Hàng loạt cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ hằng ngày đang xả thẳng chất thải ra sông, kênh mương, ô nhiễm trực tiếp nguồn nước, sức khỏe của người dân. Tuy nhiên, nhiều năm qua, việc kiểm soát vấn đề xử lý chất thải từ các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm vẫn chưa được quan tâm.
Mật độ dày đặc
Tại khu vực chân cầu Đen, thuộc xã Đặng Cương (An Dương), người ta giết mổ trâu, bò ngay trên đường, các chất thải, rồi lông, mỡ, xương, thịt vụn,…được hất, đổ thẳng xuống sông. Chuyện các cơ sở giết mổ đổ trực tiếp chất thải xuống các nguồn nước liền kề như sông, kênh mương ngày càng phổ biến.
![]() |
Giết mổ trâu tại chân cầu Đen, xã Đặng Cương (An Dương) gây ô nhiễm nguồn nước mương An Kim Hải. Ảnh: Nhật Lệ |
Không tốn quá nhiều kinh phí xây dựng hệ thống tiêu thoát nước, lại xa khu dân cư, ven các con sông, kênh mương trở thành địa điểm lý tưởng của nhiều cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm. Trên đoạn sông Đa Độ, một trong 3 nguồn nước ngọt chính của thành phố, từ cầu Rế đến cống Cái Tắt có tới khoảng 800 hộ kinh doanh, giết mổ gia súc, chế biến thực phẩm. Những khu vực tập trung nhiều điểm giết mổ gia súc trong nội thành thường ở khu bờ đê ven sông, như khu bờ đê Vĩnh Niệm ven sông Lạch Tray đoạn qua quận Lê Chân, khu đường Thiên Lôi ven mương An Kim Hải,…Hầu hết cơ sở này hoạt động nhỏ lẻ, không có giấy phép đăng ký kinh doanh và giấy chứng nhận cam kết bảo vệ môi trường, không có hệ thống xử lý nước thải hoặc có nhưng không bảo đảm.
Ổ phát tán mầm bệnh
Sự xuất hiện dày đặc các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm ven sông cùng với lượng chất thải, nước thải không qua xử lý xả thẳng xuống sông đã và đang gây nguy hại lớn đến môi trường và sức khỏe của người dân. Chất thải ở các cơ sở giết mổ động vật đủ loại thành phần như chất chứa trong dạ dầy, ruột, hỗn hợp hòa tan của các chất protit, nước, thịt, tiết, các mảnh thit vụn: lông, da... Ông Bùi Xuân Đồng ở Hội chăn nuôi-Thú y Hải Phòng cho biết: Nước thải của các cơ sở giết mổ là hỗn hợp chất hữu cơ như các chất trong hệ tiêu hóa, dịch nước nội mô của thịt tiết ra, thịt, xương vụn, tiết,..., nếu không được xử lý kịp thời, sẽ mau chóng bốc mùi hôi thối và sau 36 giờ chất thải, nước thải chuyển màu đen, ruồi nhặng bâu đầy vào. Chất thải của cơ sở giết mổ không chỉ là những chất thải của các hợp chất hữu cơ, các chất vô cơ mà còn có cả vi sinh vật gây hại cho động vật và con người, sống tiềm ẩn trong cơ thể động vật. Khi gặp nhiệt độ phù hợp, các chất thải này mau chóng bị phân hủy lên men, thối rữa sinh ra các chất vô cơ NH2, CO2, NH3, các chất hữu cơ như axít butyric, axít axêtic và các bazơ hữu cơ khác...Các chất hỗn hợp này sẽ bốc mùi phát tán vào môi trường và gây ô nhiễm nguồn nước, đất... Không những thế, những chất thải ẩn chứa nhiều mầm bệnh dễ lây lan sang con người và gia súc gia cầm, vật nuôi khác.
Thờ ơ trách nhiệm quản lý
Thời gian qua, vấn đề ô nhiễm, mất an toàn vệ sinh thực phẩm của cơ sở giết mổ gia súc nhỏ lẻ được cơ quan truyền thông đề cập rất nhiều. Để khắc phục vấn đề này, nhiều giải pháp được đặt ra như: quy hoạch xây dựng cơ sở giết mổ tập trung, đầu tư dây chuyền giết mổ, hệ thống bảo quản hiện đại bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, các giải pháp này chưa thực hiện đến nơi đến chốn. Trong khi đó, các lò mổ nhỏ lẻ với lợi thế chi phí thấp, từ đầu tư xây dựng khu giết mổ, chuồng trại đến nhân công nên người kinh doanh lựa chọn. Trong khi đó, việc kiểm soát của cơ quan chức năng thành phố đối với chất thải, nước thải của cơ sở giết mổ nhỏ lẻ hầu như rất thờ ơ, chưa được quan tâm đúng mức. Chất thải, nước thải của cơ sở giết mổ chưa được “xếp hạng” tiềm ẩn nguy cơ cao gây ô nhiễm nguồn nước thành phố. Song thời gian qua, chưa có cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm nào bị xử lý về vấn đề xả thải gây ô nhiễm, vi phạm các quy định của Luật Bảo vệ môi trường. Người dân càng thêm lo lắng, hồ nghi về chất lượng, sự an toàn của nguồn nước phục vụ sản xuất, đời sống của nhân dân.
Nguyên Mai