Theo Bộ GTVT, tại quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, khu bến Cà Ná được quy hoạch phục vụ trực tiếp Khu công nghiệp Cà Ná và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; có bến tổng hợp, hàng rời, hàng lỏng/khí cho cỡ tàu đến 100.000 tấn hoặc lớn hơn khi đủ điều kiện.
Theo điều khoản chuyển tiếp, quy hoạch khu bến Cà Ná thuộc quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển Nam Trung bộ (nhóm 4) tiếp tục được thực hiện theo quy định của cấp thẩm quyền. Trên cơ sở đề nghị của Bộ GTVT vào tháng 1/2017, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận điều chỉnh quy hoạch khu bến cảng Cà Ná, trong đó có bến tổng hợp cho tàu đến 50.000 tấn, tàu hàng lỏng đến 50.000 tấn.
Ngày 9/3/2022, UBND tỉnh Ninh Thuận có văn bản đề nghị điều chỉnh quy hoạch bến cảng tổng hợp Cà Ná. Trong đó, đề nghị mở rộng khu đất phía sau bến làm kho, bồn; bổ sung 1 bến hàng lỏng cho tàu 20.000 tấn tại khu đê phía Tây; điều chỉnh khu bến tổng hợp phía Tây từ 3 bến cho tàu 5.000 tấn và 1 bến 10.000 tấn thành bến tổng hợp cho tàu 10.000 tấn và bến tổng hợp cho tàu 50.000 tấn.
Bộ GTVT cho rằng, đề xuất của UBND tỉnh Ninh Thuận phù hợp về quy hoạch cỡ tàu.Tuy nhiên, so với thời điểm nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch bến cảng Cà Ná được Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ chấp thuận vào tháng 1/2017, dữ liệu đầu vào về kinh tế - xã hội và thu hút đầu tư của tỉnh có nhiều thay đổi.
Do vậy, nhu cầu điều chỉnh quy hoạch bến cảng tổng hợp Cà Ná của UBND tỉnh Ninh Thuận để phù hợp với tình hình phát triển thực tiễn và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và khu vực thời gian tới là cần thiết và có sơ sở.
Để có cơ sở UBND tỉnh thu hút, kêu gọi đầu tư, Bộ GTVT chấp thuận chủ trương bổ sung, điều chỉnh quy hoạch cục bộ bến cảng tổng hợp Cà Ná như đề nghị của UBND tỉnh Ninh Thuận trong quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển Nam Trung bộ (nhóm 4) giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2050.