Bỏ phố về quê làm giò
Anh Trần Văn Vững (SN 1987)- Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Nam Phát (Nam Định) xuất thân trong một gia đình có nghề làm giò, chả, nem thủ công gia truyền. Ngay từ hồi đi học, do phải cùng cha mẹ làm hàng nên các công thức, kỹ thuật để làm ra sản phẩm giò, chả, nem truyền thống Vững đã sớm nắm chắc. Cái nghề tuy vất vả sớm khuya nhưng bù lại đã mang lại sự sung túc, no ấm cho gia đình, đưa anh em Vững bước vào giảng đường đại học thênh thang.
Cũng như các bậc phụ huynh thời ấy, cha mẹ Vững từng ý định cho các con ăn học thành tài để sau này không phải thức khuya dậy sớm lao động vất vả như mình. Không phụ lòng cha mẹ, cả ba anh em Vững đều chăm ngoan, học giỏi. Tốt nghiệp Đại học Điện lực Hà Nội, thời gian đầu Vững đi làm cho một tổng công ty, sau đó tự mở một cửa hàng kinh doanh điện thoại và máy tính bảng ngay tại một phố chính ở Hà Nội, bước đầu cũng ăn lên làm ra.
“Nếu tiếp tục duy trì, có lẽ giờ tôi cũng xây được chuỗi cửa hàng điện thoại, máy tính bảng được nhiều người biết tên. Nhưng không hiểu sao, dù đi đâu, làm gì thì từ sâu thẳm trong lòng mình, tôi vẫn cứ đau đáu nghĩ về nghề truyền thống của gia đình, hương vị giò chả luôn ám ảnh trong tâm hồn tôi”- Giám đốc 8X chia sẻ.
Thời điểm Vững lập nghiệp ở Hà Nội, mặc dù kinh tế gia đình đã khá giả nhưng cha mẹ anh vẫn duy trì cơ sở sản xuất giò chả gia truyền tại Nam Định. Mỗi lần về quê, Vững ngạc nhiên khi thấy cha mẹ mình cặm cụi từ 3-4h sáng để làm giò; dường như với ông bà, mỗi một sản phẩm ra lò như một tác phẩm nghệ thuật chứ không chỉ đơn thuần là miếng ăn chín.
Vững nhận ra rằng, với những người trong gia đình anh, được làm nghề không chỉ để kiếm miếng cơm manh áo mà còn vì tình yêu và nỗi đam mê. Lòng yêu nghề cũng đã khiến chị gái Vững mở xưởng làm giò chả tại quê chồng. Các chú, bác Vững sinh sống ở các tỉnh, thành khác nhau đều mang theo và tiếp tục phát triển nghề giò chả. Và rồi, như một lẽ tự nhiên, một ngày nọ chàng kỹ sư quyết định bỏ phố về quê khởi nghiệp lại từ nghề sản xuất giò chả truyền thống của gia đình.
Ban đầu cơ sở sản xuất của Vững có tên là cơ sở sản xuất giò chả Hương Việt. Khi đó quy mô sản xuất chưa lớn, chỉ có 3-4 công nhân làm việc thường xuyên, trong đó Vững vừa là kỹ thuật chính. Sản phẩm của Hương Việt bao gồm các loại giò, chả, nem chua… chủ yếu cung ứng cho các mối quen là một số nhà hàng, quán nhậu trên địa bàn.
“Sản phẩm giò, chả làm theo công thức truyền thống đương nhiên chất lượng ngon rồi, nhưng như các bạn biết, giò chả chỉ xuất hiện trên mâm cỗ truyền thống của các gia đình trong các dịp giỗ, tết; chứ chúng không phải là món ăn thường xuyên trong các mâm cơm gia đình. Nhưng nếu sản phẩm giò chả ngon và lành mà lại chỉ để phục vụ giỗ tết thì thật là “phụ lòng” giò chả! Với suy nghĩ đó, Vững đã tìm tòi, sáng tạo ra sản phẩm giò gói mi-ni gồm giò lụa, giò bò, giò tai phục vụ các quán nhậu, các quán ăn vặt, ăn bữa xế. Sản phẩm ra đời lập tức được thị trường hào hứng đón nhận, doanh số tăng vọt.
Công nhân Công ty Nam Phát đang sản xuất giò 7 phút |
Không ngừng vận động, phát triển
Năm 2013, trên “nền móng” của Hương Việt, Công ty Cổ phần Đầu tư Nam Phát ra đời do Trần Văn Vững làm giám đốc. Ngành nghề sản xuất của Nam Phát vẫn chủ yếu là các sản phẩm làm từ thịt lợn, bò, gà như giò, chả các loại, nem chua, thịt nguội, dăm bông, xúc xích… Ngoài ra công ty còn phân phối các mặt hàng như mực chỉ nạc, thịt chua, bia…
Thời gian đầu, Nam Phát sản xuất, cung ứng mỗi ngày trung bình khoảng 3 tạ giò chả các loại và 3 tạ xúc xích; tạo công ăn việc làm ổn định cho khoảng 30- 40 công nhân. Đó đã là con số mà nhiều doanh nghiệp tư nhân ao ước. Nhưng ông chủ trẻ vẫn chưa hài lòng với những gì đạt được, anh vẫn tiếp tục tìm tòi, nghiên cứu để sáng tạo ra sản phẩm mới hơn, chất lượng tốt hơn.
