Vải bố
Năm 1888, Louis Vuitton giới thiệu vải bố Damier gồm hai loại Azur (trên) và Ebene (giữa). Đến 1896, hãng ra mắt thêm vải bố Monogram (dưới). Ngoài yếu tố thẩm mỹ, những loại vải làm nên chiếc túi này có khả năng chống nước, chịu lửa và độ bền tuyệt vời.
Các tín đồ thời trang gần như không bao giờ phải lo lắng chiếc túi của mình bị trầy xước. Nếu dính bẩn, việc vệ sinh cũng vô cùng đơn giản. Đây được xem là một trong những loại chất liệu tốt và nổi tiếng nhất mà Louis Vuitton giới thiệu trong lịch sử.
Giá bán của túi Louis Vuitton làm từ loại vải này khá đa dạng. Một chiếc túi Louis Vuitton Sully cỡ vừa họa tiết Monogram có giá khoảng 1.650 USD (khoảng 36,7 triệu đồng).
Da dê Kashmir (hay vải Cashmere)
Loại vải cao cấp này có ngoại hình gần giống với vải bố của hãng nhưng bề mặt láng mịn hơn. Dù có khả năng chống trày xước, loại túi làm từ chất liệu này vẫn cần đến sự nâng niu của chủ nhân. Một chiếc túi Lockit cỡ nhỏ làm từ chất liệu này có giá khoảng 4.150 USD (khoảng 92,5 triệu đồng).
Da bê dập họa tiết
Loại chất liệu này có tên Empreinte, ra mắt năm 2010, đã tạo nên "cơn sốt" trong làng thời trang lúc bấy giờ. Loại vải này được làm từ những tấm da bê có chất lượng tốt nhất nên có độ bền cao, có thể dùng qua nhiều năm mà không sợ "xuống mã". Một chiếc túi Louis Vuitton Mongtage cỡ vừa làm từ chất liệu này có giá khoảng 3.250 USD (khoảng 72,4 triệu đồng).
Da bê bóng
Chất liệu ra mắt vào năm 1998, sau khi Marc Jacobs được chỉ định làm Giám đốc sáng tạo của Louis Vuitton. Nhờ một lớp sơn bóng, những chiếc túi vừa ra đời đã gây được cảm tình. Dù vậy, nó có nhược điểm dễ bị trầy xước và bám bẩn. Một chiếc túi Alma da bóng cỡ vừa có giá khoảng 2.810 USD (khoảng 62,6 triệu đồng).
Da bê thường
Đây là loại da được sử dụng rộng rãi nhất trong ngành sản xuất túi và phụ kiện. Tính bền chắc giúp những chiếc túi làm từ da bê ít khi bị "xuống mã" sau khi sử dụng một thời gian dài. Đồng thời, sản phẩm cũng dễ làm sạch. Bề mặt nhẵn, mịn của loại da này cũng được phái nữ ưa chuộng. Một chiếc túi da bê Babylon cỡ nhỏ của Louis Vuitton được gán mác là 3.920 USD (khoảng 84,7 triệu đồng).
Da sần tổng hợp
Ra mắt vào năm 1985, loại da này được lấy cảm hứng từ một kiểu da sần khác của Louis Vuitton sản xuất từ năm 1920. Theo Bragmybag, vẻ ngoài nổi bật của chất liệu này khiến phái đẹp yêu thích từ lần đầu nhìn thấy. Túi da sần của Louis Vuitton cũng có khả năng chống nước và trày xước. Một mẫu túi da sần Nóe của nhà mốt Pháp có giá khoảng 2.160 USD (khoảng 48 triệu đồng).
Vải bọc sợi carbon
Chất liệu đem lại vẻ ngoài hấp dẫn cho sản phẩm và là sự lựa chọn hàng đầu của dân du lịch nhờ khối lượng nhẹ cùng độ bền chắc trước các tác động của hóa chất, nhiệt độ... Giá bán một chiếc Keepall Bandoulière cỡ lớn làm từ vải bọc sợi carbon của LV là khoảng 3.650 USD (tương đương 81,4 triệu đồng).
Da sần bóng tổng hợp
Giống "người anh em" da sần, da sần bóng tổng hợp (da sần điện) cũng có khả năng chống nước và trày xước. Sự khác biệt duy nhất chỉ nằm ở vẻ ngoài. Một chiếc Louis Vuitton Alma cỡ nhỏ và da sần bóng có giá bán khoảng 2.350 USD (khoảng 52,4 triệu đồng).
Da cừu non
Sở hữu vẻ ngoài mềm mại nhưng chất liệu này không hề dễ bị trày xước. Điểm cộng này giúp cho túi da cừu non của Louis Vuitton được phái đẹp ưa chuộng. Một chiếc túi da cừu non LV GO14 cỡ vừa có giá là 3.800 USD (khoảng 84,7 triệu đồng).
Da đà điểu
Ngoài độ bền cao, da đà điểu còn được lòng phái đẹp nhờ vẻ ngoài khác biệt. Hầu hết người dùng đều thích cảm giác mướt tay khi sờ lên bề mặt da túi. Một chiếc Alma làm từ da đà điểu cỡ siêu nhỏ được Louis Vuitton bán với giá khoảng 7.350 USD (khoảng 163,9 triệu đồng).
Da cá sấu
Đây vẫn luôn được coi là một trong những chất liệu xa xỉ và có độ bền cực cao. Tuy vậy, nhược điểm của nó là phải thường xuyên "bảo dưỡng" cẩn thận. Một chiếc Louis Vuitton Alma cỡ vừa làm từ da cá sấu có giá lên tới 18.400 USD (khoảng 410 triệu đồng).