Chàng trai 8X và những suất cơm ấm lòng mùa dịch

Các thành viên tình nguyện gắn kết với nhau như một gia đình, cùng chung lòng hướng về “Sài Gòn đang bệnh”.
Các thành viên tình nguyện gắn kết với nhau như một gia đình, cùng chung lòng hướng về “Sài Gòn đang bệnh”.
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - “Lần kỷ lục bạn nấu là bao nhiêu suất ăn một ngày? Tôi và 2 anh bạn (3 người bếp chính) cùng 20 - 30 người bạn khác của tôi nấu khoảng 5.000 suất/ngày. Hay nói đúng hơn nếu bình quân thì mỗi người nấu hơn 1.600 suất/ngày…”.

Đó là những lời tâm sự gần gũi về công việc hỗ trợ nấu ăn tình nguyện của anh Bùi Thanh Tùng (1987, Kiên Giang) tại TP HCM trong những ngày giãn cách. Khi nghe câu nói “Sài Gòn đang ốm”, anh đã tình nguyện tham gia “Bếp ăn nghĩa tình” của Trung tâm CTXH thành phố (05 Đinh Tiên Hoàng, quận 1, TP HCM) để nấu những suất cơm hỗ trợ lực lượng tuyến đầu chống dịch và người dân khu phong tỏa, cách ly.

Hơn 150.000 suất cơm trong 50 ngày

Xuất phát điểm là một hướng dẫn viên du lịch lại có “khiếu” nấu ăn, anh Tùng đã không ngần ngại tham gia công tác tình nguyện tại Trung tâm CTXH của thành phố. Tại đây, anh đảm nhiệm vai trò là “bếp trưởng” của gian bếp tình nguyện với hơn 30 “đầu bếp” không chuyên. Gần 2 tháng nay, mỗi ngày họ đều nấu cả nghìn suất cơm hỗ trợ lực lượng tuyến đấu chống dịch và người dân trong các khu vực bị phong toả, cách ly.

Dù có “khiếu nấu ăn”, thế nhưng với anh Tùng, việc nấu hàng nghìn suất cơm mỗi ngày lại không hề đơn giản. Những ngày đầu tham gia nấu ăn, anh Tùng cảm nhận được sự vất vả, khó khăn của những người đứng bếp trong cái nóng của đất Sài Gòn.

Thời gian đầu chưa quen việc, lại phải sử dụng dụng cụ nấu ăn có kích thước lớn khiến cho tay anh luôn bị mỏi. Cùng với đó, vì đảm nhận nhiệm vụ bếp chính nên anh luôn phải đứng bên bếp lửa, bếp khè rất nóng trong khi bản thân phải mang bao tay, đeo khẩu trang, tạp dề nên anh luôn trong tình trạng đẫm mồ hôi. Việc thường xuyên bị bỏng là lẽ thường tình.

Vì số lượng lớn nên nhóm của anh luôn có sự phân chia công việc với nhau: có người trực chiến, có người chuẩn bị nguyên liệu, có người lên thực đơn rồi đi chợ,… Cứ thế anh Tùng cùng nhóm bạn đảm đương hết công việc của một bếp ăn.

Ngày nhiều nhất, anh Tùng và cả nhóm nấu được hơn 5.700 suất ăn. Theo chia sẻ của anh Tùng, từ con số dự kiến ban đầu 28.000 suất ăn, sau 50 ngày, đến nay bếp ăn đã hỗ trợ được 154.445 suất cho người dân, bệnh nhi và lực lượng tuyến đầu chống dịch. Tính đến ngày 1/8, tổng suất ăn mà họ nấu được đã lên tới 194.211 suất. Con số ấy là thành quả có được từ sự ủng hộ, đóng góp về nhân lực và vật lực của những tấm lòng hảo tâm, các mạnh thường quân trên khắp mọi miền Tổ quốc, đặc biệt là những thanh niên tình nguyện đầy nhiệt huyết của thành phố.

Bởi hoạt động trong mùa dịch nên mọi hoạt động tại gian bếp đều phải được đảm bảo an toàn. Anh Tùng chia sẻ: “Tại bếp ăn, mọi người đều tuân thủ nghiêm các quy định phòng chống dịch. Khi tham gia hỗ trợ nấu ăn, cứ sau 72 giờ mỗi người sẽ được lấy mẫu test nhanh 1 lần. Bên cạnh đó, những người ra vào khu vực bếp ăn đều được đo nhiệt độ và qua quy trình khử khuẩn rất chặt chẽ. Mọi người cũng tuân thủ quy định hạn chế tiếp xúc người và cũng hạn chế nhận thêm những người mới”. Cũng chính là đảm bảo sự an toàn mà anh và những người cùng hỗ trợ yên tâm hơn khi nấu ăn.

