Trước đó, liên quan đến tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, một số vụ việc đã gây nghi ngại trong nhân dân về thái độ ứng xử của cơ quan có trách nhiệm. Các vụ huy động tiền vốn với nhiều hình thức khác nhau, hứa trả lãi suất cao rồi tuyên bố “vỡ nợ”. Rõ ràng có rất nhiều dấu hiệu của tội phạm lừa đảo song cơ quan chức năng cho rằng đó là việc “dân sự” và bỏ mặc những người bị lừa đảo tự xoay xở lấy. Nhiều “chủ nợ”, “chủ đầu tư” đã gặp cảnh khốn cùng, nhà tan, cửa nát, thậm chí, hạnh phúc gia đình không còn.
Hoặc, những vụ lừa đảo trong các “dự án ma” để bán bất động sản, diễn ra khá phổ biến, rầm rộ và công khai trong một thời gian dài nhưng không bị xử lý kịp thời khiến nhiều người sập bẫy. “Tiền mất, tật mang”, vướng vào vòng kiện tụng kéo dài, làm ảnh hưởng không ít đến công việc, thời gian lao động không chỉ riêng cá nhân và gia đình mà còn mang lại hệ lụy xấu cho cả xã hội.
Phổ biến và tràn lan là lừa đảo trên mạng, từ thô thiển đến tinh vi mà không ít người bị vướng vào, có trường hợp mất hàng tỷ đồng. Có điều phải chú ý là các hành vi lừa đảo này xuất hiện nhiều lần, lặp đi lặp lại, có nạn nhân tố cáo song không làm sao diệt tận gốc được. Thậm chí công khai trên các tài khoản xã hội như quảng cáo bán tiền giả hoặc lừa đảo trúng thưởng, tặng quà, tiền từ thiện mà mãi không thấy ai ngăn chặn thì quả là hết sức lạ lùng.
Bên cạnh đó là việc bán hàng trên mạng kém phẩm chất không như những gì mà người bán hàng cam đoan về chất lượng sản phẩm và không ít khách hàng bị lừa dối theo kiểu này đành phải “ngậm bồ hòn làm ngọt”. Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh và yêu cầu theo dõi chặt chẽ, có những hành động quyết liệt trong việc quản lý không gian mạng rất đáng hoan nghênh.
Những hoạt động thực chất là lừa đảo nhưng “núp bóng” hợp pháp, có những thủ đoạn tinh vi lôi kéo người vào bẫy, đó là hình thức bán hàng đa cấp, tạo ra hàng loạt các nạn nhân “đa cấp” có “dây mơ, rễ má” với nhau. Chỉ thị cũng lưu ý đặc biệt những hoạt động này.
Đành rằng, các đối tượng lừa đảo đánh vào lòng tham con người. Những nạn nhân của sự lừa đảo cũng có một một phần lỗi. Nhưng lợi dụng những điểm yếu, khiếm khuyết, sự thiếu tỉnh táo, hay cả tin… để chiếm dụng tài sản và tiền bạc của người ta là việc làm phi nhân, trái đạo đức, vi phạm pháp luật thì không được bỏ qua. Không chỉ chặn bàn tay của những đối tượng lừa đảo mà cần xử lý cả những người tiếp tay hoặc bao che. Chúng ta cần thực hiện phương châm loại bỏ những cán bộ “thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh” như ý kiến đề xuất của các đại biểu Quốc hội về công tác cán bộ hiện nay.