"Mẹ của một người bạn hỏi con của mình: "Bạn con giờ làm chủ cả rồi sao không thấy bao con đi ăn ?". Người bạn Khiêm đáp: " Người ta từ không tiền thành có tiền nên người ta tiết kiệm lắm mẹ ơi!". Đó là một câu chuyện khiến chàng thanh niên Ngô Duy Khiêm nhớ về quãng thời gian đầy vất vả, khó khăn, từ một đôi bàn tay trắng để gây dựng nên thành công.
Từ bỏ đại học vì nhà nghèo
Sau khi tốt nghiệp cấp 3, Duy Khiêm đã nộp 2 bộ hồ sơ thi tuyển vào trường Đại học Khoa học Xã hội và nhân văn Tp.Hồ Chí Minh và trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật. Nhưng người nhà Khiêm bảo: "Tao lấy tiền đâu ra cho mày học hại học...".
Câu nói này khiến Duy Khiêm ý thức rõ gánh nặng suốt 18 năm qua sống bên nội, Khiêm vội rút hồ sơ về và nói với bạn bè rằng: "Mình không thích học đại học, mình thích kiếm tiền trước". Nhưng thực chất trong lòng Duy Khiêm vẫn khao khát được đi học ĐH, được ngồi trên ghế giảng đường, ở ký túc xá như nhiều người khác.
Ở tuổi 18, Duy Khiêm phải đối mặt với những khó khăn của ngày đầu chập chững bước vào cuộc đời. Khi bạn bè của Khiêm, nhiều người vào ĐH, CĐ, người lại đi du học,... còn Khiêm thì cầm hồ sơ đi khắp Sài Gòn xin việc.
Khiêm tâm sự: "Thuở đó mình lóc cóc trên chiếc xe martin 107 đạp tới đạp lui đi xin việc, rồi cũng xin được một công việc bán hàng nhưng lại xa nhà. Phải năn nỉ lắm thì mới mượn được chiếc dream cùn của ông chú đi Mỹ để lại cho ... và thế là mình bắt đầu đi làm".
Hiện tại Duy Khiêm là ông chủ của 2 quán cafe: MÂM Acoustic - chuyên phục vụ cafe nhạc acoustic dành cho giới trẻ và MÂM CÚ MÈO - cafe phục vụ khuya cho những khách sống ban đêm thích uống cafe. |
Thời gian đó, Duy Khiêm đã trải qua nhiều công việc khác nhau như bán chăn nệm ở Dimond Plaza, bán quần áo trẻ em,... Mỗi tối Khiêm còn đi hát cho các quán cafe với mức thù lao 50 nghìn đồng/tối. Tham gia vẽ, thiết kế quần áo bằng giấy cho câu lạc bộ Mực Tím...
Nhớ lại, Khiêm vẫn không thể quên được câu chuyện "dở khóc, dở cười" của mình. Trầm ngâm, Khiêm kể: "Nhớ bữa đầu đi bán nệm ở Diamond, bà nội thấy thương cháu nên dúi vô tay tôi 150 nghìn để đi làm có tiền dằn túi. Tới chỗ bán hàng, chị quản lý mặt nặng mày nhẹ bảo "sao ko mang giày Tây mà mang sandal, một là về đổi giày Tây rồi lên làm tiếp, hai là nghỉ việc".
Sợ mất việc nên mình chạy thục mạng qua chợ Bà Chiểu mua một đôi giày Tây giả da. Cô bán hàng thấy tội bán mở hàng cho giá 135 nghìn, thế là trong túi còn 15 nghìn. Tới trưa đói quá mình xuống đường tìm chỗ ăn, tới gánh bánh ướt hỏi nhỏ "Cô ơi, một dĩa bao nhiêu vậy cô, con còn 15 nghìn đủ không?", cô trả lời: "con ăn 10 nghìn thì cô bán 10 nghìn, để lại 5 nghìn gởi xe đi con"...".
