Châu Âu muốn 'độc lập tự chủ' an ninh và quốc phòng

Châu Âu muốn 'độc lập tự chủ' an ninh và quốc phòng
(PLO) -Liên minh châu Âu (EU) đã đạt nhiều tiến bộ trong hợp tác an ninh và quốc phòng với việc đạt được Thỏa thuận hợp tác cấu trúc thường trực về quốc phòng (PESCO) và thỏa thuận này sẽ được ký chính thức vào tháng 12-2017. 

Đây được đánh giá là một trang mới trong hợp tác quốc phòng châu Âu.

Thỏa thuận hợp tác cấu trúc thường trực về quốc phòng

Ngày 13-11, các Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng EU đã có buổi thảo luận chung về triển khai Chiến lược toàn diện của EU trong lĩnh vực an ninh và quốc phòng đồng thời cũng thông qua kết luận trong khuôn khổ chiến lược này.

Kết luận của Hội đồng đối ngoại nêu bật các tiến bộ đáng kể về tăng cường hợp tác trong lĩnh vực an ninh và quốc phòng. Hội đồng đối ngoại với sự có mặt của các Bộ trưởng cũng đã nhất trí về Quỹ bảo vệ châu Âu nhằm thúc đẩy sự đổi mới và cho phép các nền kinh tế đầu tư vào nghiên cứu và phát triển công nghiệp quốc phòng bằng cách hỗ trợ các dự án hợp tác, từ đó tăng cường khả năng cạnh tranh của ngành công nghiệp quốc phòng EU. Một hành động chuẩn bị cho nghiên cứu quốc phòng cũng đang được tiến hành và các nhà lập pháp châu Âu hiện đang đàm phán một đề xuất của Ủy ban để thành lập một quỹ phát triển công nghiệp quốc phòng châu Âu.

Hội đồng đã đưa ra các biện pháp thúc đẩy cơ chế đánh giá phối hợp hàng năm về phòng vệ (CARD), trong đó hướng tới mục tiêu thiết lập một quy trình để có được một tầm nhìn tổng quan hơn về kế hoạch chi tiêu quốc phòng. Cơ chế đánh giá sẽ giúp giải quyết tốt hơn các thiếu hụt về năng lực của châu Âu, tăng cường hợp tác quốc phòng và đảm bảo sử dụng tối ưu và sự liên kết của kế hoạch chi tiêu quốc phòng.

Một điểm đáng chú ý trong cuộc họp lần này là việc 23 nước thành viên EU đạt được PESCO. PESCO đặt mục tiêu thúc đẩy hợp tác quốc phòng trong EU và phát triển hệ thống vũ khí. Đại diện Cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại EU Federica Mogherini hoan nghênh thỏa thuận trên là "một trang mới trong hợp tác quốc phòng châu Âu". PESCO sẽ tập trung phát triển các thiết bị quân sự mới cho EU như xe tăng hay máy bay không người lái. Các nước tham gia cũng cam kết sẽ "thường xuyên tăng ngân sách quốc phòng", dành 20% chi tiêu quốc phòng để mua sắm trang thiết bị và 2% cho nghiên cứu và phát triển công nghệ. Thỏa thuận cũng bắt buộc các nước tham gia cung cấp "hỗ trợ thực chất" cho các sứ mệnh quân sự của EU. Các nước tham gia PESCO sẽ phải tiến hành đánh giá hàng năm để đảm bảo sự tuân thủ các cam kết trong PESCO nếu không sẽ phải rời khỏi thỏa thuận này.

Anh - nước đang trong quá trình đàm phán rời khỏi EU, cùng với Đan Mạch, Ireland, Bồ Đào Nha và Malta không ký tham gia và thỏa thuận PESCO. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Anh Boris Johnson cam kết sẽ hỗ trợ PESCO. Các nước thành viên EU lựa chọn không tham gia hiện nay có thể xin gia nhập PESCO sau nếu muốn.

Hội đồng đối ngoại cũng đưa ra các kết luận nhấn mạnh đến những hoạt động khác trong lĩnh vực an ninh và quốc phòng của EU, bao gồm cải thiện tính cơ động quân sự, ưu tiên quản lý khủng hoảng dân sự, đáp ứng các nhiệm vụ dân sự, nhận thức tình huống, tài trợ chung cho các nhiệm vụ và hoạt động của Chính sách an ninh và quốc phòng chung, nhất là bảo vệ an ninh mạng và tăng cường năng lực để hỗ trợ an ninh và phát triển.

Trước đó, ngày 7-6 vừa qua, Ủy ban châu Âu (EC) đã công bố dự án Quỹ quốc phòng châu Âu để tăng cường khả năng phòng thủ của châu lục. Quỹ quốc phòng châu Âu, với ngân sách ước tính khoảng 5,5 tỷ euro (6,2 tỷ USD) mỗi năm trong giai đoạn sau năm 2020, sẽ phối hợp các khoản đầu tư quốc gia của các nước thành viên EU đầu tư vào nghiên cứu và phát triển quốc phòng. 

