Tai nạn kinh hoàng khiến nữ sinh hôn mê bất tỉnh
Ngồi bên giường bệnh của con, cô Trần Thị Liên (48 tuổi, quê ở xã Châu Sơn, Đình Lập, Lạng Sơn, mẹ của Cúc) buồn bã cho biết, khoảng 9h sáng 10/11, khi cô đang đi bóc vỏ keo trên đồi thuê thì có một người lạ gọi điện báo tin Cúc bị tai nạn tại khu vực sân vận động Mỹ Đình.
Khi cô Liên chưa kịp định thần thì 2 phút sau người đó gọi tiếp nói cô đọc biển số xe xem có phải con gái cô không. Không nhớ biển số, khi người bên kia đầu dây nói tên con là Nguyễn Thị Kim Cúc không, cô mới bàng hoàng xác nhận rồi cuống cuồng xuống viện với con.
Cúc khi vừa trải qua ca phẫu thuật phải nằm viện trong tình trạng hôn mê |
Về tới nhà, cô Liên chỉ gói vội được 1, 2 bộ quần áo rồi bắt xe từ nhà lên thị trấn 9km, rồi mới bắt từ Lạng Sơn xuống Hà Nội. Đi xuống Hà Nội cô Liên không biết được bị lừa quanh lòng vòng từ bến xe giáp Bát đến bến Mỹ Đình. “Lúc đó cô sợ quá, vừa đi vừa khóc sướt mướt suốt dọc đường không biết con mình có con cơ hội nữa không vì cô nghe mọi người nói cháu bị chấn thương sọ não”, cô Liên sợ hãi nhớ lại.
Mãi đến chiều tối cô Liên mới đến được Bệnh viện 19-8, trong túi lúc ấy chỉ có đúng 2 triệu ứng tiền làm thuê hơn chục ngày. Khi cô Liên xuống thì Cúc đã được mổ xong. “Lúc đó, tôi sờ chân tay con lạnh như băng, máy móc vây quanh sợ lắm. Nhìn thấy con mà tôi chết lặng. Bác sĩ bảo mổ bên phải đã xong rồi còn bên trái thì còn đang tụ máu. Bây giờ cần điều trị tiêm thuốc để tan máu bên trái”.
Được biết, Cô Liên có 3 đứa con, Cúc là con gái cả. Vì gia đình khó khăn nên em được đưa về nhà nội chăm sóc. Dù cuộc sống vất vả nhưng Cúc học giỏi và đỗ vào Trường Cao đẳng công nghệ cao Hà Nội. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, để có tiền trang trải học hành Cúc vừa đi học vừa đi làm thêm. Cúc đã xin được một chân phụ việc ở thẩm mỹ viện. Vào khoảng 8h sáng ngày 10/11, đang trên đường từ ký túc xá đến chỗ làm, khi đi đến cổng làng Phú Đô, đường Lê Quang Đạo bất ngờ em bị chiếc xe máy của một bạn nam sinh đi cùng chiều phía sau tông trúng.
Hiện tại, may mắn Cúc đã hồi tỉnh, nhưng sức khoẻ còn rất yếu, Cúc đang nằm ở Khoa Hồi sức tích cực - Bệnh viện 198. Các bác sĩ cho biết, Cúc đã tỉnh lại nhưng phải chờ hồi phục trí nhớ sẽ rất lâu dài. Sau đó, Cúc còn phải điều trị dài ngày chi phí điều trị rất tốn kém nhưng khả năng hồi phục vẫn là dấu hỏi lớn.
Sống với bà, sữa mẹ thay bằng nước cơm
Bắt chuyến xe ô tô khách sớm nhất vào lúc 3h sáng từ Nam Định lên Hà Nội, bà Bùi Thị Hiền, năm nay đã 80 tuổi (xã Hải Hà, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định) – bà nội của em Cúc mắt đỏ hoe, ngồi thất thần nhìn cô cháu gái đang nằm co cắp trên giường bệnh. Vì hoàn cảnh gia đình, ngay khi mới 2 tuổi, Cúc đã được bà nội đón từ quê mẹ Lạng Sơn về Nam Định để nuôi dưỡng.
Một tay chăm bẵm đứa cháu gái yêu quý từ nhỏ, bà Hiền chẳng thể ngừng khóc khi có người hỏi về tuổi thơ của cô cháu gái đang nằm trên giường bệnh. “Cúc đẻ năm 2000 thì mẹ cháu đẻ tiếp một đứa em nữa vào năm 2001, thấy con cái khó khăn, tôi đưa cháu Cúc về nuôi để bố mẹ cháu đỡ vất vả.
Ngày về ở với bà, vì không đủ tiền mua sữa bột nên tôi tôi đành phải cho cháu uống nước cơm thay sữa mẹ. Ngày 3 bữa, tôi đều chắt nước cơm ra một chiếc chén, cho đường vào hòa tan và hấp lại trong nồi rồi cẩn thận đút cho Cúc từng thìa một”, bà Hiền kể lại trong xúc động.
Vì hoàn cảnh ông bà khó khăn nên ngoài những bữa nước cơm, ông bà cũng chỉ có gạo xay nấu thành bột để chăm thêm cho Cúc. Có lẽ hiểu được hoàn cảnh của bản thân mà ngay từ khi về sống với bà, Cúc rất ít khi quấy khóc. Quãng thời gian đi học từ mẫu giáo cho tới Cao đẳng Cúc được bạn bè và thầy cô hết sức quý mến bởi Cúc hiền lành, ngoan ngoãn và có thành tích học tập tốt.
