Chân dung tân Giám đốc FBI Christopher Wray

Tân Giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) Christopher Wray
Tân Giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) Christopher Wray
(PLO) - Thượng viện Mỹ vừa phê chuẩn ông Christopher Wray làm tân Giám đốc Cục Điều tra Liên bang (FBI) của nước này. 

Trước đó, cựu Giám đốc FBI James Comey đã bị Tổng thống Donald Trump sa thải, với lý do mà ông Comey cho là nhằm ngăn cản cuộc điều tra về cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016.

Phê chuẩn

Đêm 1/8 (giờ Mỹ), tức sáng 2/8 (giờ Việt Nam), Thượng viện Mỹ đã phê chuẩn ông Christopher Wray làm tân Giám đốc FBI của nước này thay thế ông James Comey. Thượng Nghị sĩ Chuck Grassley, Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Thượng viện Mỹ, tuyên bố: “Tôi rất hài lòng về sự ủng hộ của Thượng viện đối với việc bổ nhiệm ông Wray làm Giám đốc FBI. Ông Wray có đầy đủ năng lực, cá tính và lòng quyết tâm sắt đá để điều hành một cơ quan thực thi pháp luật một cách công tâm, điều mà chúng ta rất cần ở một Giám đốc FBI”.

“Danh tiếng của FBI đã bị phủ bóng bởi các vụ việc gần đây, nhưng tôi hy vọng rằng, việc phê chuẩn ông Christopher Wray làm Giám đốc FBI sẽ mở ra một trang mới cho cơ quan thực thi pháp luật hàng đầu của nước Mỹ”. Trước đó, ngày 20/7, Ủy ban Tư pháp Thượng viện Mỹ đã nhất trí thông qua việc đề cử ông Christopher Wray làm tân Giám đốc FBI.

Phát biểu tại phiên điều trần phê chuẩn trước Ủy ban Tư pháp Thượng viện Mỹ, ông Wray cam kết sẽ làm việc độc lập. Ông cho biết: “Nếu được vinh dự trở thành lãnh đạo của FBI, tôi sẽ không bao giờ cho phép bất kỳ điều gì chi phối hoạt động của cơ quan này, ngoài sự thật, luật pháp và công lý”. Ngày 7/6 vừa qua, Tổng thống Mỹ Trump đã thông báo ý định lựa chọn ông Christopher Wray làm Giám đốc FBI. 

C.Wray là ai?

Ông Christopher Wray sinh ngày 17/12/1966 tại New York, Mỹ. Theo hồ sơ tại Bộ Tư pháp Mỹ, ông Wray tốt nghiệp Đại học Yale vào năm 1989. Trong hai năm 1992 và 1993, ông là Thư ký cho Thẩm phán Tòa Phúc thẩm số 4 J. Michael Luttig. Từ năm 1993 đến 1997, ông là cộng sự tại Hãng luật King & Spalding. Sau đó, từ năm 1997 đến 2001, ông là Trợ lý Chưởng lý bang Geogia.

Từ năm 2003 đến năm 2005, ông Christopher Wray là trợ lý Bộ trưởng Tư pháp Mỹ phụ trách các vấn đề hình sự dưới thời cựu Tổng thống George W. Bush. Ông Christopher Wray được biết đến với vai trò giám sát các cuộc điều tra gian lận lớn của các tập đoàn Mỹ, trong đó có cả cuộc điều tra nhằm vào Tập đoàn Enron, một tập đoàn năng lượng lớn luôn có tên trong danh sách các công ty phát triển nhất nước Mỹ. Tân Giám đốc FBI Wray hiện đang làm việc tại Hãng luật King & Spalding - nơi ông trở thành một đối tác từ năm 2006. Ông là người điều hành Nhóm Các vấn đề Đặc biệt và Thực thi Các vụ Điều tra của Chính phủ Mỹ tại hãng luật này.

Một trong những “điểm sáng” trong khi hành nghề luật của ông Christopher Wray là việc ông từng đại diện cho Thống đốc bang New Jersey Chris Christie trong vụ điều tra liên quan đến việc đóng cửa các làn đường trên Cầu George Washington (hay còn gọi là vụ Bridgegate). Trong vụ này, 2 cựu trợ lý của ông Chris Christie từng bị kết tội lên kế hoạch đóng cửa các làn đường trên Cầu George Washington nhằm trừng phạt một Thị trưởng của Đảng Dân chủ có quan điểm chống lại Thống đốc bang New Jersey Chris Christie.

Vì sao Comey bị sa thải?

Ngày 9/5 vừa qua, Giám đốc FBI Comey đã bất ngờ bị Tổng thống Donald Trump sa thải trong bối cảnh ông Comey đang phụ trách cuộc điều tra về cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016. Quyết định được đưa ra theo khuyến nghị của Bộ trưởng Tư pháp Mỹ. Ông James Comey, 56 tuổi, được bổ nhiệm làm Giám đốc FBI cách đây 4 năm và sau đó được Tổng thống Trump tái bổ nhiệm. Giám đốc FBI được bổ nhiệm theo nhiệm kỳ 10 năm, nhưng có thể bị Tổng thống Mỹ bãi nhiệm vào bất kỳ lúc nào.