Cứ thế, mỗi ngày, hàng nghìn suất cơm được vận chuyện an toàn đến các khu vực phong toả, người dân khó khăn và lực lượng chống dịch. Để có được hàng nghìn suất ăn ấy là sự đánh đổi từ những đêm không ngủ, những ngày làm việc quần quật liên tục từ sáng sớm đến tận tối mịt của anh Tùng cùng các tình nguyện viên.

Dù cực nhọc nhưng mỗi khi cơm đến tay người dân là ai nấy cũng cảm thấy ấm lòng. Dẫu biết rằng vài suất ăn sẽ không thể nào thay đổi được một mảnh đời nhưng chắc chắn sẽ làm ấm bụng cho những ai thực sự khó khăn và cần đến trong mùa dịch này.

Anh Tùng khi tham gia nấu ăn cho Bếp ăn nghĩa tình. Những ngày đầu tay anh thường bị mỏi do không quen với dụng cụ lớn.

Anh Tùng khi tham gia nấu ăn cho Bếp ăn nghĩa tình. Những ngày đầu tay anh thường bị mỏi do không quen với dụng cụ lớn.

Một “gia đình” gắn kết

Nhóm tình nguyện hỗ trợ ngoài anh Tùng còn có rất nhiều bạn trẻ khác. Chẳng hạn, anh Võ Quốc Bình, Đội trưởng Đội công tác xã hội thanh niên TP HCM cũng là một thành viên của bếp ăn nghĩa tình. Ngoài việc kết nối, tiếp nhận nhu yếu phẩm do các tổ chức, cá nhân gửi tặng bếp ăn, anh cũng kiêm luôn một số công việc không tên khác như trực tiếp đứng bếp, bốc vác hàng hóa khi có những chuyến xe chở rau, củ từ các tỉnh về để phân phát cho người dân ở các khu vực bị phong tỏa.

Mỗi người có một câu chuyện, một hoàn cảnh riêng nhưng cùng gắn kết nhau ở bếp ăn nghĩa tình. Họ từ những con người xa lạ, bỗng quen thân với nhau, cùng trở thành một gia đình và chung tấm lòng hướng về “Sài Gòn đang bệnh”. Những hôm mệt mỏi, mọi người thường động viên nhau: “Kiên à, Phú à, Uyên à… thay áo khô để khỏi bệnh… Thắm, Hương đi ngủ đi… Khánh à ăn cơm đi để có sức làm…”.

Anh Tùng tâm sự: “Hôm nay thấy thiếu, các thành viên lại hỏi han nhau vì sợ bị phong toả không thể ra ngoài. Có một số bạn là sinh viên vẫn đang thi học kỳ nên phải tranh thủ thay nhau làm, xen kẽ những hôm đi học hay đi thi. Tôi cảm nhận đó là 1 gia đình thật vui và gắn kết. Gia đình mà, cũng phải có những khi cãi nhau, giận nhau nhưng chưa bao giờ hết thương nhau”.

Gần 1 tháng trong vai đầu bếp, anh Tùng đã có nhiều trải nghiệm đáng nhớ. Anh chia sẻ, có những ngày mưa, công việc của bếp ăn lại bận rộn hơn gấp bội. Có hôm Sài Gòn mưa lớn, cả nhóm ai cũng bị dính mưa nhưng rồi cũng gọi nhau mặc áo mưa rồi vui vẻ tiếp tục ngồi làm cá, cắt rau. “Mưa tạt làm cho hai bếp không nấu được nên năng suất giảm. Mà phải chạy cho kịp suất ăn nên vất vả”, anh Tùng chia sẻ.

Có những hôm vất vả quá, anh lo lắng mọi người bị ốm, lúc đấy nhân lực giảm, thiếu một tay sẽ thiếu một việc, vậy nên càng vất vả hơn nhiều. Cũng có những lúc tưởng chừng sẽ dừng lại nhưng rồi anh nghĩ, nếu nghỉ, mọi người sẽ không làm kịp. Vả lại, những người khó khăn ngoài kia cần những suất cơm ấy trong mùa dịch, với họ là cả một bữa no. Nghĩ thế, anh lại có động lực để tiếp tục làm, cứ thế đã hơn ba tuần.

Tham gia công việc tình nguyện ngay chính giữa lúc dịch bệnh ở TP HCM căng thẳng nhất, anh Tùng đã vấp phải những phản đối từ phía gia đình. Những ngày anh tham gia tình nguyện, gia đình đã không biết. Sau này, khi biết anh đi tình nguyện vùng dịch, mẹ anh đã gọi điện khuyên anh nghỉ làm cũng bởi lo sợ tình hình dịch bệnh nguy hiểm. Nhưng đã quyết đi là làm, hiện tại, anh vẫn sẽ tiếp tục công việc này. “Tôi thuyết phục gia đình khu vực làm an toàn nên gia đình cũng “êm êm”, không biết sắp tới còn kêu nghỉ không”, anh Tùng vui vẻ chia sẻ.

Anh Bùi Thanh Tùng từng là hướng dẫn viên du lịch nhưng phải ngưng việc từ tháng 3/2020.