Do tuổi thơ vất vả, nên ngay từ khi còn nhỏ Cúc đã tháo vát việc nhà từ cơm nước tới đồng áng cấy gặt. Với bà Hiền, Cúc luôn là niềm tự hào, bởi Cúc được hàng xóm, bạn bè luôn khen ngợi bởi vừa đẹp người lại đẹp nết. Bà Hiền cho biết: “Tôi luôn tâm niệm phải dạy con từ thủa bơ vơ, dạy cháu từ lúc còn nhỏ. Phải dạy cháu nên người để sau này không ai nói rằng cháu lớn mà không biết gì. Nhà dù nghèo nhưng phải có nề nếp”.
Bà nội của Cúc luôn ngồi bên cạnh cháu gái không rời sau khi Cúc được về phòng bệnh |
Vốn tư chất thông minh, trong kỳ thi tốt nghiệp PTTH Cúc đã thi được điểm số cao và đỗ vào cả 2 trường một Đại học, một Cao đẳng. Tuy nhiên, sau đó Cúc đã lựa chọn học Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội vì không muốn mẹ thêm vất vả.
Bà Hiền nhớ lại: “Lúc cháu đủ điểm đỗ cả Đại học, các bác rồi bà đều khuyên Cúc đi học nhưng em không chịu. Cháu nó nói ‘Thôi con học Cao đẳng để ra trường sớm, giúp bà, giúp mẹ nuôi em chứ một mình mẹ con làm sao có thể nuôi hai chị em cùng ăn học’. Thấy cháu quyết tâm tôi và mọi người đều tiếc cho cháu nhưng cũng phải đành động viên cháu đã lựa chọn thì cố gắng học hành cho tốt”.
Ở nhà Cúc ngủ với bà nên hai bà cháu thường tâm sự, thủ thỉ. Từ khi đi học không được ở gần bà nhiều nữa nhưng Cúc hay gọi điện về cho nội. Mỗi lần gọi về Cúc chỉ hay căn dặn: “Bà ở nhà giữ gìn sức khỏe. Bà đừng làm ruộng nữa nhé. Bà mà ốm thì cháu lo lắm”.
Từ ngày Cúc đi học, mỗi lần về bà nội đều cho tiền nhưng em không lấy mà chỉ bảo “Bà giữ lấy mà tiêu, bà nuôi cháu mãi rồi bây giờ cháu đi học đã có mẹ lo. Cháu cũng đi làm thêm rồi nên bà không phải lo đâu ạ!”. Nhưng ai có ngờ rằng trên con đường mưu sinh đó không may Cúc gặp phải tai nạn nguy hiểm.
Hôm Cúc bị tai nạn, bà nội Hiền đang ăn dở bữa cơm. Điện thoại reo, từ đầu dâu bên kia chị Liên chỉ nói được câu: “Mẹ ơi! Cháu Cúc” rồi cứ thế khóc. Bà Hiền gọi lại thì nghe con dâu nói: “Mẹ ơi! cháu Cúc tai nạn rồi”. Bà Hiền vội bỏ mâm cơm, sau khi trấn tĩnh lại bà mới đi gọi được các cô bác của Cúc lên viện với Cúc. Đêm đó, các con bà Hiền phải lén đi không cho bà biết vì sợ lên nhìn thấy Cúc bà không thể chịu được. Đến bây giờ bà Hiền vẫn trách các con là hôm đó không cho mình đi.
Dù hoàn cảnh khó khăn nhưng Cúc luôn cố gắng vươn lên trong cuộc sống |
6 ngày ở nhà ngóng tin cháu gái từ bệnh viện bà Hiền lòng như lửa đốt chẳng làm nổi gì. Hàng ngày bà cứ quanh quẩn quanh nhà chỉ biết thắp hương niệm Phật: “Tôi ở nhà chỉ cứ thấp hương lạy Phật cho cháu tai qua nạn khỏi. Nếu có mệnh hệ gì thì xin cho tôi được chết thay để cháu nó được sống”. Ở nhà bà Hiền suốt cả tuần thấp thỏm, làm đâu quên đó, con cái gọi về bảo cháu đã qua cơn nguy kịch nhưng bà cũng chẳng thể yên tâm.
Đến ngày 16/11, bà Hiền chẳng thể chờ đợi nữa mà phải bắt con dâu đưa lên Hà Nội để thăm cháu. Lên tới viện, nhìn thấy cô cháu gái xinh đẹp ngày nào nằm yếu ớt trên giường bệnh chẳng thể ngừng khóc. Nhìn thấy vết sẹo dài trên đầu cháu gái, bà Hiền xót xa. “Giờ thấy cháu tỉnh rồi tôi mừng lắm. Nhưng vừa nãy em nó tỉnh lại vẫn bảo ‘tự nhiên họ cắt hết tóc con đi’. Tôi lại phải động viên cháu 1- 2 tháng nữa tóc lại mọc dài thôi.
Sau 1 tuần cứu chữa, viện phí điều trị cho Cúc đã lên đến hơn 60 triệu đồng vì không có bảo hiểm y tế. Quãng thời gian tới để Cúc có thể tiếp tục trải qua các cuộc phẫu thuật và điều trị khác là vô cùng khó khăn, rất cần sự giúp đỡ của những tấm lòng hảo tâm.
Hoặc liên hệ trực tiếp đến mẹ Cúc theo SĐT: 0344.766.061.