Sinh năm 1987 ở một vùng miền núi huyện Hương Khê, Hà Tĩnh, hiện đang là sinh viên năm thứ 3 ngành Nông học, Khoa Nông lâm, ĐH Vinh, Trần Kim Việt làm kinh ngạc bạn bè, thầy cô giáo bởi ý chí nghị lực, lòng đam mê nghiên cứu khoa học của một sinh viên tàn tật…Việt đã từng lập 3 kỷ lục về đi “ trồng cây chuối” từ tầng 3 xuống.
Việt dến trường bằng cách đi "trồng cây chuối” |
“ Đi ”… bằng hai tay
Lần đầu tiên chứng kiến cảnh Việt đi bằng cách trồng cây chuối từ giảng đường ( tầng 3) xuống, tôi trố mắt ngạc nhiên. Hai bàn tay xỏ dép, chân trồng chuối, cổ mang túi (đựng tài liệu), Việt di chuyển từng bậc cầu thang xuống không mấy khó khăn. Đến bậc cuối cùng tầng 1, Việt nhẹ nhàng hạ chân xuống. Tay phải trụ vào chân trái, rất khó khăn mới có thể đứng được.
Việt nhoẻn cười (thay cho lời chào). “ Kể từ khi nhà trường chuyển sang học tín chỉ, phải tập trung học ở giảng đường (tầng 3), mà lần nào đến lớp cũng phiền bạn bè cõng , cháu quyết định lên xuống bằng cách “trồng cây chuối” vừa chủ động, vừa được tập thể dục. Lúc đầu bạn bè thấy lạ cũng đến xem, nhưng lâu dần thành quen”.
Được biết, khi đang học lớp 12A1 tại trường THPT Hương Khê, Việt đã lập ba kỷ lục: Chân giữ 2 quả bóng, đi bằng tư thế “trồng chuối” từ tầng ba xuống; lần 2 là 2 quả trứng, lần ba là hai chiếc ghế di chuyển trong hành lang lớp học. Cả ba lần, Việt đã thành công trong sự cổ vũ nhiệt tình của bạn bè trong lớp, trong trường. Kể từ đó, Việt có biệt danh: “Việt xiếc”. “Sự thật thì cháu đã phải luyện tập trong mấy năm trời. Lần đầu cháu tập trong sân. Bị ngã không biết bao nhiêu lần nữa. Có khi bị chấn thương chân, tay tím tái, nhưng rồi cắn răng, không nản chí, cháu quyết tập bằng được!”. Việt tâm sự.
Sinh ra trong một gia đình không may mắn, bố bị di chứng chất độc da cam, mẹ bị hở van tim độ 3, Việt đã bị tàn tật bẩm sinh từ nhỏ. “Vợ chồng chúng tôi ôm cháu đi hết bệnh viện huyện, tỉnh, nhưng rồi tiền mất, tật vẫn mang chú ạ”. Ông Trần Kim Minh (bố Việt) thổ lộ.
Chân trái của Việt bị teo cơ, mềm nhũn; chân phải không bình thường (chân phải dài hơn chân trái 5cm), bàn chân dị dạng, hai chân thọt, khiến cho việc đi lại hết sức khó khăn. “Anh Nguyễn Ngọc Ký bị bại liệt hai tay, tập viết thành công và cháu nghĩ mình bị liệt chân thì có thể tập đi bằng tay; “ tàn mà không phế ”. Ý tưởng nảy sinh từ đó và cháu đã không bỏ dở nửa chừng”. Việt bộc bạch.
Khi đứng dậy, Việt trụ tay vào chân khó khăn |
Chàng sinh viên giàu ý tưởng
Tôi đã về Hương Khê (quê Việt) nhiều lần và chứng kiến đây là địa phương phát triển cây dó trầm nhiều nhất trên địa bàn cả nước. Đặc biệt tại xã Hương Phúc, nhà nhà ươm, trồng cây dó trầm và người người ươm trồng cây dó trầm. Việt thuyết minh: “Phát triển cây dó trầm cốt để lấy trầm, nhưng không phải cây nào cũng cho trầm. Có thể công, tiền bạc của bà con nông dân ở quê cháu trở thành công cốc, do vậy, xuất phát từ thực tế đó, được các thầy giáo trong khoa khích lệ, cháu đã tiến hành nghiên cứu đề tài: “Tạo dầu cho cây dó trầm. Nếu đề tài thành công thì cây dó trầm sẽ thành cây vàng cho bà con nông dân xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu”. Đề tài được ấp ủ và manh nha khi đang học phổ thông và được triển khai vào tháng 3 năm 2009. “Khó nhất là tìm được cơ chế tạo dầu của cây dó trầm, từ đó lựa chọn cách tác động vào cây dó trầm một cách hiệu quả nhất thì chúng cháu đã được PGS.TS Trần Ngọc Lân hướng dẫn. Ban đầu, chỉ một mình cháu, nhưng bây giờ đề tài đã mở rộng ngoại diên nghiên cứu, và không phải mình cháu đơn độc nữa mà có 5 bạn cùng tham gia”. Việt bộc bạch.