Anh Bùi Thanh Tùng từng là hướng dẫn viên du lịch nhưng phải ngưng việc từ tháng 3/2020.

Và hướng dẫn viên du lịch thời covid

Là một hướng dẫn viên du lịch, anh Tùng thuộc nhóm những ngành nghề lao động gặp khó khăn nhất trong hơn 1 năm qua. Anh chia sẻ, anh đã ngưng việc từ tháng 3/2020 nên từ đó đến nay thu nhập “không có thêm, chỉ có ra”, cuộc sống không còn thoải mái như trước.

Nhưng cũng chính từ trong mùa dịch này, anh tận dụng thời gian theo học lớp làm bánh Âu và bánh kem chuyên nghiệp nên có thêm nhiều niềm vui từ bơ, trứng, sữa. Cũng từ đó, anh chuyển sang bán online và được nhiều người quen, bạn bè ủng hộ. Nguồn thu nhập dù khiêm tốn nhưng với anh, “cũng có ít đóng tiền điện nước và quan trọng là có việc để không suy nghĩ bi quan”. Bếp ăn tình nghĩa đã mang lại cho anh nhiều niềm vui mới, nhiều kỷ niệm và cũng là nơi để anh có thể góp sức mình cho Sài Gòn, cho cuộc chiến chống dịch còn nhiều gian nan.

Thời gian dịch kéo dài nên bản thân anh cũng chưa thể về quê thăm gia đình. Khi dịch bệnh sớm có thể được kiểm soát và hình ổn hơn, bản thân anh cũng có điều kiện trở về Kiên Giang. Dự định sắp tới, anh Tùng vẫn sẽ tiếp tục theo học các lớp làm bánh và học thêm 1 lớp ngôn ngữ mới để thuận tiện cho công việc sau này.

“Tôi hy vọng sẽ luôn khỏe và sát cánh bên các “bạn” của tôi để mong đến ngày Sài Gòn lại “khỏe”, lại nhộn nhịp. Vì tôi, chúng tôi hay nói với nhau “sao tui sợ cái đường vắng tanh, ngã tư không người này quá mấy bà à”, anh Tùng chia sẻ.

Đọc thêm

Trung tâm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực: Nơi bình yên tìm về

Ngôi nhà Ánh Dương ở Thanh Hóa chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2022. (Ảnh: HLHPNVN)
(PLVN) -  Với nạn nhân bị bạo lực giới nói chung và bạo lực gia đình nói riêng, để “bình yên tìm về” là cả một hành trình dài. Nhưng qua mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực - Ngôi nhà Ánh Dương, trong hành trình đó, họ không đơn độc. Với nhiều người, hạnh phúc, bình yên đã thực sự trở lại.

Ngăn chặn ma túy “núp bóng” thuốc lá điện tử

Hiện nay chỉ có một số ít cơ quan có năng lực xét nghiệm phát hiện ma túy tổng hợp được như: Viện Giám định Pháp y – Bộ Y tế, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an. (Nguồn ảnh: Thanh Loan)
(PLVN) -  Trong những năm gần đây, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới hay còn gọi là thuốc lá mới đã xuất hiện trên toàn thế giới với hai dòng sản phẩm chính là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay, khoảng từ năm 2015, các sản phẩm thuốc lá mới bắt đầu du nhập vào Việt Nam và nhanh chóng thu hút giới trẻ.

Thuốc lá điện tử gây ảo giác, loạn thần

4 trường hợp là học sinh nhập viện do ngộ độc sau khi hút thuốc lá điện tử. (Ảnh: Bệnh viện Bãi Cháy)
(PLVN) - Thời gian qua, tại một số bệnh viện đã tiếp nhận một số bệnh nhân đến điều trị có liên quan đến hút thuốc lá điện tử. Điều đáng lưu ý là hầu hết, bệnh nhân đến bệnh viện do có dấu hiệu đau đầu, lo âu, mất ngủ, rối loạn hoảng sợ, có một vài trường hợp có dấu hiệu loạn thần, ảo giác. Vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tâm thần của người sử dụng.

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu
(PLVN) - Hòa chung không khí thi đua sôi nổi của thiếu nhi cả nước, thiếu nhi Bạc Liêu đã và đang ra sức thi đua rèn luyện, học tập, thực hiện các công trình, phần việc Măng non lập thành tích chào mừng để kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15/5/1941 – 15/5/2023), làm quà nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023).

Đừng coi thường say nóng, say nắng

Ảnh minh họa. (Nguồn: baochinhphu.vn)
(PLVN) -  Dù miền Bắc mới bước vào đợt nắng nóng gay gắt diện rộng thứ 2 kể từ đầu mùa nhưng nhiệt độ cao nhất ở nhiều nơi mấy ngày qua đều chạm hoặc vượt ngưỡng 40 độ C. Dự báo, thời gian tới sẽ xuất hiện nắng nóng nhiều hơn và gia tăng về cường độ trên phạm vi toàn quốc.