"Mình phải khác"
Bước sang tuổi 20, thấy bạn bè vào năm 2 ĐH và bắt đầu đi làm thêm hoặc vào công ty gia đình làm, nên Khiêm nghĩ "Mình phải sống khác hơn...". Khiêm đã mượn 8 triệu của người cô để học Trung cấp. Sau khi chọn ngành, Khiêm đã quyết định học ngành Thư ký văn phòng vì ngành này chủ yếu là nữ, nên Khiêm hy vọng sẽ có nơi cần nam làm việc.
"Trường nằm trong một con hẻm ở quận 10, đầu hẻm là 1 tòa nhà to, trưa nào cũng có mấy anh mấy chị văn phòng rủ nhau đi ăn, cười đùa rất vui vẻ... Mình đã ước giá mình cũng được đi làm văn phòng như người ta, tốt nghiệp ngành thư ký này mình sẽ xin làm thủ thư cho mấy công ty này " - Khiêm tâm sự.
Duy Khiêm trong một lần diễn shows cùng nghệ sĩ Thanh Bạch. |
Thời gian đi học, Khiêm đã nghỉ hết việc bán hàng, rảnh thì lại đi hát cho quán cafe để có thu nhập. Thời gian còn lại Khiêm tìm tòi làm video, tập dựng phim, ráp tiếng, giả giọng... bởi tính tò mò và thích thú. Nhưng không ngờ, những đoạn clip Khiêm tự làm rồi sau đó đăng tải lên Youtube lại khiến hàng nghìn người biết đến.
Thấy được tài năng của Khiêm qua mạng, công ty trong tòa nhà to trước trường học mà cậu mơ ước đã mời Khiêm về làm việc. Khiêm làm việc tốt nên hợp đồng làm clip đến liên tục. Rồi Khiêm cũng có những khoản tiền lớn mà chưa bao giờ dám mơ .
Chàng trai luôn nghĩ "Mình phải khác..." |
Ba năm trôi qua, Khiêm lại nghĩ "Mình phải khác...". Khiêm nộp đơn xin nghỉ việc, rồi rủ bạn bè góp vốn mở quán cafe. Tới nay cũng được 1 năm, trải qua những ngày cực nhọc, Khiêm đã mở được 2 quán cafe ở Sài Gòn với 2 phong cách riêng, một quán dành để hát, một quán dành cho nhưng vị khách sống về ban đêm.
Ở quán cafe của mình Khiêm tự hát cho mọi người nghe, cũng có nhiều nơi mời Khiêm đến hát, tổ chức show nên thu nhập của Khiêm ngày càng "rủng rỉnh" hơn. Khiêm đã làm được những điều bản thân thích thú và mơ ước.
"Mình đã có thể hát ra tiền, không thực sự nhiều như mấy bạn ca sỹ chạy show, nhưng cũng có chút xíu giá để mỗi show như vậy đủ trang trải tiền ăn cho cả tháng ..." - Khiêm nói.
Qua một chặng đường dài, đầy khó khăn, thử thách, Duy Khiêm đã tự rút ra cho bản thân mình 4 bài học:
"1 - Đời là một sợi dây xích dài của những mắc xích cơ duyên, bạn gặp ai - làm gì - giờ nào ... đều là duyên định, bạn phải gặp người đó, làm điều đó thì kết quả sẽ ra như thế đó. Bạn không thể tránh và cũng không thể cưỡng ép ...
2 - Hãy cứ tin, hãy cứ mơ, hãy cứ ước ... bạn sẽ làm được. Hãy cứ tin và nói một điều gì đó mỗi ngày bạn sống, một ngày nào đó nó sẽ là sự thực ...
3 - Phía trước luôn là giông bão nhưng sau màn mây luôn là mặt trời, hãy cứ đi tới, bạn sẽ thấy ánh sáng ...
4 . Cuối cùng - Tôi có thể bỏ tiền ra để ăn thật sang sau mỗi hợp đồng lớn, nhưng tôi sẽ không bao ai có khả năng lao động hoặc nhà giàu, hoặc dùng tiền tôi để cờ bạc hút chích ...".