Hướng đi táo bạo
Sinh ra ở vùng đất bãi ngang, ven biển nên gia đình Lê Văn Dương (30 tuổi), ngụ xã Quỳnh Bảng, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) chủ yếu làm nông. Tốt nghiệp cấp 3, Dương thi đậu vào khoa Công nghệ thực phẩm của trường Đại học Vinh. Sau 5 năm học tập, Dương đã có trên tay tấm bằng kỹ sư Công nghệ thực thẩm. Ra trường, vùng đất mà chàng thanh niên trẻ muốn thử sức mình là TP HCM.
Tại đây, Dương không quá khó để tìm cho mình một công việc đúng với chuyên nghành. Dù vậy, trong suốt quá trình làm việc, chàng trai trẻ luôn trăn trở chuyện về quê lập nghiệp, phần vì thấy cuộc sống xa nhà vất vả trong khi đồng lương ít ỏi, phần vì muốn trở về nơi mình sinh ra để phát triển kinh tế. Sau gần 1 năm trăn trở, Dương quyết định nộp đơn xin nghỉ việc để về quê bắt đầu công việc mới.
Ngày thấy đứa con mình từng đặt hết hy vọng ôm đồ đạc về quê, người bố không khỏi bất ngờ. “Bỏ việc, về quê thì làm nghề gì mà sống?”, đó là câu hỏi đầu tiên mà bố của Dương đã đặt ra với con trai mình. Dương kể, vì chuyện bản thân bỏ việc thành phố về quê mà anh bị bố giận một thời gian. Ông tiếc vì sau nhiều năm học đại học, đứa con của mình lại bỏ ngang, xếp bằng đại học vào góc tủ. Người cha ấy càng sửng sốt hơn khi nghe Dương trình bày sẽ vay vốn ngân hàng để nuôi gà.
Tất nhiên, ông là người kịch liệt phản đối vì gia đình chưa bao giờ nuôi gà theo hình thức trang trại với chi phí lớn. Đó là chưa kể đến chuyện nếu dịch bệnh xảy ra sẽ mất trắng tất cả vì kinh nghiệm chưa có. Phản đối là vậy, nhưng ông không đành lòng bỏ mặc đứa con của mình. Năm 2015, từ số tiền ít ỏi tích góp được sau thời gian đi làm ở thành phố, cộng với việc được bố thế chấp nhà để vay ngân hàng 50 triệu đồng, Lê Văn Dương bắt đầu với công việc mới: nuôi gà.
Dương kể, thời gian đầu anh nuôi gà thương phẩm nhưng chăm sóc theo phương thức truyền thống, là sử dụng nhiều thuốc kháng sinh và cho vật nuôi ăn thức ăn công nghiệp. Cách nuôi này tuy gà tăng trọng nhanh, cho thu nhập cao, nhưng anh nhận thấy nguồn thực phẩm cung ứng ra thị trường không được sạch. Chính vì thế, anh trăn trở tìm một hướng phát triển mới bền vững hơn cho thương hiệu gà của mình.
Khát vọng làm giàu trên chính mảnh đất quê hương
Bằng sự tìm tòi, tích cực nghiên cứu, học hỏi nên giữa năm 2019, anh Dương đã bắt đầu nuôi gà thử nghiệm bằng thảo dược. Để thực hiện điều này, anh sử dụng cà gai leo, chùm ngây, tía tô, lá lốt, ngải cứu, lá mơ, sả tươi... xay nhỏ xáo trộn vào thức ăn cho gà ăn hàng ngày. Đối với thức ăn thì anh đi thu gom xương bò, lợn ở các nhà hàng về phơi khô, đập bột rồi đem trộn với bột đậu tương, bột cá, cám ngô, cám gạo, dế mèn, ngô, đậu tương, bột cá đã được nấu chín…
Sau đó, tiến hành ép thành viên với hơn 2 tạ thức ăn mỗi ngày. Nuôi gà như chăm “quý tộc” Đặc biệt, anh còn sử dụng bột tảo xoắn - loại thực phẩm có hàm lượng dinh dưỡng cao, cộng với cây hoàn ngọc và men tiêu hóa tự gia đình sản xuất cho gà ăn nhằm có lợi cho đường ruột, kích thích tiêu hóa tốt.
Anh Dương chia sẻ thêm: Thức ăn công nghiệp trong đó có chất bảo quản, chất tăng trọng với chất kháng sinh nên không tốt cho người tiêu dùng thực phẩm. Bên cạnh đó, nuôi bằng hình thức thông thường gà dễ mắc bệnh và khi uống nhiều kháng sinh sẽ bị nhờn thuốc. Vì thế, ngoài tự học hỏi thì có người thân làm thầy thuốc đông y nên bản thân cũng tích lũy được chút kiến thức nên đã mạnh dạn nuôi gà bằng thảo dược và thật sự đã giảm vi khuẩn gây bệnh cho gà được rõ rệt, gà phát triển khỏe mạnh hơn.