Sau khi tìm kiếm thông tin trên mạng, tranh thủ sự giúp đỡ của các chuyên gia, nhóm đề tài củaViệt đã lựa chọn thuốc chế phẩm sinh học của Công ty Lâm Viên (Hà Nội), và lựa chọn được các phương thức tạo vết thương không chỉ trên cây dó trầm mà cả trên phần rễ dó trầm nổi trên mặt đất. “Vấn đề lựa chọn cây để khoanh vùng thực nghiệm không khó. Chúng cháu về Hương Khê mua và chọn 16 cây dó trầm trên 7 vườn ở 2 xã Hương Long và Gia Phố. Chúng cháu phân công nhau luân phiên về Hương Khê theo dõi, ghi nhận xét theo định kỳ những biến đổi của cây dó trầm. Bước đầu, ở những cây thực nghiệm đã cho kết quả xuất hiện trầm tốc (các sợi đen, dấu hiệu của hình thành trầm)”. Đào Hồng Mạnh (48 ngành khuyến nông, thành viên của nhóm) trao đổi.
Phòng thực nghiệm là nơi học của SV |
Để tiến hành đề tài này, nhóm của Việt đã đối mặt trước thách thức về nguồn tài chình, về thời gian. Được biết, để tiến hành thực nghiệm trên 16 cây dó trầm, nhóm của Việt đã đầu tư gần 12 triệu đồng. Trước mắt mỗi thành viên trong nhóm góp vào 2 triệu đồng. Để có nguồn vốn, Việt và các thành viên trong nhóm đã phải đi dạy kèm, sữa chữa máy vi tính vv…
Và theo định kỳ, thứ 7 Việt lại lên tàu về ga Chu Lễ đến cơ sở thực nghiệm đề tài, bất chấp mưa, nắng, đường sá xa xôi. “Chúng cháu phải tằn tiện, chắt lót từng đồng, có khi nhịn cả ăn sáng. Mặc dầu thế, cứ nghĩ về dó trầm với những ấp ủ và dự định, triển vọng là cháu lại lại say sưa”. Việt tâm sự!
Anh Nguyễn Hồng Soa (nguyên bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Trường ĐH Vinh) cho biết: “Điều đáng nói ở Việt là nghị lực vượt lên hoàn cảnh. Việt có cả môi trường tốt để rèn luyện phấn đấu. Tại trường ĐH Vinh, có hàng chục sinh viên tàn tật, nhưng điều đáng trân trọng là nghị lực ý chí phấn đấu của họ rất đáng cho bạn trẻ học tập.
Vừa qua, Việt là một trong 8 SV giành được giải trong Cuộc thi “Tìm hiểu 80 ngành xây dựng Đảng”. Anh Lê Công Đức (Phòng quản lý sinh viên) cho biết: “Hiện nay, Việt đang tham gia cuộc thi Green 2010 với ý tưởng trồng cây dọc mùng và cây bèo cám ở hồ nước thải sinh hoạt để lọc nước thải, góp phần bảo vệ môi trường xanh, sạch đẹp”.
Việt nói thêm: “ Đề tài của cháu đã được một nhóm các bạn sinh viên hưởng ứng, tham gia và trở thành thành viên của đề tài. Đó là bạn Tú, Quỳnh, Thảo, Thương đều học cùng khoa và có ước nguyện giống cháu”.
PGS, TS Trần Ngọc Lân cho biết: “Khoa Nông-Lâm-Ngư đang quán triệt tinh thần đổi mới phương pháp GD Đại học mà xương sống là chuyển hình thức đào tạo sang tự đào tạo. Chúng tôi xác định, học trong thực tiễn, học từ nhân dân, học trong phòng thí nghiệm, và học từ những các cơ sở thực nghiệm.
Mấy năm gần đây, Khoa đã tạo điều kiện cho sinh viên nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Con số 30% sinh viên năm thứ 1 và năm thứ 2, và 100% SV năm thứ 3 , thứ 4 đều tham gia nghiên cứu khoa học; đều từ phòng thí nghiệm và từ cánh đồng, đầm tôm, ao cá, trang trại chăn nuôi gia súc.v.v…là một minh chứng hùng hồn cho sự “lột xác” đổi mới phương thức đào tạo. Gắn lý luận với thực tiễn và nghiên cứu khoa học, Khoa đã xác định được bước di thích hợp và đúng đắn. Trong phong trào chung, thì em Việt lớn lên và trưởng thành, và đó không chỉ là một trường hợp cá biệt”.
Như vậy, do số phận mà người ta có thể khuyết tật về cơ thể, nhưng môi trường đào tạo và bản lĩnh tự tin đã giúp những người khuyết tật hoàn thiện, vươn lên tự khẳng định mình. “Nhà trường và lớp học đã hồi sinh cháu, đã thổi vào cháu niềm đam mê, khát vọng, thắp dậy trong cháu niềm tin vào chính mình vào cuộc đời. Cho nên, ĐH Vinh là ĐH cuộc đời của cháu”. Việt nói với tôi, giọng rưng rưng xúc động.
Theo GDTĐ