“Giò ngon nhất là khi ăn lúc vừa hấp chín, vẫn còn nóng ấm; nếu sản phẩm đã được luộc chín sẵn cung ứng ra thị trường, khi đến tay thực khách thì vị ngon đã giảm bớt đi nhiều. Sau thời gian tìm tòi, sáng tạo, Nam Phát đã cho ra đời sản phẩm giò nóng 7 phút. Đó là sản phẩm giò sống gói lá dong được luộc chín trong vòng 7 phút, bảo đảm thơm ngon tròn vị. Đây cũng là sản phẩm do Nam Phát nghiên cứu sáng tạo ra đầu tiên, được thực khách đón nhận tốt. Hiện giò nóng 7 phút của Nam Phát mới được bổ sung vào danh sách đặc sản Nam Định. Sau này, nhiều doanh nghiệp khác cũng cho ra đời những sản phẩm tương tự như giò nóng 9 phút, 10 phút…” – Giám đốc Trần Văn Vững chia sẻ.
Với phương châm luôn sáng tạo ra sản phẩm mới phục vụ nhu cầu ẩm thực của nhiều đối tượng người tiêu dùng, hiện Công ty Nam Phát vừa cho ra đời một số sản phẩm mới là giò sụn và dồi sụn nướng. Cùng với giò nóng 7 phút chưa bao giờ hết “nóng” trên thị trường, giò sụn và dồi sụn Nam Phát cũng luôn trong tình trạng “cháy” hàng.
Theo chị Trần Hà Linh (bà xã của Giám đốc Trần Văn Vững) thì “bí quyết” để sản phẩm của Nam Phát luôn bảo đảm sạch, ngon và lành, được thực khách ưa chuộng là do công ty đã lựa chọn chặt chẽ ngay từ khâu “đầu vào”. Đó là nguồn thực phẩm phải tươi ngon, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Hiện Công ty Nam Phát lựa chọn nhà cung cấp thực phẩm thịt nạc bò, lợn từ trang trại thịt sạch Nghĩa Thành (TP Nam Định), với đầy đủ giấy tờ chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm. Do Nam Phát sản xuất theo phương pháp thủ công truyền thống nên thịt làm giò luôn yêu cầu là thịt tươi ngon, vừa mới giết mổ xong, hàng ngày công nhân công ty phải dậy từ lúc 3 giờ sáng để làm việc. Ngay cả lá dong, lá chuối dùng để gói giò cũng được công ty tuyển lựa kỹ lưỡng, được đặt trồng tại các nhà vườn với yêu cầu nghiêm ngặt, rửa kỹ bằng nước sạch.
Giờ đang vào cao điểm của mùa Worl Cup, bình quân mỗi ngày Công ty Nam Phát sản xuất hơn chục vạn giò 7 phút (khoảng 400 kg giò) và khoảng 300 kg xúc xích mỗi ngày, chưa kể nem chua, dăm bông các loại. Những hôm có khách hàng đặt thêm đột xuất có thể tăng 1,5 lần. Ngoài 75 công nhân đang làm việc ổn định, công ty còn tuyển thêm công nhân theo thời vụ mới bảo đảm sản lượng cung ứng.
Sản phẩm giò chả Nam Phát được giới thiệu tại buổi lễ khai trương Văn phòng hợp tác 3 bên giữa Nhật Bản, Nam Định và một trường đại học tổ chức tại Nam Định |
Được biết, tùy theo tính chất công việc mà mỗi công nhân làm việc tại Nam Phát được nhận mức lương từ 3- 4 triệu đồng/tháng; chưa kể họ còn được công ty bao ăn ở, sinh hoạt phí. Để giải bài toán công ăn việc làm ổn định cho gần tám chục công nhân, “bà chủ” Trần Hà Linh cho biết: Công ty Nam Phát luôn đa dạng hóa hình thức kinh doanh, tiếp thị sản phẩm. Ngoài hệ thống đại lý phân phối sản phẩm giò chả Nam Phát hiện đang có mặt ở 12 tỉnh, thành phía Bắc, Công ty còn mở rộng hình thức kinh doanh tiếp thị sản phẩm qua mạng và phân phối sản phẩm đến tận tay người tiêu dùng. “Vào dịp Tết cổ truyền, sản phẩm giò chả Nam Phát đã được người quen đặt hàng với số lượng lớn đi một số nước như Thái Lan, Hàn Quốc, Singapore. Hiện Công ty Nam Phát là thành viên của Hiệp hội Nông sản sạch tỉnh Nam Định”- chị Linh phấn khởi “khoe”.
“Đến giờ vẫn có người hỏi tôi tại sao học đại học ngành hot thế mà lại về làm “anh bán giò”? Không thấy uổng công đèn sách hay sao? Tôi vui vẻ trả lời luôn: Chính tôi đã lựa chọn “giữ lửa” nghề truyền thống của gia đình và ngày càng thấy đúng đắn, không hối tiếc. Mình kiếm được đồng tiền chân chính nuôi được gia đình sung túc đã là đáng quý, giúp được bảy, tám chục lao động khác có công ăn việc làm ổn định chẳng là đáng tự hào lắm sao?”- Giám đốc 30 tuổi cười sảng khoái trải lòng.
Về phương hướng phát triển thời gian tới, Giám đốc Trần Văn Vững cho biết Công ty tiếp tục tìm tòi cải tiến, sáng tạo ra sản phẩm mới. Sẽ phát triển thêm hệ thống đại lý phân phối sản phẩm và phấn đấu đưa được sản phẩm của Nam Phát vào một số hệ thống siêu thị. Công ty cũng phát triển mở rộng diện tích nhà xưởng sản xuất, hiện đang gấp rút hoàn thành khu nhà ở cho công nhân, dự kiến đến tháng 8/2018 công nhân của Nam Phát sẽ có nhà mới!