Hồi cuối tháng 10/2016, ông Comey cũng đã gây xôn xao dư luận khi gửi một bức thư lên giới lãnh đạo Thượng viện và Hạ viện Mỹ thông báo mở lại cuộc điều tra vụ bê bối thư điện tử của cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton do phát hiện những bức thư được cho là “thích hợp cho cuộc điều tra”, chỉ 11 ngày trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2016. Quyết định sa thải cựu Giám đốc FBI James Comey của Tổng thống Mỹ Trump đã khiến nhiều nghị sĩ đảng Dân chủ phản đối và cho rằng đây là “một sai lầm lớn”. 

Ngày 14/5, nhiều nghị sĩ Mỹ đã lên tiếng yêu cầu cựu Giám đốc FBI Comey ra điều trần công khai sau khi xuất hiện một bản ghi nhớ có nội dung Tổng thống Donald Trump đề nghị ông Comey ngừng cuộc điều tra về mối quan hệ giữa cựu Cố vấn An ninh quốc gia Michael Flynn với Nga. Theo truyền thông Mỹ, bản ghi nhớ này do chính cựu Giám đốc FBI Comey ghi lại ngay sau cuộc gặp với ông Donald Trump tại Phòng Bầu dục, một ngày sau khi ông Flynn từ chức vì các cáo buộc liên lạc với Nga. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ đã bác bỏ những thông tin này.

Ngày 8/6, cựu Giám đốc FBI Comey đã ra điều trần công khai trước Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ liên quan đến những cáo buộc cho rằng Tổng thống Donald Trump từng yêu cầu ông che giấu những thông tin nhạy cảm liên quan đến cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ hồi năm 2016. Trong phiên điều trần, cựu Giám đốc FBI Comey cho biết Tổng thống Trump đã yêu cầu “lòng trung thành” từ ông và đề nghị ông gác lại cuộc điều tra về mối quan hệ giữa cựu Cố vấn An ninh quốc gia Flynn với Nga.

Ông Comey cũng cho rằng luật pháp Mỹ không quy định lí do để sa thải Giám đốc FBI nên chính quyền của Tổng thống Trump đã chọn cách “phỉ báng” ông và cả FBI với tuyên bố cơ quan này đang bị hỗn loạn, có lãnh đạo yếu kém và đội ngũ nhân viên không còn tin tưởng vào lãnh đạo. Cựu Giám đốc FBI gọi những lí do đó là “sự lừa dối” của Nhà Trắng.

Nhà Trắng ngay lập tức đã chỉ trích mạnh mẽ những cáo buộc cựu Giám đốc FBI Comey. Trong khi đó, ông Marc Kasowitz, luật sư riêng của Tổng thống Trump cho rằng ông Comey cần phải bị truy tố do để rò rỉ các thông tin mật. Ngày 15/6, Công tố viên đặc biệt Robert Mueller, người phụ trách giám sát cuộc điều tra về cái gọi là “Nga can thiệp cuộc bầu cử Mỹ” năm 2016, cho biết cuộc điều tra đã mở một hướng mới sau phiên điều trần trước Quốc hội của cựu Giám đốc FBI Comey. 

Đọc thêm

Nghề giáo bốn phương

Giải thưởng Nhà giáo Ghana 2024 là một trong những giải thưởng cao quý nhất để công nhận, tôn vinh những đóng góp của các giáo viên khắp cả nước này. (Ảnh: UNICEF)
(PLVN) - Giáo viên tại các quốc gia đang phát triển thường xuyên đối diện với nhiều thách thức lớn như nghèo đói, thiếu hụt nguồn lực, lớp học quá tải, điều kiện công nghệ hạn chế. Tuy nhiên, họ vẫn luôn kiên trì và tận tâm, không ngừng nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để mang lại tri thức và hy vọng cho từng học sinh, dù cho điều đó đôi khi vượt xa trách nhiệm công việc của họ.

Nghề độc đáo ở Nhật Bản: Ra sức 'nhồi nhét' khách lên tàu, mỗi năm thu nhập trên 800 triệu đồng

 Số lượng người dân đi tàu điện ngầm ở Nhật Bản lúc nào cũng quá tải. (Ảnh: Japan Insider)
(PLVN) - Nhật Bản vốn nổi tiếng là đất nước sử dụng tàu điện ngầm là phương tiện giao thông chính và quan trọng, phục vụ hàng triệu người mỗi ngày. Với hệ thống tàu điện hiện đại, hiệu quả và có mặt khắp các thành phố lớn, việc sử dụng tàu điện là cách tốt nhất để di chuyển trong và ngoài thành phố.

Úc cấm trẻ em dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội

Hình minh họa
(PLVN) - Chính phủ Úc vừa cam kết sẽ ban hành luật giới hạn độ tuổi sử dụng mạng xã hội là 16 tuổi, kèm theo hình phạt cho các nền tảng không tuân thủ. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ làm thế nào để các ông lớn công nghệ như Facebook, Instagram, TikTok... có thể thực thi hiệu quả quy định này.