Không dừng lại ở đó, bàn tay của anh ta tiếp tục động chạm đến cơ thể người phụ nữ mặc cho sự phản ứng của cô ấy và ánh nhìn khó chịu của người đàn ông còn lại. Bỗng dưng cửa thang máy bật mở và người đàn ông có hành vi quấy rối đã bị chính cánh tay mạnh mẽ của người đàn ông thứ hai trong thang tống ra khỏi cửa.
Cùng câu nói dứt khoát: “Vứt rác!” của người đàn ông thứ hai, cánh cửa thang máy đóng sập lại, không có chỗ cho những kẻ quấy rối tình dục nơi công cộng.
Đây là nội dung hấp dẫn mà Phạm Hồng Sơn – chàng trai trẻ người Sài Gòn sinh năm 1993, làm nghề kinh doanh quần áo - đã chuyển tải trong clip gửi tham gia cuộc thi làm video ngắn “Yêu đẹp - An toàn cho phụ nữ” do Trung tâm Nghiên cứu & Ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) và TikTok (là nền tảng video dạng ngắn hàng đầu thế giới) phối hợp tổ chức, hưởng ứng Tháng hành động quốc gia về bình đẳng giới và chấm dứt bạo lực trên cơ sở giới năm 2019.
Các video ngắn tham gia cuộc thi đã tái hiện những tình huống đời thường tại trường học, công sở hay những nơi công cộng, nhắm đến việc cung cấp các kiến thức cơ bản về bạo lực tình dục, cụ thể như nhận diện hành vi bạo lực tình dục, cách ứng phó, các dịch vụ hỗ trợ cho người dùng nói chung thông qua dịch vụ ứng dụng TikTok.
Chia sẻ với cảm xúc của những người phụ nữ khi bị xâm phạm hình ảnh
Clip của Phạm Hồng Sơn đã thu hút được 275.802 lượt yêu thích và giành được giải nhất của cuộc thi. Điều đó cho thấy clip đã chạm được đến sự quan tâm cũng như thị hiếu của người trẻ để qua đó truyền tải những thông điệp về bạo lực tình dục vốn luôn là câu chuyện không dễ gì chia sẻ, nhất là qua các phương tiện truyền thông đến với hàng triệu người.
Còn với tôi, phóng viên của Báo Pháp luật Việt Nam, clip của Phạm Hồng Sơn không chỉ dừng lại ở thông điệp của người trẻ mà ẩn sâu trong đó còn là vấn đề pháp luật mà nhiều người không biết hoặc không quan tâm, đến đó là quyền hình ảnh của mỗi cá nhân – một thứ quyền nhân thân bất khả xâm phạm đã được quy định trong pháp luật dân sự Việt Nam. Có thể thấy, trong clip là hành động của người đàn ông đứng trong thang máy đã cố tình chụp ảnh người phụ nữ đi cùng dù không được đồng ý và hành động đó không khác gì một hành vi quấy rối khó chịu nơi công cộng.
Bên lề của lễ trao giải cuộc thi làm video ngắn “Yêu đẹp - An toàn cho phụ nữ” vừa diễn ra cuối tháng 11/2019, trò chuyện với phóng viên, trả lời câu hỏi vì sao không hoạt động ở lĩnh vực pháp luật mà lại quan tâm đến vấn đề quyền của mỗi cá nhân đối với hình ảnh của mình, vốn trước nay là vấn đề mà nhiều người không biết hoặc không quan tâm, Phạm Hồng Sơn cho biết: “Sở dĩ em đưa hình ảnh đó vào clip vì chính em là người đã có trải nghiệm khi bị mọi người thản nhiên chụp ảnh của mình không xin phép và đăng tải lên mạng”.
Theo lời kể của Sơn, tuy công việc chính là kinh doanh quần áo, nhưng em có niềm đam mê với việc làm những clip ngắn về các vấn đề xã hội. Đơn cử như thời gian gần đây, những bài báo về vấn nạn bạo lực nói chung và bạo lực tình dục nói riêng đối với phụ nữ và trẻ em khiến em rất bất bình và thường hay chia sẻ những quan điểm, suy nghĩ của mình trên mạng xã hội. Do đó, trên mạng xã hội em cũng được nhiều người biết đến.
“Khi em đi ra đường hay vào quán ăn, nhiều người biết mặt đã tiến tới thản nhiên đưa máy lên chụp hình mà không hề hỏi xem em có đồng ý chụp hay không, đồng ý cho họ sử dụng ảnh của mình vào mục đích cá nhân của họ hay không. Vì thế, nhiều lúc em cảm thấy như bị quấy rối và rất khó chịu. Và em nghĩ những người phụ nữ khi rơi vào tình cảnh đó cũng sẽ nghĩ như vậy. Vì thế em đưa chi tiết đó vào clip.
Với nhiều người có thể vấn đề này không lớn, thậm chí rất nhỏ nhặt, nhưng nếu cứ diễn ra lâu dài và mức độ ngày càng trắng trợn hơn sẽ ảnh hưởng tâm lý người bị chụp và sử dụng hình ảnh. Theo em, đó cũng chính là hành vi quấy rối, chỉ có điều người ta chưa nhận thức ra được hoặc không muốn nhận thức mà thôi. Khi làm clip có chi tiết này em muốn nói lên mong muốn rằng mỗi người khi sử dụng hình ảnh của người khác, cần có sự xin phép và cho phép của người ta” - Sơn nói lên suy nghĩ của mình.
