Tại ấp Mỹ Hiệp 1, người dân nơi đây không còn quá lạ lẫm với hình ảnh chàng thanh niên nước da ngăm đen đang ngày ngày tái sinh cuộc đời mới cho những chiếc lốp phế liệu xinh xắn, đẹp đẽ. Điều mà trước đây ai cũng nghĩ, một vật sau khi hết vòng đời sử dụng sẽ được vào bãi “ve chai” nhưng bất ngờ lại có công năng và diện mạo khác. Để có được sự công nhận này, ít ai biết được anh Trần Hoàng Kha phải trải qua nhiều giai đoạn khó khăn, vất vả.
Trắc trở với con đường khởi nghiệp xanh
Trò chuyện với PLVN, anh Trần Hoàng Kha cho biết, cách đây hơn 1 năm, công việc chính của anh là thợ điện lạnh, hàng ngày rong ruổi các tỉnh miền Tây mỗi khi tiếp nhận thông tin sự cố về máy lạnh. Ấy rồi, khi dịch Covid-19 bùng phát, việc làm của anh cũng như bao người khác đều phải dừng lại. Cơ duyên đưa những chiếc lốp xe “hết date” đến với anh khi vô tình nhìn thấy thông tin trên mạng xã hội có thể tái chế chúng thành những vật trang trí hữu ích. Lúc đó, anh Kha nảy sinh một ý tưởng, đó là sẽ tái chế những chiếc lốp bỏ đi để góp phần bảo vệ môi trường nhưng vẫn đem lại hiệu quả kinh tế.
Anh Kha miệt mài bên công việc hằng ngày của mình. |
Nghĩ là làm, anh Kha bắt tay ngay vào dự án của mình sau khi tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát. Thời gian đầu khi thực hiện mô hình này, gia đình và người thân của anh Kha có phần phản đối vì không biết công việc này sẽ đi về đâu, thu nhập ra sao. Nhưng với quyết tâm của mình, anh đã không ngần ngại bước ra khỏi vùng an toàn để sang một trang mới.
Thấy được nghị lực của anh khi mới khởi nghiệp, Đoàn Thanh niên xã Tân Tiến đã hỗ trợ cho anh vay 50 triệu đồng để anh mua nguyên liệu tiếp tục phát triển công việc. “Quyết định từ bỏ nghề điện lạnh sang một công việc còn khá mới mẻ, còn ít người biết đến thì thật sự là khá táo bạo. Nhưng mình tin dần dần sẽ có những người hiểu và biết đến những giá trị mình mang lại”, anh Kha trải lòng.
Chậu kiểng là một trong những sản phẩm đầu tay của anh Kha. |
Gian nan cũng bắt đầu từ đây. Nhiều sản phẩm anh làm ra trong thời điểm ban đầu không đạt như ý muốn. Thời gian để tạo ra một sản phẩm cũng lâu hơn so với dự tính. Nhưng với bản tính cần cù, ham học hỏi, dần dần anh rút ra được nhiều kinh nghiệm nên làm rất suôn sẻ. Sản phẩm hoàn thiện đầu tay của anh lúc bây giờ cũng chỉ được có vài cái, sau nhiều người thấy lạ nên đã hỏi mua, từ đó anh Kha càng có có động lực hơn để tiếp tục sản xuất.
Khi công việc bắt đầu có tín hiệu tốt thì cũng là lúc bước đầu anh tính đến chuyện tìm cho mình nguồn nguyên liệu đầu vào ổn định. Trong thời gian này, nhiều chủ gara, cơ sở vá vỏ biết anh thu mua về để chế tác nên hét giá hơn so với dự định ban đầu. Không ít lần anh nhận hàng về là những lốp xe hư hỏng quá mức, ảnh hưởng đến độ bền và tính thẩm mỹ của sản phẩm.
Tuy đối mặt với những khó khăn, vấp ngã trong bước đầu khởi nghiệp. Nhưng anh Kha cho rằng những gian nan đó sẽ càng trở thành động lực để anh dấn thân, tiếp tục đi trên con đường của mình.
Hiện thực hóa bằng những giọt mồ hôi
Dù hiện tại cơ sở của anh Kha đã có đầu mối cung cấp nguồn nguyên liệu đầu vào ổn định, nhưng do bản tính cẩn thận nên mỗi lần nhập hàng, anh đều đến tận nơi các gara ô tô (Hậu Giang, Cần Thơ, Bạc Liêu) lựa chọn kỹ càng. Tuy nói là phế phẩm, nhưng các lốp xe cũng cần đảm bảo các tiêu chí như: độ đàn hồi còn tốt, không đứt gãy hay thủng quá lớn,… có như vậy mới đem đến tay người tiêu dùng sản phẩm ưng ý nhất.
Bộ bàn ghế được làm rất công phu, tỉ mỉ. |
Theo anh Kha, không dễ gì tạo ra được một sản phẩm ưng ý, đặc biệt là từ những chiếc lốp xe quá khổ. Cụ thể, sau khi nguyên liệu được nhập về, mỗi khi có đơn hàng làm chậu kiểng thì lốp phải trải qua các công đoạn: cắt tạo hình, lật ngược mặt trong, rửa vệ sinh sạch sẽ, sau đó đem phơi khô và quét sơn.
Đối với đơn hàng là mô hình, hay bộ bàn ghế sẽ có cách làm khác nhau, nhưng chung quy đều qua đôi bàn tay khéo léo, tỉ mỉ của anh. Ngoài ra, thời gian để hoàn thành một sản phẩm cũng tùy thuộc vào kích cỡ, như chiếc lốp có kích cỡ nhỏ phải mất 2 ngày, và những chiếc lớn hơn thì từ 4 đến 5 ngày.
Được biết, ưu điểm của những chậu kiểng này so với các chậu được làm bằng chất liệu truyền thống chính là độ bền cao, ít bị tác động môi trường ảnh hưởng.
Mô hình xe máy độc lạ. |
“Trong tất cả các công đoạn để làm nên một chậu kiểng, thì bước lật ngược mặt trong ra ngoài là khó và cực nhất. Vì lốp cao su rất dày và dai nên đòi hỏi nhiều sức lực. Nhiều khi lốp quá lớn mình phải nhờ sự trợ giúp của người thân chứ một mình thì khó có thể nào làm nổi” anh Kha tâm sự.
Giờ đây, trung bình mỗi tháng cơ sở của anh Kha cho “ra lò” hơn 10 sản phẩm gồm các chậu kiểng, bàn, ghế,... Tùy kích cỡ, kiểu dáng nên giá cả cũng có sự dao động từ 80 nghìn – 5 triệu đồng. Tay nghề khéo léo, sản phẩm lạ mắt, thu hút người nhìn đan xen trong đó là tình yêu môi trường đã giúp cho anh Kha nhận được các đơn hàng từ các tỉnh thành đổ về.
Dù hiện tại thu nhập từ loại hình công việc này chưa cao, nhưng bước đầu cho thấy đã cải thiện phần nào cuộc sống của gia đình anh.
Những chậu kiểng lớn phải làm rất công phu, vất vả. |
Nhìn vào ánh mắt cương nghị của chàng thanh niên gầy guộc với đôi bàn tay chai sần theo năm tháng, tin chắc rằng dự án khởi nghiệp với lốp xe tái chế của anh Kha sẽ thành công hơn nữa. Qua đó góp phần lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường đến với đông đảo người tiêu dùng hiện nay. Nhất là thế hệ trẻ cùng chung tay xây dựng một môi trường sống ngày càng văn minh, xanh - sạch - đẹp.