Anh Dương chăm sóc đàn gà rất cẩn thận và khoa học |
Để đáp ứng nhu cầu thức ăn cho gà, anh Dương đã quy hoạch từng khu đất, đầu tư hệ thống tưới phun tự động trồng đến 14 loại cây thảo mộc như: chùm ngây, tía tô, sả, ngải cứu, lá mơ, mật gấu…để luôn chủ động nguồn thảo dược phục vụ cho chăn nuôi. Ngoài ra, anh Dương còn bổ sung cho gà ăn rong biển. Bởi vùng quê anh sống gần biển. Anh cho biết, hàng năm thường có nhiều đợt rong biển dạt vào bờ - đây được xem là “lộc trời cho”, bởi rong biển là thức ăn bổ dưỡng, rẻ tiền.
Do đó, anh đã tận dụng nguồn thức ăn này bằng cách thuê người vớt về, sơ chế bảo quản cho gà ăn quanh năm. Chưa hết, khi vào vụ cam giá rẻ anh thu mua về ép nước, bảo quản tủ lạnh cho gà uống dần. Hiện ở trang trại, anh Dương còn trồng gấc để cho gà ăn hàng ngày. Gấc là loại thảo dược có hàm lượng vitamia A, E cao nhằm tăng sức đề kháng, tốt cho sự sinh sản và phát triển của gà. Nhờ được bổ sung thảo dược nên trứng gà của trang trại anh rất thơm, lòng đỏ của trứng có màu khác biệt hơn trứng nuôi thông thường.
Để bổ sung hàm lượng đạm cho gà đẻ, anh Dương còn nuôi dế trên diện tích hơn 500m2. Theo lời anh Dương, dế mèn có hàm lượng protein cao, rất tốt cho hệ vi sinh vật trong đường ruột của gà; sản phẩm trứng gà cũng có hàm lượng protein cao hơn. Chàng thanh niên trẻ còn chăm chút sức khỏe cho đàn gà của mình bằng việc dùng các loại cây thảo dược có tinh dầu như sả, gừng…để xông cho gà như cách trị cảm cúm truyền thống.
Sau đó, lấy nước cho gà uống hàng ngày, do đó đàn gà luôn khỏe mạnh, không cần phải dùng một đến loại kháng sinh nào. Chàng thanh niên trẻ cho biết: “Nuôi gà bằng thảo dược kết hợp với thức ăn tự làm thời gian từ 5 - 6 tháng mới có trứng gà xuất bán (chậm hơn khoảng một tháng so với dùng thức ăn công nghiệp), nhưng bù lại chất lượng trứng và thịt gà thơm ngon hơn hẳn, không có dư lượng chất kháng sinh...
Do đó, giá thành bán ra thị trường cũng cao hơn và được người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn”. Hiện nay, ngoài trang trại gà thịt, anh Dương tập trung chăm sóc cho 2.500 con gà đẻ trứng. Trung bình mỗi ngày đàn gà đẻ khoảng 1.500 trứng, với giá bán lẻ ra thị trường 5000 đồng/1 quả trứng. Anh Dương cho biết, hiện nay thị trường chủ yếu của trang trại là các chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch ở TP Vinh. Anh dự định sẽ đưa trứng gà thảo dược bán sang các tỉnh.
Tuy nhiên, thời gian gần đây do ảnh hưởng của dịch bệnh nên việc vận chuyển ra các tỉnh thành khác chưa được triển khai. Cũng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên dự định mở rộng trang trại của anh Dương chậm so với tiến độ.
Chia sẻ về dự định tương lai, anh cho biết tới đây sau khi hoàn tất thủ tục thuê đất 50 năm sẽ tiến hành mở rộng trang trại nuôi gà đẻ bằng thảo dược. Song song với đó, anh cùng các cộng sự của mình sẽ trồng thêm nhiều loại cây thảo mộc để bổ sung vào nguồn thức ăn cho trang trại gà của mình.
Ngoài ra, anh còn có tham vọng sẽ xây dựng chuỗi liên kết chăn nuôi gà thảo mộc - tảo xoắn giúp người nuôi gà Nghệ An có thu nhập cao và ổn định hơn; góp phần gây dựng phong trào thanh niên làm kinh tế giỏi của tỉnh nhà.