Những cánh tay giơ lên đồng lòng vì một xã hội không còn vấn nạn bạo lực tình dục phụ nữ và trẻ em trong lễ trao giải cuộc thi |
Sẽ nói về quấy rối tình dục xảy ra trong gia đình
Tại hội trường của Học viện Báo chí và Tuyên truyền, nơi diễn ra lễ trao giải, phóng viên đã chứng kiến thái độ hứng khởi, những tiếng vỗ tay của các sinh viên khi xem clip của Sơn. Khi được hỏi, một bạn sinh viên trả lời: “Em rất thích hành động mạnh mẽ của chàng trai trong clip đã thẳng tay tống tên “yêu râu xanh” ra khỏi thang máy kèm theo câu nói: “Vứt rác!”. Đúng thế, những kẻ như vậy phải bị coi là rác rưởi của xã hội văn minh”.
Được yêu thích là vậy nhưng chàng trai trẻ thế hệ 9X Phạm Hồng Sơn không hề ngủ quên trong chiến thắng. Em cho biết mình ấp ủ nhiều dự định tương lai để giúp người trẻ nhận thức và lên án bạo lực giới với phụ nữ và trẻ em. “Theo em, hành vi tống kẻ quấy rối ra khỏi thang máy sẽ không phải hành vi cuối cùng, mà sau đó chúng ta cần có những động thái tiếp theo để tăng cường nhận thức của mọi người về vấn đề quấy rối tình dục đối với phụ nữ. Vì thế, tới đây, trong khả năng và nỗ lực của mình em sẽ làm nhiều clip hơn để chia sẻ lan truyền đến mọi người thông điệp, giúp mọi người có nhận thức rõ ràng hơn về vấn đề này.
Vì là người trẻ nên em hiểu, nếu vấn đề lên án bạo lực giới với phụ nữ và trẻ em được thông tin theo kiểu ép buộc về nhận thức hoặc lên án căng thẳng thì sẽ khó có người thích, nên em nghĩ mình sẽ bằng những clip nhẹ nhàng để truyền tải thông điệp. Trong tương lai gần, em dự định sẽ làm clip về quấy rối tình dục xảy ra trong gia đình như chồng và vợ, ông với cháu, ba và con… vì đó thực sự là nỗi đau do bạo lực gây nên mà khó nói thành lời bởi những mối quan hệ tế nhị trong mỗi nhà” – Sơn chia sẻ.
Trông cậy vào người trẻ
Ở Việt Nam, mặc dù số liệu thống kê và số liệu chính thức về quấy rối tình dục chưa có, nhưng các báo cáo và nghiên cứu gần đây cho thấy quấy rối tình dục đã lan rộng cả ở nơi làm việc và ở nơi công cộng. Các nghiên cứu hiện có cũng cho thấy các số liệu mang tính cảnh báo: 87% phụ nữ và trẻ em gái bị quấy rối tình dục ở nơi công cộng; 10% phụ nữ đã kết hôn ở Việt Nam đã bị vợ/chồng của họ tấn công tình dục. Đối với 4% phụ nữ, một khi bạo lực tình dục bắt đầu, nó tiếp tục trong suốt mối quan hệ hoặc hôn nhân của họ. Các trường hợp về bạo lực tình dục và quấy rối tình dục liên tục xuất hiện trên các kênh truyền thông và mạng xã hội tại Việt Nam, làm dấy lên những thảo luận và phong trào xã hội về vấn đề này.
Vì thế, không có gì khó hiểu khi bên cạnh chàng trai Phạm Hồng Sơn là người gửi clip đầu tiên đến cuộc thi, thì sau 3 tuần triển khai, với sự hưởng ứng tích cực của người dùng, cuộc thi “Yêu đẹp - An toàn cho phụ nữ” đã nhận được 3.849 video tham gia; 51.919.973 lượt xem; 19.957 lượt chia sẻ video; 3.635.423 lượt yêu thích video; 28.417 lượt bình luận video.
Quả là những con số quá ấn tượng. Hay nói như bà Nguyễn Vân Anh – Giám đốc Trung tâm CSAGA, rằng: “Kiến thức, kỹ năng để có thể an toàn không bị xâm hại là việc nói đến mãi rồi, nhưng nói thế nào để người trẻ thích thú, chấp nhận, học hỏi và chia sẻ? Điều đó luôn làm đau đầu không chỉ những người làm truyền thông, những người làm công tác xã hội, giáo dục mà còn cả với các bậc phụ huynh. Cuộc thi nói về bạo lực tình dục trên nền tảng Tiktok là một phép thử may mắn, chúng ta đã bắt được mạch của người trẻ rồi! Sự thay đổi của các bạn trẻ là tín hiệu đáng mừng và tôi tin là vấn đề bạo lực giới ở Việt Nam sẽ được giải quyết tốt hơn nhiều ở tuổi trẻ”.