Chất vấn, làm rõ việc quản lý, vận hành xả lũ thủy điện ở Nghệ An

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đệ trả lời chất vấn
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đệ trả lời chất vấn
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Công tác phòng, chống thiên tai, quy trình xả lũ cũng như vai trò của các công trình thủy điện, thủy lợi trong điều tiết cắt lũ là nội dung được đưa ra chất vấn tại Kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVIII.

Chiều 8/12, HĐND tỉnh Nghệ An đã diễn ra phiên chất vấn, trả lời chất vấn Kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026. Các đại biểu đã đặt nhiều dấu hỏi về sự minh bạch của hoạt động xả lũ của các nhà máy thuỷ điện trên địa bàn. Đặc biệt là việc thông báo thời gian xả lũ đã đúng với quy định, phù hợp với hoàn cảnh chưa.

Theo các đại biểu, trước kia mưa lớn thường xảy ra ngập lụt ở những vùng thấp trũng, xa sông, xa biển. Thế nhưng, những năm gần đây, mưa lớn lại xảy ra ngập lụt ở những vùng gần sông, gần biển, nhất là các địa phương đồng bằng, kể cả TP Vinh.

Báo cáo giải trình các nội dung đại biểu chất vấn, ông Nguyễn Văn Đệ - Phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết Nghệ An hiện có 1.061 hồ chứa thủy lợi và 22 hồ thủy điện. Trong số đó, có 7 công ty quản lý 101 hồ đập, còn lại 960 hồ đập được giao cho xã quản lý. Đến nay, hầu hết các hồ chứa thủy lợi chưa có thiết bị đo đạc, quan trắc, cảnh báo an toàn đập và xây dựng bản đồ ngập lụt; có 687 hồ chưa được nâng cấp, sửa chữa.

Giải thích việc ngập lụt vùng hạ du xảy ra trên diện rộng ngày càng nhiều, Phó Chủ tịch tỉnh Nghệ An cho biết có nhiều nguyên nhân như thời tiết ngày càng cực đoan, mưa lớn trong thời gian ngắn và quá trình xây dựng công trình, nhà cửa lấn chiếm, gây cản trở dòng chảy, bồi lấp ao hồ chứa nước... Theo ông Đệ, lũ lụt ở Nghệ An trong năm 2022 không do thủy điện xả lũ gây ra. Trong năm qua, thủy điện trên địa bàn tỉnh không phải xả cắt lũ.

Về vấn đề này, ông Phạm Văn Hóa - Giám đốc Sở Công thương thông tin, năm 2022, thủy điện lớn nhất Nghệ An là Bản Vẽ không xả lũ, không xin lệnh xả lũ. Thủy điện không có tác động gây lũ lụt mà có tác động tích lũ cho hạ du.

Trên địa bàn có 22 hồ chứa thủy điện đang tích nước phát điện. Có 2 hồ chứa là hồ điều tiết năm và nhiều năm (Hủa Na, Bản Vẽ), còn lại 20 hồ chứa là hồ vận hành theo chế độ điều tiết ngày đêm.

Về quy trình vận hành xả lũ và cảnh báo trước xả lũ được tuân thủ theo quy định và thông báo đến người dân trước 4 tiếng bằng văn bản, tin nhắn, loa truyền thanh...

Tại phiên chất vấn này, ông Thái Thanh Quý - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nghệ An cho biết, địa phương có 22 hồ thủy điện và hơn 1.000 hồ đập chứa nước thủy điện, thủy lợi, chiếm 15,3% của cả nước. Việc quản lý, vận hành hồ thủy lợi, thủy điện được cử tri và nhân dân rất quan tâm.

Bí thư tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quý kết luận phiên chất vấn

Bí thư tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quý kết luận phiên chất vấn

Công tác dự báo, phòng chống và khắc phục hậu quả thiên tai đã đạt được nhiều kết quả và có sự thống nhất cao trong công tác chỉ đạo, lãnh đạo để giảm thiệt hại. Tuy nhiên, còn nhiều vấn đề phải khắc phục như công trình xuống cấp, nguy cơ mất an toàn cao; thiếu các thiết bị quan trắc, dự báo, giám sát hiện đại. Bên cạnh đó còn một bộ phận cán bộ chính quyền cơ sở chưa làm tròn trách nhiệm khiến lũ chưa về, chỉ mới nước ngập nhưng đã có người thiệt mạng.

Ông Quý cũng chỉ rõ bất cập liên quan đến thông báo vận hành xả lũ các công trình thủy điện trên địa bàn. “Đúng là thủy điện xả lũ đã thông báo đúng quy trình, đảm bảo về mặt thời gian theo quy định là trước 4 tiếng thế nhưng thông báo lúc 2h sáng thì người dân khó nắm được để có phương án ứng phó kịp”, ông Thái Thanh Quý chỉ rõ.

Chủ tịch HĐND tỉnh Nghệ An đề nghị các cơ quan chức năng cũng như các thủy điện nghiên cứu để công tác cảnh báo thiên tai, thông báo xả lũ đến sớm, kịp thời và đến được với người dân để hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra.

Nghệ An là địa phương chịu tác động nặng nề của thiên tai, nhất là lũ, lụt. Trong năm 2022, địa phương này phải hứng chịu một đợt rét đậm, rét hại, 9 đợt nóng, 23 đợt sét, mưa lớn, mưa đá, mưa diện rộng... Thiên tai đã cướp đi sinh mạng của 11 người dân, 98 ngôi nhà hư hỏng hoàn toàn... nhiều công trình hạ tầng, nhà ở của người dân bị sạt lở, hư hỏng. Chỉ tính riêng bão số 4 vào cuối tháng 9, đầu tháng 10/2022 đã gây thiệt hại cho tỉnh Nghệ An hơn 1.000 tỷ đồng.

Tin cùng chuyên mục

Cần Thơ: Nhiều cơ hội để doanh nghiệp mở rộng kinh doanh tại Hoa Kỳ

Cần Thơ: Nhiều cơ hội để doanh nghiệp mở rộng kinh doanh tại Hoa Kỳ

(PLVN) -  Ngày 21/11, tại TP Cần Thơ, Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TP HCM phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại và Hội chợ Triển lãm Cần Thơ tổ chức hội thảo Mở rộng kinh doanh tại Hoa Kỳ. Tại hội thảo, các đại biểu đã trao đổi về các vấn đề liên quan đến việc doanh nghiệp Việt Nam mở rộng kinh doanh tại Hoa Kỳ.

Đọc thêm

Chuyển đổi số tại BQL Dự án Đầu tư xây dựng công trình NN&PTNT tỉnh Hưng Yên

Chuyển đổi số tại BQL Dự án Đầu tư xây dựng công trình NN&PTNT tỉnh Hưng Yên
(PLVN) - Chuyển đổi số đang trở thành xu thế không thể đảo ngược, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn. Nhận thức rõ điều này, Ban Quản lý (BQL) Dự án Đầu tư xây dựng công trình Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Hưng Yên đã và đang triển khai mạnh mẽ các kế hoạch và hoạt động nhằm hiện thực hóa mục tiêu xây dựng chính quyền điện tử, hướng tới phát triển kinh tế số và xã hội số.