.
Lực lượng cứu hỏa tìm kiếm các nạn nhân của vụ hỏa hoạn (Ảnh: CNN) |
Chính quyền quận Narayanganj đã thành lập một ủy ban điều tra gồm 5 thành viên để xem xét vụ việc.
Vào năm 2013, hơn 1.000 người đã thiệt mạng khi toàn bộ một nhà máy may mặc bị sập ở thủ đô của Bangladesh. Vụ việc này đã khiến các tiêu chuẩn an toàn lao động của các công nhân nhà máy trở thành tâm điểm chú ý của dư luận. Gần 200 thương hiệu và hơn 1.600 nhà máy đã ký thỏa thuận thúc đẩy môi trường làm việc an toàn cho người lao động sau sự cố này.
Tuy nhiên, hỏa hoạn và tai nạn vẫn có thể xảy ra ở các nhà máy tại khu vực Nam Á do vẫn còn tồn tại nhiều nhà máy hoạt động bất hợp pháp và không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn về cháy nổ và xây dựng.