Tự chủ về an ninh, quốc phòng

An ninh và quốc phòng là một trong những lĩnh vực ưu tiên cho công tác triển khai Chiến lược toàn cầu của EU, bao gồm xây dựng khả năng phục hồi và cách tiếp cận tổng hợp đối với xung đột và khủng hoảng, tăng cường mối liên kết giữa chính sách nội bộ và đối ngoại, cập nhật các chiến lược chuyên đề và tăng cường các nỗ lực ngoại giao. 

Chính vì thế, cách đây một năm, Hội đồng gồm các bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng EU đã thông qua các kết luận về triển khai Chiến lược toàn diện châu Âu trong lĩnh vực an ninh và quốc phòng. Những kết luận này đưa ra với những mục tiêu chính mà EU và các nước thành viên sẽ nhắm đến trong lĩnh vực an ninh và quốc phòng, đó là ứng phó với các xung đột và khủng hoảng bên ngoài, xây dựng năng lực của các đối tác, bảo vệ EU và công dân của mình.

Do vậy, với việc đạt được PESCO, các nhà phân tích cho rằng, đây có thể là bước nhảy vọt quan trọng của EU về chính sách quốc phòng trong vài thập kỷ tới với sức mạnh quân sự vượt trội hơn. Theo đó, chính phủ các nước EU sẽ cùng hợp tác và cam kết tài trợ cho các chiến dịch quân sự chung của EU và đầu tư vào khả năng phòng thủ của khối. Đồng thời, một trung tâm ứng phó với khủng hoảng và trung tâm chung đào tạo sĩ quan quân đội tại châu Âu sẽ được thành lập.

Trước đó, EU đã nhiều lần đề cập tới việc thắt chặt hợp tác quân đội song luôn vấp phải sự phản đối từ phía Anh do London không mong muốn xuất hiện một quân đội của châu Âu. Tuy nhiên trong cuộc trưng cầu ý dân được tổ chức tháng năm 2016, người dân Anh đã bỏ phiếu lựa chọn rời khỏi EU hay còn gọi là Brexit, trong khi chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump thường xuyên chỉ trích EU về vấn đề đóng góp ngân sách cho Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Chính vì vậy, châu Âu bày tỏ ý định muốn có quân đội riêng, không phụ thuộc vào NATO để giải quyết các vấn đề châu lục. Theo các bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng EU, việc có quân đội riêng sẽ thúc đẩy vai trò chiến lược toàn cầu của EU cũng như năng lực hoạt động độc lập khi cần thiết.

Bộ trưởng Quốc phòng Đức Ursula von der Leyen nêu rõ, sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016, EU đã nhận thức rõ rằng khối này sẽ phải tự giải quyết các vấn đề của mình và do đó việc cần phải tổ chức lại theo hướng độc lập đã trở nên cấp thiết.

Có thể khẳng định rằng, thỏa thuận hợp tác cấu trúc thường trực về quốc phòng sẽ hỗ trợ và phát triển khí tài quân sự chung của EU, thể hiện sự đoàn kết của khối trong bối cảnh nước Anh rời khỏi EU đồng thời thể hiện một EU đang dần tự chủ hơn trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng.

Đọc thêm

Nghề giáo bốn phương

Giải thưởng Nhà giáo Ghana 2024 là một trong những giải thưởng cao quý nhất để công nhận, tôn vinh những đóng góp của các giáo viên khắp cả nước này. (Ảnh: UNICEF)
(PLVN) - Giáo viên tại các quốc gia đang phát triển thường xuyên đối diện với nhiều thách thức lớn như nghèo đói, thiếu hụt nguồn lực, lớp học quá tải, điều kiện công nghệ hạn chế. Tuy nhiên, họ vẫn luôn kiên trì và tận tâm, không ngừng nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để mang lại tri thức và hy vọng cho từng học sinh, dù cho điều đó đôi khi vượt xa trách nhiệm công việc của họ.

Nghề độc đáo ở Nhật Bản: Ra sức 'nhồi nhét' khách lên tàu, mỗi năm thu nhập trên 800 triệu đồng

 Số lượng người dân đi tàu điện ngầm ở Nhật Bản lúc nào cũng quá tải. (Ảnh: Japan Insider)
(PLVN) - Nhật Bản vốn nổi tiếng là đất nước sử dụng tàu điện ngầm là phương tiện giao thông chính và quan trọng, phục vụ hàng triệu người mỗi ngày. Với hệ thống tàu điện hiện đại, hiệu quả và có mặt khắp các thành phố lớn, việc sử dụng tàu điện là cách tốt nhất để di chuyển trong và ngoài thành phố.

Úc cấm trẻ em dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội

Hình minh họa
(PLVN) - Chính phủ Úc vừa cam kết sẽ ban hành luật giới hạn độ tuổi sử dụng mạng xã hội là 16 tuổi, kèm theo hình phạt cho các nền tảng không tuân thủ. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ làm thế nào để các ông lớn công nghệ như Facebook, Instagram, TikTok... có thể thực thi hiệu quả quy định này.