Mang dao đi đòi nợ
Hồ sơ vụ án thể hiện, khoảng 17h ngày 31/1/2022, Trần Quốc Cường (SN 1986, ngụ xã Trí Bình, huyện Châu Thành, Tây Ninh) mang dao tự chế đến nhà ông Lê Văn Đức (SN 1977, cùng xã) đòi nợ. Khi gặp nhau, giữa Cường và ông Đức có cự cãi, lúc này Lê Hoàng Long (là cháu ông Đức, ở nhà đối diện) can ngăn và lấy điện thoại quay phim hành vi của Cường. Cường bỏ về, trước khi về còn đe dọa 19h sẽ quay lại đòi. Sau đó, Long và vợ đến nhà Trần Văn Sinh ăn tất niên, trong lúc ăn, Long có kể lại sự việc và đưa đoạn video cho mọi người xem.
Đến 19h cùng ngày, Cường đi xe máy chở Đỗ Thành Thọ (SN 1990, cùng xã) đến nhà ông Đức đòi nợ, mỗi người mang một con dao tự chế. Đến nơi, Cường để xe máy ở ngoài rồi cầm dao đi vào nhưng ông Đức không có nhà. Trong lúc gây chuyện và cự cãi với anh Trung (cháu ông Đức), Cường dùng sống dao đánh vào lưng Trung hai cái rồi bỏ đi.
Khi Cường đi ra thì gặp Lê Hoàng Long cầm cây dao phát cỏ; Trần Văn Sinh cầm rựa phát cỏ; Trần Văn Vàng (em ruột Sinh) cầm một cây gậy sắt chạy ra trước sân nhà ông Đức. Long rút chìa khóa xe máy của Cường và cầm cây cần cỏ đánh Cường. Cường cầm dao chém lại. Thấy vậy, Sinh, Vàng cùng lao ra tham gia hỗn chiến với nhóm Cường, Thọ.
Hậu quả vụ ẩu đả khiến cả Thọ, Cường và Long đều bị thương. Theo Kết luận giám định pháp y, tỉ lệ thương tật của Đỗ Thành Thọ là 44%; Lê Hoàng Long là 8%; Trần Quốc Cường 6%.
Với hành vi như trên, Lê Hoàng Long, Trần Văn Sinh, Trần Văn Vàng bị bắt tạm giam, sau đó bị khởi tố, truy tố về tội “Cố ý gây thương tích” theo Khoản 3 điểm c Điều 134 BLHS.
Tuy nhiên, điều đáng nói, đối với hành vi của Cường và Thọ mang dao tự chế đến nhà ông Đức đòi nợ, gây thương tích cho Long 8%, Cơ quan CSĐT Công an huyện Châu Thành tách ra để giải quyết trong vụ án khác.
Căn cứ tách vụ án không thuyết phục?
Cho rằng, quyết định tách hành vi của Cường, Thọ để giải quyết trong một vụ án khác là không thuyết phục, không đáp ứng các điều kiện quy định của Bộ Luật TTHS 2015, bị người nhà các bị cáo Long, Sinh, Vàng cùng các luật sư đã làm đơn kiến nghị.
Bởi lẽ, theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án thì từ khi xảy ra sự việc (ngày 31/01/2022) cho đến nay, trong các lần được Cơ quan tiến hành tố tụng triệu tập để làm việc, lấy lời khai, Trần Quốc Cường và Đỗ Thành Thọ đều có mặt theo giấy triệu tập; Cường và Thọ khai luôn có mặt thường trực tại địa phương.
Hồ sơ bệnh án có trong vụ án cũng thể hiện Cường, Thọ không mắc bệnh hiểm nghèo; hiện không bị áp dụng biện pháp bắt buộc khám chữa bệnh. Do đó, việc tiến hành xử lý các hành vi của Cường, Thọ hoàn toàn phù hợp luật định. Việc tách hành vi của Cường, Thọ để xử lý thành một vụ án khác như trên sẽ không kịp thời chỉ ra nguyên nhân và điều kiện phạm tội của 3 bị cáo Long, Sinh, Vàng.
Khoản 2 Điều 242 Bộ luật TTHS 2015 cũng quy định: “2. VKS quyết định tách vụ án khi thuộc một trong các trường hợp sau đây nếu xét thấy việc tách đó không ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan, toàn diện và đã có quyết định tạm đình chỉ vụ án đối với bị can:
a) Bị can bỏ trốn;
b) Bị can mắc bệnh hiểm nghèo;
c) Bị can bị áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh”
Theo Đơn trình bày, đối chiếu với các quy định trên, xét quá trình giải quyết vụ án thấy rằng, không có căn cứ để cơ quan tố tụng tách vụ án.